Siêu dự án Cao tốc Bắc - Nam: Hiển hiện nguy cơ chậm tiến độ

Tin tức - Ngày đăng : 11:31, 15/09/2021

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến nhiều dự án giao thông trọng điểm, trong đó có cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cộng hưởng vào đó là những vấn đề tồn tại từ trước khiến nhiều đoạn tuyến của cao tốc này đang đứng trước nguy cơ lớn bị chậm tiến độ.
Thiếu vật liệu – “căn bệnh mãn tính”
Như nhiều dự án đường giao thông khác, cao tốc Bắc – Nam phía Đông gặp một vấn đề rất nan giải, đó là thiếu vật liệu, đặc biệt vật liệu đắp nền. Vấn đề đã được chỉ ra từ lâu, Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư các dự án thành phần, rồi nhiều nhà thầu và những địa phương có cao tốc đi qua đã ngồi lại với nhau nhiều lần để tìm ra lời giải, tuy nhiên, đến nay, đây vẫn chưa tìm ra lời giải.
Điển hình, tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Thống kê của Ban Quản lý Dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho thấy, dự án này còn 2 gói thầu là XL5, XL6 có sản lượng trung bình thấp, đang chậm so với tiến độ đề ra (ít hơn 40%). Nguyên nhân do hai gói thầu này có khối lượng đắp nền đường là chủ yếu và trước đây có khó khăn trong công tác tìm nguồn vật liệu đất đắp.
Do sản lượng xây lắp đến ngày 5/9, mới đạt 61% giá trị xây lắp nên Ban QLDA đường Hồ Chí Minh dự kiến lùi tiến độ hoàn thành của các gói thầu vào quý II/2022 và quý III/2022, riêng gói thầu XL8 hoàn thành vào 30/10/2022. Để đáp ứng tiến độ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ GTVT cho phép chủ động thực hiện các giải pháp mạnh như thay thế chỉ huy trưởng, điều chuyển một phần khối lượng của nhà thầu có tiến độ triển khai chậm so với tiến độ yêu cầu cho những nhà thầu đáp ứng năng lực.
Ngoài cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam khác cũng chưa đạt tiến độ như kế hoạch. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vật liệu. Báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình, thuộc Bộ GTVT cho thấy, hiện có tới 9 dự án thành phần đi qua địa bàn 11 tỉnh gặp vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp, như các dự án Mai Sơn - QL45 (Ninh Bình), QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa và Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An và Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai).
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, các dự án này đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu mét khối vật liệu đất đắp nền đường. Trong đó có 14,4 triệu mét khối tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu mét khối nằm tại những mỏ đã cấp phép khai thác. Tuy nhiên, do chưa GPMB hoặc cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.
Tiến độ GPMB chưa đạt như kỳ vọn
Cùng với thiếu vật liệu nền, tiến độ GPMB tại nhiều đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam cũng đang khiến cho tiến độ chung của toàn dự án bị ảnh hưởng. Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho thấy, tính đến ngày 9/9/2021, 13 địa phương nơi 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua đã bàn giao mặt bằng được hơn 642,4km mặt bằng (đạt 98,4%), tăng hơn 1,4km so với đầu tháng 8/2021.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 dài gần 653km còn hơn 10km mặt bằng chưa được bàn giao. Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, nguyên nhân chủ yếu khiến 10km mặt bằng này chưa được giải quyết xong là do các địa phương chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Về công tác tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công dự án, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay, hiện các địa phương đã hoàn thành 74/83 khu xây mới, 8 khu đang thi công dự kiến hoàn thành trong quý III/2021 và 1 khu dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Trong khi đó, các địa phương và đơn vị liên quan di dời 363/733 vị trí đường điện (đạt 49,5%); di dời 22.099/40.232m đường ống nước các loại (đạt 54,9%), di dời 53.825/91.828m đường cáp viễn thông: (đạt 58,6%).
Đánh giá về công tác GPMB và tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông nhận định, trong thời gian qua, công tác GPMB, xây dựng khu tái định cự, di dời hạ tầng kỹ thuật của các địa phương có chuyển biến, nhưng chưa đáng kể và mức tăng này chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành công tác GPMB trước ngày 30/7/2021 theo ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề thiếu vật liệu nền của cao tốc Bắc – Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng đến hiện tại vẫn chưa có phương án tháo gỡ triệt để là điều đáng lo ngại. “Nếu Bộ GTVT và các địa phương không sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này chắc chắn tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ bị ảnh hưởng” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, cao tốc Bắc – Nam có vai trò đặc biệt quan trọng và khác biệt so với tất cả các dự án đường giao thông khác. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và cũng là dự án mẫu của ngành GTVT. Do đó, ngoài chất lượng công trình, tiến độ dự án phải được đảm bảo. “Lãnh đạo Bộ GTVT đã không ít lần nhắc tới việc cao tốc Bắc – Nam phải là dự án điểm, dự án mẫu mực về tiến độ và chất lượng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của dự án lớn như thế nào. Không thể để tiến độ dự án bị ảnh hưởng vì bất cứ lí do nào, kể cả thiếu hụt về vật liệu” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, tiến độ công tác GPMB và tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam trong tháng 8/2021 chưa được như kỳ vọng là điều đã được dự báo từ trước. “Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của rất nhiều dự án giao thông tại các tỉnh, TP áp dụng giãn cách chứ không chỉ cao tốc Bắc – Nam” – ông Liên nói và cho rằng, tiến độ công tác GPMB và tái định cư cần được Bộ GTVT và các địa phương đẩy mạnh hơn mới đáp ứng tiến độ hoàn thành công tác GPMB trước ngày 30/7/2021 theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó vai trò của các địa phương là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

kinhtedothi