Biểu tượng Quốc huy Việt Nam
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 08:18, 17/09/2021
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp thất bại hoàn toàn và phải trao trả độc lập, chủ quyền cho Việt Nam. Trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phải thiết lập được Quốc huy biểu trưng cho quốc gia, cho sự độc lập, chủ quyền của đất nước, cho bản sắc của dân tộc. Tại kỳ họp thứ năm (ngày 15 đến 20-9-1955) của Quốc hội khóa I, sau khi xem xét, cân nhắc rất nhiều mẫu, Tiểu ban Nghiên cứu ba vấn đề Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy đã quyết định trình mẫu Quốc huy do Chính phủ đề nghị và được đa số đại biểu Quốc hội tán thành. Mẫu Quốc huy này được các họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992), Trần Văn Cẩn (1910-1994) và một số đồng nghiệp sáng tác, lựa chọn, chỉnh sửa, hoàn thiện... theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt.
Ngày 14-1-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 254-SL ban bố mẫu Quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kèm theo có Phụ bản số 1 in hình mẫu Quốc huy Việt Nam đã hoàn thiện, có đủ màu và Điều lệ số 973-TTG về việc dùng Quốc huy do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký, cùng Phụ bản số 2 in hình mẫu Quốc huy vẽ rõ nét từng chi tiết bông lúa, lá lúa, hạt lúa, ngôi sao, bánh xe răng và dải băng đỏ có dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại kỳ họp đầu tiên (ngày 24-6 đến 3-7-1976), Quốc hội Việt Nam khóa VI đã ra nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca, do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký, trong đó không sửa đổi mẫu Quốc huy, chỉ thay tên nước thành “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Quốc huy Việt Nam hình tròn, nền đỏ tươi, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho máu đỏ da vàng, cho lịch sử cách mạng, tinh thần đoàn kết cùng tiền đồ rực rỡ của dân tộc ta, đất nước ta; bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho truyền thống nông nghiệp vững chắc; dòng chữ tên quốc gia (quốc hiệu) phía dưới và bánh xe răng (gồm 10 bánh răng) tượng trưng cho liên minh công nhân - nông dân - trí thức là nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc, cho nền nông nghiệp cũng như xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoản 2 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 hiện hành quy định: “Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ngày 27-2-2004, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 42/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải về việc xác định tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam: “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt...”. Theo kết luận đó, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã báo cáo chính thức để công nhận họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả của Quốc huy Việt Nam.