Ca F0 sử dụng kĩ thuật can thiệp ECMO đầu tiên tại bệnh viện Thanh Nhàn: “Các bác sĩ đã khiến tôi như được sinh ra thêm lần nữa!”

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:21, 17/09/2021

Nhờ sự can thiệp kịp thời từ phương pháp ECMO cùng sự nhiệt tình cứu chữa của các y bác sĩ mà bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc, 48 tuổi (trú tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã được cứu sống sau gần 50 ngày cảm giác như “không có ôxy” để tiếp tục thở và duy trì sự sống.
Được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê

Anh Hoàng Văn Ngọc là bệnh nhân mắc covid trong trường hợp cả gia đình được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung ở Thanh Trì. Đến ngày xét nghiệm lại để chuẩn bị được về nhà thì anh lại thấy trong người sốt cao, 39-40 độ không giảm và sau đó anh đã được phát hiện là mắc Covid-19. Anh chia sẻ: “Tuy tôi không có bệnh lý nền nhưng cảm giác đầu tiên là rất sợ hãi vì không thở được, như có ai bịt mũi, ấn xuống nước vậy, tâm trạng thực sự lo lắng, hoảng loạn. Sau khi được đưa vào viện, tôi bất tỉnh mấy ngày không biết gì, cứ mê man lịm đi. Ngày đầu tiên sau 4-5 hôm tỉnh lại vẫn thở rất khó khăn, các bác sĩ thường xuyên thăm khám, mỗi khi thấy tôi khó thở đều đến hô hấp cho tôi, bác sĩ cũng nói với tôi cứu được đến giờ phút này là đã vượt qua cửa tử. Hàng ngày, tôi được các bác sĩ hướng dẫn tập thở; tuy việc thở ra hít vào rất khó khăn nhưng ngày nào cũng phải tập và rèn luyện, lấy hơi kéo mệt lắm. Nhưng vì thế các bệnh nhân mắc căn bệnh này lại càng phải cố gắng rèn luyện và có tinh thần lạc quan để không bị nản mà bỏ cuộc. Tôi được các bác sĩ tại viện, cũng như được gia đình động viên, chăm sóc nhiều; và ngay chính bản thân mình cũng luôn nói phải giữ vững tinh thần. Trong gia đình tôi có đến 5 người cùng mắc bệnh. Hiện nay tình trạng của mọi người đều đã ổn định, xuất viện. Riêng tôi nặng hơn thì hôm nay cũng sắp được trở về đoàn tụ với gia đình. 
Ca F0 sử dụng kĩ thuật can thiệp ECMO đầu tiên tại bệnh viện Thanh Nhàn: “Các bác sĩ đã khiến tôi như được sinh ra thêm lần nữa. Thật không khác gì phép màu!”
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chữa khỏi, sức khỏe đã hồi phục để trở về nhà

Động lực giúp tôi chiến thắng bệnh tật chủ yếu là mình phải luôn nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, tin tưởng vào bác sĩ thì còn có cơ hội sống sót. Khi tôi có cảm giác không còn không khí để thở, như đã hết ôxy, dù đã cố gắng hết sức hít vào tôi đã nghĩ có lẽ mình sẽ chết. Vậy mà nhờ sự tận tâm, nhiệt tình của các bác sỹ, tôi dần lấy lại được nhịp thở và luyện dần dần. Tôi chỉ mong sao mọi người dân ở bên ngoài tuân thủ quy định giãn cách cũng như các biện pháp phòng chống dịch, nếu không có việc gì thực sự cần thiết thì không nên ra ngoài, tránh nguồn lây lan rộng vì bệnh này thực sự rất nguy hiểm. Hiện tại theo như tôi thấy bệnh viện nguồn lực cũng không phải quá nhiều, các bác sĩ đã rất vất vả, họ quá tải nên mỗi người hãy tự giữ sức khỏe bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tôi cảm ơn các cơ quan chức năng đã không bỏ những bệnh nhân như chúng tôi ở lại phía sau, cảm ơn Ban Giám đốc cũng như Lãnh đạo bệnh viện đã luôn tận tâm, tận lực hết sức cứu giúp để đến hôm nay tôi đã được xuất viện và hoàn toàn khỏi căn bệnh đáng sợ này. Tôi vui mừng lắm!”.

Ca F0 sử dụng kĩ thuật can thiệp ECMO đầu tiên tại bệnh viện Thanh Nhàn: “Các bác sĩ đã khiến tôi như được sinh ra thêm lần nữa. Thật không khác gì phép màu!”
Đội ngũ Y Bác sĩ tham gia điều trị thành công cho ca F0 đầu tiên bằng can thiệp ECMO.

Ca bệnh đầu tiên của bệnh viện được can thiệp ECMO thành công

Cũng theo như Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện thì Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối được chỉ định điều trị cho những bệnh nhân nặng đa số là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền. Tuy vậy chúng tôi luôn giữ vững tinh thần để cố gắng cứu chữa hết sức có thể, không cho phép mình được đầu hàng với bất cứ ca bệnh nào. Với 604 bệnh nhân F0, khi phải chiến đấu với bệnh tât cũng như những kĩ thuật rất phức tạp như: thở máy, lọc máu… thì ECMO là một trong những kĩ thuật rất khó nhưng thật kì diệu là bệnh nhân cũng đã qua khỏi. Sự thành công của ngày hôm nay cũng là sự nỗ lực hết sức của những chiến sĩ áo trắng ngày đêm túc trực bên giường bệnh theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở, chăm sóc cho người bệnh khi tiếp xúc với phương pháp điều trị mới. Đây cũng là niềm vui, nguồn động viên, niềm hạnh phúc đối với tập thể cán bộ, công nhân viên tại bệnh viện, đặc biệt là những người trực tiếp trong êkip trực tiếp điều trị tại giường bệnh. Ngay từ đầu ca bệnh 48 tuổi này được chuyển đến đã rất nặng, tổn thương phổi đến 80%. Khi đó chúng tôi rất lo lắng vì nếu tổn thương quá nhiều thì liệu phương pháp sử dụng và bản thân bệnh nhân có qua khỏi được không. Tuy thế nhưng với tinh thần chiến đấu của người bệnh cũng như sự kì vọng của cán bộ nhân viên y tế thì “phép màu” cũng đã đến với bệnh viện Thanh Nhàn và chính bản thân bệnh nhân. Vì đây là ca ECMO đầu tiên nên chúng tôi vẫn cần nhờ đến sự tư vấn của các thầy, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhiệt đới TW và cả bệnh viện Tim Hà Nội cùng với sự nhiệt tình, tự tin của y bác sĩ bệnh viện thì cuối cùng chúng tôi cũng đã thành công, mang về sự sống cho bệnh nhân.

Ca F0 sử dụng kĩ thuật can thiệp ECMO đầu tiên tại bệnh viện Thanh Nhàn: “Các bác sĩ đã khiến tôi như được sinh ra thêm lần nữa. Thật không khác gì phép màu!”
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế đến động viên, tặng hoa chúc mừng bệnh nhân.

Để chúc mừng bệnh nhân đầu tiên khỏi bệnh nhờ thực hiện ECMO, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh: “Đối với cuộc chiến chống Covid thì Sở Y tế Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, chúng tôi chia làm 3 tầng điều trị, đã bố trí 4 bệnh viện Đa khoa hạng 1 để điều trị tầng nặng nhất là tầng 3 - Hồi sức. Trong những bệnh nhân nguy hiểm, diễn biến nặng, có người phải thở máy, lọc máu thì nặng nhất là chạy ECMO, mà hiện nay tỉ lệ thành công trong ECMO rất thấp. Phải nói là trong cuộc chiến căng thẳng với dịch bệnh trên toàn cầu để cứu lại mạng sống người bệnh thì đây là ca bệnh đầu tiên của bệnh viện Thanh Nhàn thuộc Sở Y tế Hà Nội đã thành công trong việc chạy ECMO để giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Với vai trò của Lãnh đạo Sở Y tế,  tôi đánh giá rất cao chuyên môn của lực lượng y bác sĩ tại đây. Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn là đầu ngành của chuyên ngành hồi sức, chống độc, cấp cứu nên việc sử dụng thành công kĩ thuật ECMO đã khẳng định rõ vị trí cũng như vai trò của mình.

Qua trường hợp này, chúng tôi có thể khẳng định rằng nguồn lực của Sở Y tế chúng tôi sẵn sàng đáp ứng được những ca bệnh xấu nhất có thể xảy ra ở Hà Nội. Chúng tôi luôn trực tiếp giao ban trực tuyến hàng ngày đối với tất cả các bệnh viện trên toàn thành phố để được nghe báo cáo và hội chẩn về các trường hợp nặng, nhẹ, bất thường cũng như điều phối để chuyển viện sao cho hợp lí nhất và tổ chức tập huấn thường xuyên cho các bác sĩ của tầng 3 có sự tham gia của đầy đủ chuyên gia đầu ngành. Theo chỉ đạo của Thành ủy, Sở Y tế đã xây dựng rất nhiều kịch bản để sẵn sàng tham mưu cho Thành phố với 40.000 trường hợp ở tầng nhẹ, không triệu chứng; 8.000 ở tầng 2 và tầng 3 là những tầng trung bình, nặng, nguy kịch để kịp thời ứng phó và sẵn sàng kích hoạt nếu tình hình dịch bệnh bùng phát”.

Nguyễn Trường - Hà Trang