''Rào cản'' trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 15:59, 18/09/2021

Phim vừa ra mắt đã bị quay và phát trực tiếp ngay từ trong rạp; nhạc không bản quyền, các bản sách PDF được chia sẻ tràn lan trên mạng internet, thậm chí cả các chương trình lớn cũng gặp những khúc mắc về quyền tác giả..., điều đó khiến giới sáng tạo nản lòng.
Những hạn chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành rào cản đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời.
''Rào cản'' trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Mua vé xem phim là tôn trọng lao động sáng tạo của nghệ sĩ, góp phần vào sự nghiệp phát triển lành mạnh của công nghiệp điện ảnh. Ảnh: Minh Vũ

Thực trạng nhức nhối

Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như phim, ảnh, âm nhạc, hội họa, xuất bản, đặc biệt là trên môi trường mạng internet ở Việt Nam hiện nay phổ biến đến mức nhức nhối.

Mới đây, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự liên quan tới website phimmoi.net vì đã chiếu phim “lậu” trong một thời gian dài. Những đối tượng điều hành website này đã sao chép, sử dụng bất hợp pháp rất nhiều bộ phim trong nước và nước ngoài để phát trên website, thu lợi bất chính với số tiền lên tới hơn 1,3 tỷ đồng mỗi tháng.

Phimmoi.net là một trong những website phim lậu có lượng người xem đông đảo nhất (ước tính có khoảng 50 - 90 triệu lượt truy cập mỗi tháng) nhưng gần đây mới bị cơ quan chức năng xử lý. Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có trên 200 website phim lậu đang hoạt động.

Bên cạnh những vi phạm ở quy mô lớn và trắng trợn như website xem phim lậu kể trên, việc xâm phạm bản quyền đối với các tác phẩm điện ảnh còn diễn ra rất phổ biến trên mạng với nhiều hình thức khác nhau.

Nở rộ và cũng đang hết sức nhức nhối hiện nay là chiêu trò tóm tắt nội dung (review) phim trên các nền tảng mạng xã hội. Việc cắt ghép hình ảnh trong phim thành các đoạn ngắn để review có thể “lách” được công cụ kiểm duyệt bản quyền của các mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook nhưng lại gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất phim không kém gì so với các trang phim lậu.

Tuy nhiên, hành vi này đang rất phát triển nhờ những người làm video kiểu này có thể kiếm được rất nhiều tiền trên các mạng xã hội. Các chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh xử lý các web phim lậu, những hành vi như review phim cũng cần sớm được ngăn chặn. Thực tế ở nhiều nước, việc review phim trái phép có thể phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hai lĩnh vực khác cũng bị xâm phạm bản quyền rất phổ biến trên mạng internet là âm nhạc và xuất bản. Người nghe dễ dàng tải các bản sách lậu, hay nghe nhạc miễn phí trên mạng ở rất nhiều trang web khác nhau. Thực tế này kéo dài khiến cho người ta có cảm giác về sự “nhờn luật”, không thể kiểm soát.

Sự yếu ớt trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Mỗi khi nhắc đến chuyện vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh, hình ảnh nhà sản xuất, đạo diễn Ngô Thanh Vân bật khóc khi phát hiện ra phim “Cô Ba Sài Gòn” bị quay phát trực tiếp lên mạng xã hội (livestream) ngay từ trong rạp lại hiện lên đầy ám ảnh.

Ngô Thanh Vân từng trải lòng trên trang cá nhân: “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê kíp mình. Tôi thật sự nản các bạn à. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy. Mong hãy giúp report trang phim để những người giết phim Việt như thế này biến mất trên cõi đời này”. Thậm chí, sự việc này còn khiến nữ nghệ sĩ chán nản và nghĩ đến việc ngừng làm phim.

Thực tế, hầu hết các bộ phim của điện ảnh Việt, nhất là những bộ phim được công chúng quan tâm đều bị vi phạm bản quyền. Mới đây nhất là trường hợp của bộ phim “Bố già”, chỉ trong 24 giờ sau khi được đưa lên ứng dụng xem phim trực tuyến trả phí Galaxy Play, đơn vị phát hành đã phát hiện ra hàng chục đường link "phim lậu".

Việc vi phạm bản quyền ngang nhiên khiến các nghệ sĩ rất bức xúc. Song đáng buồn, hầu hết các vụ vi phạm đều “chìm xuồng”, ngay cả trường hợp của Ngô Thanh Vân, mặc dù tuyên bố sẽ “tuyên chiến tới cùng” với nạn vi phạm bản quyền nhưng rồi cũng phải chấp nhận bỏ qua vì lỗi chủ yếu liên quan tới ý thức của người xem. Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng phức tạp, mức phạt chưa đủ sức răn đe cũng khiến các nghệ sĩ ngại theo đuổi tới cùng.

''Rào cản'' trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Poster hình Ngô Thanh Vân với nội dung cấm livestream trong rạp.

Những nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) và Hội đồng Anh trong khuôn khổ Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” cho thấy một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo nghệ thuật bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như nỗi bức xúc khi hành vi xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tuy vẫn có một số lượng người nhất định nhận thức được về những hành vi vi phạm đó, song họ cho rằng sự ràng buộc pháp luật về vấn đề này còn mong manh và chưa dễ gì để có đủ minh chứng truy tố những hành vi sai phạm này.

Nền tảng cho công nghiệp văn hóa

Theo đánh giá của VICAS: “Nền kinh tế sáng tạo là một xu hướng mới đang nổi lên tại Việt Nam, đã và đang đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018. Những tiến bộ kinh tế vượt bậc trong thời gian qua cộng với thành phần dân số trẻ năng động của Việt Nam có tiềm năng đem đến những cơ hội tuyệt vời để phát triển một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa. Tuy nhiên, các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã và đang gặp phải rất nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo”.

Điều này đặt ra đòi hỏi cấp thiết trong việc cần cải thiện vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, tạo ra một môi trường lành mạnh cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Trong bài viết “Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền - Cái lõi phát triển công nghiệp văn hóa”, nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo đánh giá: “Chúng ta đã tham gia các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên (Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước Bern, Hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPs trong khuôn khổ của WTO...) hoặc Việt Nam chưa là thành viên nhưng thừa nhận áp dụng chung và áp dụng trên cơ sở có đi có lại với các quốc gia khác; các hiệp định song phương (Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định Thương mại tự do với Mỹ, và Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam). Đây là những căn cứ khá đầy đủ để xây dựng một nền tảng pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả văn minh tại Việt Nam”.

Như vậy, nền tảng cho hành lang pháp lý đã có, vấn đề quan trọng đặc biệt cần lưu ý chính là ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người dân. Việc nâng cao ý thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ cho cả người thực hành sáng tạo và người thụ hưởng là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay để tạo ra một môi trường lành mạnh cho công nghiệp văn hóa phát triển.

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

“Phát triển công nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó tạo ra cách nhìn nhận đánh giá, cách thưởng thức mới của công chúng đối với nghệ thuật biểu diễn, đồng thời đòi hỏi các loại hình nghệ thuật cũng phải chuyển mình, nâng cao cách tiếp cận với công chúng và đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, bảo vệ bản quyền là khâu hết sức phức tạp và khó khăn khi thực hiện công nghiệp văn hóa. Các chương trình “hot” đều bị sao chép hàng loạt, bị phát tán tràn lan trên không gian mạng, các nhà đầu tư chưa sản xuất ra sản phẩm văn hóa nghệ thuật xong đã bị bán ra ngoài thị trường, nên hầu hết các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, múa... chủ yếu sản xuất với hình thức băng đĩa để tặng”.

HNM