Tạo thói quen quét mã QR tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:59, 24/09/2021
Yêu cầu ký cam kết
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, so với những ngày đầu thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND, ngày 24-9, tại địa bàn các quận: Long Biên, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng…, việc tạo điểm quét mã QR cũng như yêu cầu người đến giao dịch thực hiện quét mã QR đã được triển khai tốt hơn. Trong đó, các cơ sở kinh doanh đều ký cam kết với chính quyền sở tại để tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Với hơn 200 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thùy Dương cho biết, qua kiểm tra thực tế, các cơ sở kinh doanh đều chấp hành nghiêm Chỉ thị số 22/CT-UBND, trong đó cam kết chỉ bán mang về và có mã QR để khách hàng đến mua thuận tiện khi khai báo y tế.
Còn tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), phường đã yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn thông tin: “Hơn 500 cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở cửa phải xây dựng phương án phòng, chống dịch và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người lao động, cộng đồng. Đồng thời, các cửa hàng đều đăng ký điểm khai báo QR code với toàn bộ người đến mua”.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, quận đã ban hành văn bản yêu cầu 18 phường trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, tổ chức ký cam kết yêu cầu các nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị… tạo điểm quét mã QR và thực hiện kiểm soát người ra/vào bằng việc quét mã QR. Đến sáng 24-9, trên địa bàn quận đã có 17.867 điểm quét mã QR.
Trong khi đó, trên địa bàn quận Cầu Giấy, ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân, chợ Trung Hòa, trên các phố Nguyễn Khánh Toàn, Nghĩa Tân, Yên Hòa…, hàng quán chấp hành nghiêm việc bán hàng mang về và khai báo mã QR.
Ngoài việc bắt buộc phải quét mã QR, nhiều hàng quán còn bày thêm ghế trước mặt tiền để người dân tiện việc ngồi xếp hàng đảm bảo giãn cách khi đợt đến lượt. Bà Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sơ bánh cuốn gia truyền trên phố Nghĩa Tân cho biết, mã QR được đặt ngay dưới tấm biển “chỉ bán mang về” để thuận tiện cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở ngõ chợ Khâm Thiên (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) cho biết, người dân đi chợ hay đến siêu thị đều phải khai báo QR như một yêu cầu bắt buộc. Qua thực hiện, chị thấy việc khai báo không mất thời gian, lại bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.
Tập trung tuyên truyền đến người dân
Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ cho biết, đến hết ngày 23-9, toàn huyện có gần 22.000 địa điểm được cài đặt xong mã QR. Để đẩy nhanh việc cài đặt mã, Huyện Đoàn Quốc Oai đã huy động 100% đoàn viên, thanh niên phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn các tiểu thương, hộ kinh doanh cài đặt mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in ra giấy dán trước cửa hàng.
“Chúng tôi phấn đấu đến ngày 30-9, 100% hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tạo mã QR riêng, phục vụ công tác truy vết”, ông Nguyễn Văn Thọ thông tin thêm.
Tại huyện Đan Phượng, mặc dù đã nhiều ngày qua trên địa bàn không xuất hiện ca mắc Covid-19 mới, song huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng được phép vẫn phải tuân thủ việc dán mã QR để người dân thuận tiện quét mã khi đến làm việc, mua bán...
Ghi nhận thực tế, hầu hết cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Mê Linh chấp hành khá nghiêm túc quy định phòng, chống dịch Covid-19 sau khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn lác đác một số cửa hàng buôn bán, kinh doanh, chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, trong khu dân cư, còn lơ là, chủ quan.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là kiểm soát dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng, sử dụng dịch vụ, khai báo y tế bằng mã QR. Liên quan đến việc một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ còn chưa chấp hành nghiêm túc quy định này, ông Lê Văn Khương cho biết sẽ chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cơ sở nào không thực hiện nghiêm thì kiên quyết đóng cửa cho tới khi bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định.
Để chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư thực hiện chủ trương của thành phố, Huyện Đoàn Ứng Hòa phối hợp với Đảng ủy, UBND thị trấn Vân Đình tổ chức tặng bảng quét mã QR cho 100 hộ kinh doanh trên địa bàn. Bí thư Huyện Đoàn Ứng Hòa Phạm Quốc Khánh cho biết đã trích kinh phí in và tặng bảng quét mã cho các hộ, cơ sở kinh doanh. Đồng thời, đoàn viên thanh niên đã hướng dẫn cho đại diện các đơn vị về kỹ năng quản lý, sử dụng chức năng “Quét QR” trên các hệ thống để khai báo và cách cài đặt, sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.