Văn hóa ứng xử luôn là "sức mạnh mềm" của Thủ đô

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 21:02, 27/09/2021

Văn hóa ứng xử luôn là “sức mạnh mềm” góp phần to lớn vào sự phát triển Thủ đô. Trong thiên tai, địch họa, nguồn sức mạnh ấy lại càng cần được nuôi dưỡng, bồi đắp và tỏa sáng để gia tăng sức mạnh, củng cố niềm tin, tạo động lực giúp người dân vượt qua khó khăn. Hànộimới Cuối tuần ghi ý kiến của các nhà văn hóa, nhà quản lý về vấn đề này.

Chị Chu Hồng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội:
Cống hiến luôn là nét đẹp văn hóa ứng xử của thanh niên

Văn hóa ứng xử luôn là

Với thông điệp: "Mỗi đoàn viên và thanh, thiếu nhi Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi tổ chức Đoàn là một pháo đài, chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, thời gian qua, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều phần việc cụ thể, nhanh chóng điều chỉnh phương thức hoạt động, tập trung tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch...

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhiều sinh viên ngành Y ở Hà Nội đã tình nguyện lên đường chống dịch. Trước tình hình dịch bệnh tại miền Nam có chiều hướng phức tạp, chỉ sau 1 tuần Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát đi thư kêu gọi thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch, đã có gần 5.000 lượt tình nguyện viên đăng ký, trong đó có 1.404 lượt đăng ký vào miền Nam.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội cũng luôn có sự góp mặt của “phòng tuyến áo xanh” thanh niên Thủ đô. Toàn thành phố có gần 18.000 đoàn viên, thanh niên đã và đang tham gia tích cực, trách nhiệm tại các xã, phường, thị trấn với nhiều nội dung như phân luồng giao thông, trực chốt kiểm soát y tế, cùng địa phương triển khai các hoạt động an sinh xã hội, công tác tuyên truyền, các chương trình “Áo xanh bảo vệ vùng xanh”, “Shipper thanh niên”, “Bếp xanh thanh niên”...

Với các chương trình, chiến dịch được Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội Sinh viên - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội phát động, sau một thời gian đã cho thấy sự lan tỏa trong các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội, đạt được nhiều kết quả ấn tượng như 22.626 người khó khăn, lao động tự do, gia đình chính sách được hỗ trợ từ “Siêu thị mini 0 đồng”; 544 laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh được gửi tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ chương trình “Tiếp sức đến trường - Vượt qua đại dịch”; 30.000 suất quà “Tiếp sức sinh viên - vượt qua Covid-19” gửi tặng sinh viên ngoại tỉnh ở lại Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội; hơn 150.000 suất cơm tiếp sức người nghèo, công nhân mất việc làm, lao động tự do, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khu vực cách ly chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình”; “5.000 giỏ quà sẻ chia - hỗ trợ tâm dịch phía Nam”...

Cùng với Thành phố và các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 triển khai các hoạt động an sinh xã hội để “không ai bị bỏ ai phía sau”, tuổi trẻ Thủ đô đã thể hiện một nét văn hóa ứng xử rất đẹp của thanh niên thời đại mới, được tiếp nối từ truyền thống, đó là tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Chị Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội:
Gieo hạt mầm nuôi dưỡng nếp sống văn hóa

Văn hóa ứng xử luôn là

Kế thừa truyền thống vẻ vang của phụ nữ Thủ đô, trên mặt trận phòng, chống Covid -19, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm vì cộng đồng, sự tận tâm và tinh thần “tương thân, tương ái”.

Ngay từ những ngày đầu, các thành viên luôn có mặt hỗ trợ các lực lượng phòng, chống dịch, cùng với việc tham gia trực chốt, hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm phòng Covid-19, rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với F0. Các cán bộ, hội viên của Hội còn tham gia hỗ trợ chính quyền các cấp triển khai hoạt động an sinh xã hội tại các địa bàn phải thực hiện cách ly, phong tỏa như đi chợ hộ, cung cấp nhu yếu phẩm cho các gia đình; đặc biệt là mô hình “Bếp ăn ấm tình - vượt qua đại dịch”, “Bữa cơm ấm tình” của các cơ sở Hội góp phần duy trì việc cung cấp các suất ăn hằng ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và khu cách ly.

Bên cạnh đó, với tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp Hội đã chủ động khai thác nguồn lực xã hội hóa để ủng hộ kinh phí, vật dụng, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, kịp thời hỗ trợ các suất quà cho phụ nữ nghèo, lao động nữ nhập cư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, hội đã triển khai sâu rộng và hiệu quả các hoạt động tương trợ nhau trong thu hoạch nông sản, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Nội và một số tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Những việc làm nhỏ bé nhưng có sức lan tỏa sâu rộng ấy cho chúng ta niềm tin rằng, những hành động đẹp không chỉ góp phần vào công cuộc chống dịch trước mắt mà sẽ gieo hạt mầm nuôi dưỡng lối sống, nếp sống văn hóa cho các thế hệ tiếp theo, tạo nguồn lực nội sinh để Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, phát triển nhanh và bền vững.

PGS.TS Đỗ Thị Hảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội:
Sự đồng lòng là truyền thống đáng tự hào

Văn hóa ứng xử luôn là

Trước khi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đã từng là một cái làng lớn chứa trong mình nhiều làng nhỏ. Mà đã sống ở làng, mang đặc tính của người làng nên người Hà Nội luôn có một tinh thần “tương thân, tương ái”, sống tình nghĩa, "tối lửa tắt đèn có nhau". Chính vì thế, trong suốt tiến trình của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã chứng kiến nhiều biến động nhưng người Hà Nội luôn thể hiện rõ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, yêu thương, đoàn kết cùng nhau vượt qua muôn vàn thử thách. Càng trong khó khăn thì tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” lại càng tỏa sáng.

Trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, cũng là lần nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019 đến nay, tinh thần đoàn kết và lối ứng xử văn hóa đẹp đẽ luôn vì cái chung của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng càng được khắc sâu, tô thắm. Cả hệ thống chính trị đã phát huy rất tốt vai trò của từng tổ chức, “vào từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân theo những quy định về phòng, chống dịch. Tinh thần ấy còn được thể hiện qua bản lĩnh và ý thức học hỏi cao từ thực tế của các cấp, ngành để ứng đáp ngày càng tốt hơn với biến động khắc nghiệt của tình thế. Nhìn lại để thấy rằng, cho dù đâu đó vẫn còn có những hành vi ứng xử chưa đẹp nhưng càng khó khăn, gian khổ, truyền thống đoàn kết của người Hà Nội càng được bộc lộ rõ ràng. Đặc biệt, sự đồng lòng chính là truyền thống đáng tự hào, tô thắm cho trang sử hào hùng của người Hà Nội.

HNMCT