Khai thác hiệu quả giá trị không gian kiến trúc, văn hóa khu phố cổ
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:03, 30/09/2021
- Thưa Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, trước những biến động của cuộc sống hiện đại, hạ tầng khu phố cổ hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức nào?
- Khu phố cổ Hà Nội ra đời và phát triển cùng với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội và tạo nên bản sắc riêng của cấu trúc không gian đô thị. Ngày nay, khu phố cổ vẫn được đánh giá là một quần thể di sản đô thị quý giá của Hà Nội, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Quốc gia từ năm 2004. Tuy nhiên, sự phức tạp về sở hữu nhà đất - công tư xen kẽ, cùng với chất lượng công trình xuống cấp, mật độ dân cư cao đã tác động bất lợi đến hạ tầng và cảnh quan Khu phố cổ Hà Nội.
Đặc biệt, trong thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, Khu phố cổ Hà Nội còn khoảng 10% nhà đông hộ và hộ đông người, là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nếu có ca F0 tại cộng đồng. Chính vì thế, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã điều tra, đưa ra khuyến cáo cho người dân biết và di chuyển tạm thời người dân ra khỏi khu vực có nhiều nguy cơ, đồng thời tập trung tuyên truyền và khuyến cáo người dân trong khu vực tăng cường các biện pháp phòng dịch để mỗi cá nhân nhận thực rõ yêu cầu, trách nhiệm tự bảo vệ mình và cộng đồng.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng khu phố cổ?
- Hiện nay, dân số ở cố định giảm nhưng lượng khách du lịch, người tới khu phố cổ làm việc, kinh doanh tăng. Nhiều gia đình có cửa hàng trong khu phố cổ, hằng ngày vẫn đến đây kinh doanh buôn bán nhưng tối họ lại về nhà ở khu vực khác, có thể thấy rõ điều đó ở các phố như Thuốc Bắc, Đồng Xuân... Điều đó gây áp lực không nhỏ đối với hạ tầng khu phố cổ. Tuy nhiên, với thực tế về tình hình dân số, cách thức kinh doanh, cách ở mới của người dân, hạ tầng giao thông trong Khu phố cổ Hà Nội không có hiện tượng tắc đường, hạ tầng cung cấp năng lượng cũng được các đơn vị liên quan theo dõi, giữ ổn định.
- Trước thực trạng đó, quận Hoàn Kiếm đã có những dự định, kế hoạch gì để giảm tải hạ tầng khu phố cổ?
- Gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt các Quy hoạch phân khu của quận Hoàn Kiếm là: H1-1A (Khu phố cổ); H1-1B (Khu vực hồ Gươm và phụ cận) và H1-1C (Khu vực phố cũ). Về hạ tầng kỹ thuật đô thị trong khu phố cổ, trong thời gian qua, UBND quận đã đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều. Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội (từ năm 1998 đến năm 2000), quận Hoàn Kiếm đã vận động xã hội hóa (50% kinh phí) để cải tạo toàn bộ hố xí thùng trong Khu phố cổ Hà Nội. Đây là thời điểm dân cư trong khu phố cổ tập trung đông, trên 80.000 người (mật độ 1.000 người/ha, cao nhất cả nước). Cũng vào thời điểm này, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân khu phố cổ. Quận cũng đã tiến hành hạ ngầm 100% cống thu gom nước thải, nước mặt. Hè phố đang được lát đá, hệ thống đường dây tải điện viễn thông đang được hạ ngầm đồng bộ. Hệ thống thu gom rác thải được tập trung một cách khoa học hơn, cùng với đó là tuyên truyền, vận động người dân về cách phân loại rác, đổ rác.
Trong thời gian tới, sau khi UBND thành phố đã phê duyệt các Quy hoạch phân khu đô thị quận Hoàn Kiếm, chúng tôi sẽ lập kế hoạch cụ thể để triển khai đúng quy hoạch được duyệt, hướng tới tập trung phát triển dịch vụ du lịch, từng bước tăng tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế. Quận sẽ tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, Khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trong phát triển du lịch trên địa bàn quận; hoàn thành Đề án “Phát huy giá trị các vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên”; triển khai dự án tận dụng bãi giữa, bãi ven sông Hồng trên địa bàn quận làm công viên đô thị kết hợp với hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch gắn với cảnh quan tự nhiên. Quận Hoàn Kiếm sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hộ dân trong các di tích, trường học, công sở đến nơi ở mới để họ ổn định cuộc sống. Công tác giãn dân trong khu phố cổ, đặc biệt là tại các nhà đông hộ, hộ đông người, không đủ diện tích ở tối thiểu luôn được quận coi trọng, sắp tới sẽ có kế hoạch giãn dân cụ thể hơn. Bên cạnh đó, quận cũng sẽ tiếp tục cải tạo hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị đô thị theo hướng hiện đại, cải tạo các không gian công cộng... để giảm tải cho hạ tầng khu phố cổ, tiến tới phát huy hơn nữa thế mạnh về không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ.
- Trân trọng cảm ơn ông!