Cử tri kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013
Tin tức - Ngày đăng : 07:33, 02/10/2021
Tăng cường giám sát công tác quy hoạch sử sụng đất
Sau khi đại diện tổ đại biểu Quốc hội thành phố báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đa số cử tri đều đồng tình cao với chương trình, nội dung kỳ họp tới. Đồng thời, cử tri mong muốn, các đại biểu Quốc hội thành phố tích cực tham gia thảo luận, có nhiều ý kiến xác đáng, tính khả thi cao để góp phần hoàn thiện các luật này, tránh tình trạng “luật ống”, “luật khung”, luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Cử tri Nguyễn Văn Đông (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) kiến nghị, trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội nên quan tâm xem xét, sửa đổi sớm Luật Đất đai năm 2013, bởi đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế; hiện tại, khiếu kiện ở cơ sở liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ việc…
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho rằng, thực tiễn Hà Nội có nhiều diện tích đất nông nghiệp được dùng để xây nhà cho thuê, do đó, vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp như thế nào cần được Quốc hội đề cập trong sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Cần thiết, Quốc hội có nghị quyết đặc thù, chuyên đề cho Hà Nội để tháo gỡ các tồn tại liên quan đến đất đai. “Muốn xóa “luật khung”, “luật ống” thì luật phải xuất phát từ thực tiễn đời sống để chuyển hóa thành luật”, ông Lê Đình Can nói.
Bên cạnh đó, cử tri các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy cũng kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát công tác quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương, vì thực tiễn còn nhiều dự án chậm triển khai, lãng phí đất đai; cùng với đó, quy hoạch nhiều chung cư cao tầng ở các đô thị lớn kéo theo một loạt hệ lụy, gây áp lực về hạ tầng, cây xanh, bệnh viện…
Cử tri cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ về thực hiện giải ngân gói hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch bệnh; xem xét chế độ giám định lại cho bệnh nhân chất độc da cam nặng để có chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp... Đối với công tác phòng, chống dịch, cử tri đề nghị Chính phủ cần thống nhất chung trong quản lý “thẻ xanh” nhằm kết nối các địa phương, người dân đi lại dễ dàng hơn…
Quốc hội dành 14 ngày họp trực tuyến
Phát biểu tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao cử tri các quận đã rất quan tâm đến tình hình Thủ đô, đất nước và bám sát hoạt động của Quốc hội, qua đó có nhiều ý kiến tâm huyết. Đồng chí đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố tổng hợp các kiến nghị của cử tri để đại biểu nêu trong hoạt động chất vấn, thảo luận tại nghị trường; các sở, ngành và UBND các quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân tiếp thu các vấn đề trong thẩm quyền để báo cáo, tham mưu thành phố xem xét, giải quyết, trả lời cử tri.
Trao đổi thêm về kỳ họp tới đây của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục cải tiến phương thức hoạt động, trong đó dành 14 ngày họp trực tuyến. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, trong đó có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Thông tin với cử tri, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, 9 tháng năm 2021, thành phố đã tập trung thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đạt kết quả khả quan, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tính đến ngày 30-9, thành phố đã tổ chức tiêm khoảng 7 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khoảng 97%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 20% người đủ điều kiện tiêm; về phát triển kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trên địa bàn quý II-2021 tăng 6,61%. Về công tác an sinh, ngoài các chính sách của Trung ương, thành phố cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến nay, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố và huy động xã hội hóa để hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí khoảng 1.340 tỷ đồng.
“Thời gian tới, với tinh thần quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, thành phố sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả và triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến các kiến nghị cụ thể của cử tri về đất giãn dân, dự án cây xanh, vướng mắc trong bàn giao nhà trẻ từ đơn vị quân đội cho địa phương…, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các quận: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo thành phố xem xét, kiến nghị với cơ quan trung ương giải quyết, trả lời người dân.