Những mùa trăng Hà Nội xưa

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 14:44, 04/10/2021

Cữ tháng Tám âm, dịp Trung thu là kỳ hội vui nhất trong năm của tuổi thơ Hà Nội ngày xưa. Thời kỳ sau tiếp quản Thủ đô 1954 và trước năm Mỹ bắn phá miền Bắc 1964, Hà Nội vẫn khá thanh bình, yên ả. Cuộc sống người dân tương đối sung túc dù trải qua khá nhiều biến động...
Những mùa trăng Hà Nội xưa
Mâm cỗ Trung thu truyền thống.

Những năm ấy là thời kỳ hoa niên tươi đẹp nhất của chị em chúng tôi, với biết bao kỷ niệm từ nhà ra phố. Trước rằm tháng Tám, bố mẹ bận làm lụng tối ngày nên đám em nhỏ chúng tôi được hai chị lớn đưa lên phố Hàng Mã sắm đồ chơi. Bố quy định mỗi đứa chỉ được mua một món đồ chơi. Thế nên, đứa chọn đèn ông sao, đứa mua đèn con thỏ, đứa thích mặt nạ, đứa lấy trống da..., tính toán sao cho không của đứa nào trùng với đứa nào. Bố đem chiếc đèn kéo quân từ gác xép xuống, bảo chị em tôi lau sạch mà dùng lại. Hồi ấy, hầu hết đồ chơi được làm từ mây, tre đan, giấy bồi, giấy bóng kính và giấy màu. Trông đơn sơ nhưng vui mắt. Có nhà còn tự làm lấy những thứ đèn đơn giản. Còn tôi năm nào cũng mê mẩn chiếc tàu thủy bằng sắt tây sơn xanh đỏ có lá cờ đuôi nheo bé xíu gắn trên boong. Đổ dầu hỏa vào chiếc bình vuông bé xíu nhét vào bụng tàu, tẩm miếng giẻ dúi vào, đốt lửa lên, tàu chạy trong chậu nước vòng vòng, tiếng nổ phành phạch, khói bốc khét lẹt. Đó chính là món đồ chơi hiện đại nhất thời niên thiếu của chúng tôi. 

Bình thường, mẹ đi chợ chỉ kén hoa quả ngon, nhưng đi chợ dịp Trung thu, mẹ chọn quả phải vừa ngon vừa đẹp. Nải chuối gốc quả no tròn, xanh óng. Na chọn giống na Phùng, mắt to, vỏ mỏng, lá tươi. Bưởi đào Hải Dương quả to, vỏ mọng, vừa đẹp mã vừa được nước, múi dóc, tôm to. Hồng ngâm Hạc Trì (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) ít hạt mà đanh giòn. Tiếc thay giống hồng này giờ đã thất truyền, chẳng gặp ở đâu nữa.

Mâm cỗ Trung thu bày ngay trên ban công tầng hai hướng ra phía sông Hồng. Trăng lên cao trên mặt đê, sáng soi ngời ngợi. Chúng tôi sà vào mâm cỗ, nghe bà kể chuyện: “Ngày trước ở phố cổ, nhiều nhà bày cỗ Trung thu trước cửa. Những nhà khá giả mà có con gái lớn thì mâm cỗ đẹp lắm, vì các cô gái tỉa đu đủ thành các loại hoa phù dung, hoa mẫu đơn, trang trí đèn nến. Có cô còn tự đóng lấy bánh dẻo hình mặt nguyệt, hình con cá, rồi làm bánh quả bàng, bánh trứng nhện. Con gái các nhà ấy lớn lên tha hồ đắt chồng”.

Trong lúc cả nhà chuyện trò rôm rả, dì tôi quày quả xuống bếp lấy dao đĩa, sắp sửa cho chúng tôi phá cỗ. Hai chị lớn bật diêm, châm nến rồi đặt vào trong đèn ông sao, đèn con cá, đèn ông sư cho sáng lên. Người lớn dạt về hai bên tường để chúng tôi vừa hát vừa rước đèn. Cả nhà vỗ tay theo, cười ngả nghiêng vì các em tôi còn bé, hát ngọng líu ngọng lô, vừa chạy theo các chị vừa ngã dúi dụi.

Đến những kỳ Trung thu tạm yên giữa hai đợt Mỹ ném bom Hà Nội, khoảng năm 1968 - 1972, chị em tôi được mẹ và dì dạy cách làm hai món ốc trông trăng cổ truyền của người Hà Nội: Một là ốc luộc chấm nước mắm chua ngọt, gừng ớt lá chanh, ăn trước bánh trái, hoa quả; hai là món ốc hấp lá gừng gồm thịt ốc băm trộn lẫn thịt vai mỡ giắt, giò sống, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, nước mắm, hạt tiêu viên thành mọc. Cắt cái lá gừng đặt ngang miệng ốc, nhồi viên mọc vào, để vểnh hai đầu lá hai bên giả làm râu ốc rồi hấp chín bằng nước sôi có thả gừng đập giập. Chấm với nước mắm gừng ớt lá chanh, hạt tiêu. Mẹ và dì nói thì đơn giản, nhưng chúng tôi làm theo đâu có dễ. Thực hành kỳ thứ nhất còn loạc choạc, kỳ thứ hai mới thành thạo. 

Những năm đầu thế kỷ XXI, cuộc sống của người dân Hà Nội trở nên sung túc hơn, những cái Tết Trung thu cũng trở nên rộn ràng hơn. Nhưng khi chứng kiến mâm cỗ Trung thu mà nghệ nhân Ánh Tuyết bày trong khuôn viên ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây với hàng trăm thức bánh trái hoa quả đầy ắp, rực rỡ, tim tôi như lỗi nhịp, chợt hiện lên hình ảnh mâm cỗ Trung thu lung linh trong khuôn viên Cung Văn hóa thiếu nhi thời thơ bé hằng ao ước. Bên mâm cỗ choán hết chiếc bàn lớn, nghệ nhân Ánh Tuyết đặt một chiếc thau đồng đựng đầy nước trong veo: “Ngày xưa các cụ nhà mình thường đặt thau đồng nước bên mâm cỗ Trung thu, để khi trăng lên sẽ hiện bóng vào thau nước. Tha hồ long lanh, óng ánh. Vớt trăng mà chơi cũng vui”. Chao ôi, người Hà Nội xưa chơi trăng Trung thu tinh tế, lịch lãm đến thế là cùng!

HNMCT