Dấu son và chặng đường tiếp nối...

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:18, 04/10/2021

Ngày 10/10/1954, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội - trong đó có đội ngũ chiến sĩ - nghệ sĩ cách mạng tiến về giải phóng Thủ đô! Và trong những năm tháng hòa bình đầu tiên ấy, sân khấu Hà Nội ra đời với các thể loại kịch nói, chèo, ca múa nhạc, cải lương, múa rối… đóng một cột mốc, làm nên một dấu son vẻ vang, tiếp nối chặng đường hoạt động của nền sân khấu truyền thống Việt Nam.
Dấu son và chặng đường tiếp nối...
Đoan Môn là cửa chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thời nhà Lê và được tu sửa vào thời nhà Nguyễn. Ảnh: TTXVN.
Lấy cột mốc từ 1954 đến nay, sân khấu Hà Nội đã có tuổi đời tròn 67 năm. Khoảng thời gian ấy chỉ là một chớp mắt với lịch sử, nhưng với nghệ thuật sân khấu Thủ đô, đó cũng là một chặng đường mà chúng ta có thể nhìn lại một cách công tâm, bình tĩnh, khách quan, để hướng tới tương lai với bao nhiêu khát vọng sáng tạo nghệ thuật. 

Có thể, với lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay, ấn tượng của họ về nghệ thuật sân khấu mang một màu sắc hiện đại mới mẻ hơn trong cơ chế bùng nổ của kinh tế thị trường xô bồ đến chóng mặt, mà có lúc, mình không còn là mình nữa. Nhưng với thế hệ những người trên dưới tuổi 60 nhất là những người yêu quý mến mộ sân khấu, thì tuổi trẻ của mình - sau hòa bình lập lại còn là những ký ức về “thánh đường” sân khấu với hai cánh màn và ánh đèn bật sáng. Sân khấu đã thực sự hấp dẫn, cuốn hút, vẫy gọi khán giả với tất cả tình yêu và niềm say mê cuộc sống biết bao nhiêu trong một giai đoạn Hà Nội tràn đầy ánh sáng mới của hòa bình. Có thể nói, dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng - suốt nửa thế kỷ qua - nghệ thuật sân khấu Hà Nội đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường lịch sử của nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam…

Nhưng, quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân hơn để đi lên phía trước. Bởi, hình như hôm nay, tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu Hà Nội đã có vẻ chững lại, giảm sút, những “ông hoàng”, “bà chúa” của “thánh đường” sân khấu đã có vẻ không còn hấp dẫn người Hà Nội, nhất là lớp trẻ Hà Nội. Và cũng bởi, hình như sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một ngàn năm lịch sử, cận đại đến hiện đại mà nghệ thuật sân khấu Hà Nội chưa khắc họa, để lý giải được một cách rực rỡ và cuốn hút đối với khán giả hôm nay.

Hình như, kinh thành Thăng Long trải qua Lý, Trần, Lê... với những con người lịch sử, với nhiều chiến tích lịch sử chưa được tạo dựng bao nhiêu trên sân khấu. Địa danh nào của Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt,  Lý Đạo Thành đã trải qua với những số phận cá nhân dằn vặt và giằng xé. Địa danh nào Nguyễn Trãi, trở về giải phóng Thăng Long và Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy - Rùa Vàng đầy huyền thoại. Địa danh nào Nguyễn Huệ đã cùng Ngọc Hân công chúa - đón xuân, giải phóng Thăng Long giữa mùa hoa đào? Rồi những địa danh nào của Thăng Long mà các bậc nho sĩ hiền tài như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lê Văn Hưu, Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát... và bao nhiêu tao nhân mặc khách đã để lại những giai thoại và tác phẩm nghệ thuật sống mãi đến hôm nay. Rồi kinh thành Thăng Long khi thực dân Pháp xâm lược, với sông Hồng trải qua bao thăng trầm lịch sử. Thực dân Pháp bắn vào thành Cửa Bắc, rồi vụ án Hà Thành đầu độc, rồi Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, rồi Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, rồi Đồn Thủy, pháo đài Láng, cho đến cầu Long Biên với cuộc rút quân lịch sử mùa đông 1946, để rồi 8 năm sau, chúng ta trở về giải phóng Thủ đô. Bao nhiêu sự kiện và nhân vật đầy tính chất bi và hùng, lãng mạn và trữ tình, cao đẹp của giai đoạn lịch sử ấy hình như chưa được khắc họa một cách đậm nét và đầy sức sống để khắc thành những dấu ấn của nghệ thuật sân khấu, trái lại, hình như chỉ mới ở mức minh họa lịch sử một cách mờ nhạt, chung chung, thậm chí là hời hợt và non kém. 

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội - với sự cộng tác, kề vai sát cánh của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - đã quan tâm đến hoạt động của các nghệ sĩ sân khấu Hà Nội một cách đầy đủ, sát sao, cả trước mắt và lâu dài, một cách hiệu quả, thiết thực, không quan liêu, đánh trống bỏ dùi, cũng không hình thức chủ nghĩa được chăng hay chớ. Vì thế, Hà Nội đã trở thành một môi trường hoạt động nghệ thuật sân khấu thực sự tình nghĩa, trách nhiệm và cởi mở trong sự đầu tư giúp đỡ chất xám và cả kinh phí... để các nghệ sĩ Hà Nội mạnh mẽ và tự tin hơn.

Hiện nay, cùng với cả thế giới, Việt Nam đã và đang quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19. Tin rằng, cùng với văn nghệ sĩ trong cả nước, những nghệ sĩ sân khấu của Thủ đô Hà Nội vẫn tranh thủ tập luyện, biểu diễn trực tuyến, online, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm sân khấu nhiều sáng tạo mới, trong một cuộc sống “bình thường mới” sẽ trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta!

NSND Lê Huy Quang