NSƯT Lê Thanh Nga: 70 năm song hành cùng nghệ thuật múa
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:31, 08/10/2021
Một ngày giữa mùa thu năm 1964, trong buổi gặp gỡ các nghệ sĩ quân đội tham gia kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Bác Hồ đã chăm chú theo dõi bộ phim tư liệu về kịch múa, rồi hỏi các diễn viên: “Các cháu xem lại mình diễn thấy đã được chưa?”. Các nghệ sĩ đang lúng túng, Bác liền nói lời động viên: “Các cháu diễn được thế là tốt. Nghệ thuật múa hiện đại ở nước ta còn mới, các cháu cần cố gắng học hỏi để tiến bộ nhiều hơn!”. Hôm ấy, Lê Thanh Nga và một số diễn viên xuất sắc tham gia đội kịch múa được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu của Người. Đó là một ngày hạnh phúc nhất trong đời nghệ sĩ của bà.
NSƯT Lê Thanh Nga
Tám mươi tư năm trước, Lê Thanh Nga sinh ra đã được nghe tiếng ru thiết tha, nhẫn nại của mẹ vỗ về một mầm non tiềm ẩn tố chất nghệ sĩ. Và thiệt thòi thay, tiếng ru của mẹ sớm tắt lúc Thanh Nga còn thơ bé! Mười hai tuổi, Thanh Nga được tiếp nhận vào Cục Quân nhu, sau đó nhờ khả năng “văn nghệ lửa trại”, cô bé được tuyển vào đội Tuyên truyền văn hóa Trường Sĩ quan lục quân 1, là người lính nghệ thuật trẻ nhất của Đội lúc mới 14 tuổi.
Tuổi 18, Thanh Nga kiêu hãnh trong đoàn nghệ thuật của quân đội về tiếp quản Thủ đô, biểu diễn phục vụ đồng bào, Trung ương Đảng, Bác Hồ ngay giữa quảng trường lớn. Sự nghiệp diễn viên của Thanh Nga cùng lúc với buổi sơ khai của nghệ thuật múa Việt Nam. Kỹ thuật múa cổ điển châu Âu (ballet) lúc đầu các diễn viên học từ bản dịch tiếng Pháp, băng phim nhựa đưa từ nước ngoài về và hệ thống múa dân gian Việt Nam khai thác qua những đợt thâm nhập thực tế ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, rồi tập hợp lại thành hệ thống múa cơ bản để huấn luyện.
Thanh Nga theo học lớp biên đạo của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị mở do Giáo sư - chuyên gia múa Triều Tiên Kim Tế Hoàng giảng dạy, là lớp đào tạo sáng tác múa đầu tiên của quân đội và của đất nước. Khi học môn viết kịch bản, lớp biên đạo bàn nhau xây dựng một tác phẩm chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III. Vở kịch múa mang tên Ngọn lửa Nghệ Tĩnh ca ngợi phong trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra năm 1930, là cuộc tổng diễn tập đầu tiên tạo tiền đề cho cách mạng Việt Nam. Thanh Nga được thầy Kim Tế Hoàng chọn múa vai chính bởi kết quả học tập được xếp hạng xuất sắc trong tất cả các môn: kỹ thuật cơ bản múa ballet, dân gian, viết kịch bản, sáng tác và lý luận đều đạt điểm 5 tuyệt đối - là điểm cao nhất hồi đó. Được thầy tin tưởng, Thanh Nga lao vào luyện tập kịch múa với niềm say mê bất tận. Nhiều đêm cô trằn trọc tỉnh giấc, ngồi dậy nghiền ngẫm về những biểu đạt trạng thái tâm lý nhân vật - một phương tiện quan trọng của kịch múa. Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh có độ dài 105 phút, gồm 5 màn mô tả cuộc đấu tranh của liên minh công - nông vùng Trường Thi - Bến Thủy chống lại bọn chủ tư bản Pháp và chính quyền tay sai. Thanh Nga diễn vai cô gái nông dân sát cánh bên người yêu là công nhân, dũng cảm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm tan rã và sụp đổ toàn bộ hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến ở cơ sở. Chính quyền Xô viết được thành lập, nhân dân được sống tự do, bình đẳng. Từng đoàn người gồm những đảng viên và quần chúng siết chặt đội ngũ, hiên ngang tiến ra pháp trường dưới làn đạn đê hèn của thực dân Pháp và tay sai. Bài Quốc tế ca vang lên. Lớp lớp chiến sĩ Xô viết ngã xuống... nhưng lá cờ búa liềm thấm máu của những người cộng sản vẫn được chuyển từ người này sang người khác. Trước sự khiếp sợ của kẻ thù, lá cờ đỏ vẫn phấp phới tung bay kiêu hãnh và tràn niềm tin vào ngày chiến thắng.
Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh biểu diễn ba đêm liền tại Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, được các đại biểu và lãnh đạo của Đảng hoan nghênh nhiệt liệt. Ngày 12/9/1960, kỉ niệm 30 năm thành lập chính quyền Xô viết, đoàn kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh đã vào Nghệ An, Hà Tĩnh và Vĩnh Linh (Quảng Trị) biểu diễn 14 đêm phục vụ hàng vạn lượt nhân dân địa phương. Dư luận xã hội thời kỳ này đánh giá cao vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, coi đây như một hiện tượng văn hoá có ý nghĩa rất đặc biệt trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật chung của cả nước.
Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh là tác phẩm múa đầu tiên có nội dung và hình thức hoành tráng, đầy chất sử thi, anh hùng ca với phương pháp sáng tác và dàn dựng vở múa lớn nhiều màn, nhiều cảnh, nhiều nhân vật phong phú, thật sự là một công trình nghệ thuật đầy sáng tạo, trở thành mốc son trong lịch sử múa Việt Nam, góp phần quan trọng để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ kế tiếp.
Ở tuổi ngoài hai mươi, Thanh Nga cảm nhận sâu sắc bầu nhiệt huyết cách mạng của những người cộng sản thời ấy. Những tiềm ẩn năng lượng biểu diễn của Thanh Nga được đánh thức cùng với ý chí khổ luyện để làm chủ kỹ thuật múa ballet và dân gian Việt Nam, sự hóa thân vào nhân vật đã giúp chị thành công vai diễn trọn vẹn. Báo chí nước bạn hết lời ca ngợi đôi bàn tay của Thanh Nga là “bàn tay biết nói”, bởi đã làm người xem xúc động từ sự truyền cảm của bàn tay nghệ sĩ, một phương tiện có linh hồn của ngôn ngữ nghệ thuật múa.
Một cảnh múa trong vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh. Trong ảnh: NSƯT Lê Thanh Nga đứng trên đỉnh cao tượng đài công nông cùng nghệ sĩ Nguyễn Hân. - Ảnh tư liệu
Năm 1964, kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh đã được Bác Hồ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho dựng lại để quay thành phim, nhằm tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân cả nước và lưu lại mai sau. Năm 2000, kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Giai đoạn hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1965, Thanh Nga đi trong tổ văn công xung kích gồm 5 người vào khu 4 biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân vùng tuyến lửa. Lần này, kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh do mình chị diễn các trích đoạn múa đơn. Hiểu rõ tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh hủy diệt, chị nhẹ nhàng xác định sự hy sinh và dặn chồng: “Nếu em không về thì anh nhớ ngày này em vào chiến trường để làm giỗ nhé!”. Năm 1968, Thanh Nga được cử sang Lào làm chuyên gia huấn luyện múa. Mặc dù chưa học huấn luyện múa nhưng chị vẫn vui vẻ lên đường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhớ lại hành trình 70 năm song hành cùng nghệ thuật múa, NSƯT Lê Thanh Nga có cảm giác để lại phía sau mình cả một biển phù sa, tạo nên cánh đồng nghệ thuật màu mỡ. Những tấm ảnh kỷ niệm một thời biểu diễn nghệ thuật của bà, trong đó có những tấm ảnh đen trắng ghi lại quá trình dàn tập, biểu diễn kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh bà vẫn cất giữ. Nhìn lại những tấm ảnh của mình lúc hai mươi ba tuổi, đôi mắt dịu hiền của bà bỗng ngân ngấn nước: “Một quãng đời diễn viên, mình đã khổ sở vì nó và cũng hạnh phúc vì nó!”.
Tôi hiểu, bà thấm niềm tự hào bản thân đã đi trọn vẹn suốt hơn 70 năm dâng hiến cho nghệ thuật múa và hơn 50 năm cho một tình yêu hạnh phúc gia đình với người chồng rất mực thủy chung - NSƯT múa Trần Phúc và cô con gái yêu: diễn viên múa Trần Hải Yến.
Đã ngoài tám mươi tuổi nhưng đến nay NSƯT Lê Thanh Nga vẫn chưa dừng nghiệp diễn của mình. Sau khi nghỉ hưu, bà cùng đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh Trung ương hoạt động biểu diễn hàng chục năm tại Hà Nội, đi lưu diễn tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc...
Mùa thu năm 2015, bà tham gia tập luyện 6 điệu múa truyền thống mang tính kinh điển của Việt Nam để quay thành phim, nhằm lưu giữ lại cho thế hệ sau. Mấy năm gần đây, bà cùng các cựu nghệ sĩ quân đội tham gia biểu diễn 4 tiết mục múa độc lập và múa minh họa: Mùa hoa ban nở, Múa sạp, Tiến về Hà Nội, Nơi đảo xa trong chương trình nghệ thuật “Cảm xúc tháng mười“ do Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức nhân dịp kỉ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Mùa thu năm 2015, bà tham gia tập luyện 6 điệu múa truyền thống mang tính kinh điển của Việt Nam để quay thành phim, nhằm lưu giữ lại cho thế hệ sau. Mấy năm gần đây, bà cùng các cựu nghệ sĩ quân đội tham gia biểu diễn 4 tiết mục múa độc lập và múa minh họa: Mùa hoa ban nở, Múa sạp, Tiến về Hà Nội, Nơi đảo xa trong chương trình nghệ thuật “Cảm xúc tháng mười“ do Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức nhân dịp kỉ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Mái tóc NSƯT Thanh Nga nay đã bạc trắng, nhưng nụ cười nhân hậu của bà vẫn tươi nguyên, sức bền bỉ và kỹ thuật múa cơ bản vẫn còn điêu luyện. Với những bạn bè, khán giả đã quen biết nữ nghệ sĩ có lẽ đều chung cảm nhận: Dù tuổi đã cao nhưng điệu múa của NSƯT Thanh Nga thì vẫn nét, vẫn giữ được sắc thái trẻ trung!