Dưỡng nuôi tâm hồn từ những hoang hoải rạ rơm
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 15:41, 08/10/2021
Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương - Tổng biên tập tạp chí Việt Nam hội nhập - là người Nam Định, hiện sống và công tác tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam. Tác phẩm thơ đã xuất bản: Mắt đêm (1996); Câu thơ mặt người (1999); Ngày rất dài (2007); Mưa ký ức (2021).
Đoàn Mạnh Phương
Cổng làng
Những cơn gió vịn vào vết nứt cổng làng tôi
Mùi rơm rạ bế tôi lên bằng đầm đìa kí ức
Lưng bà đã còng hơn
Lúa phơi như nước mắt
Những mùa đông hốc hác gọi tên chồi…
Hơi thở của mùa màng rung qua tuổi thơ tôi
Có tiếng chim hót vào tim
Kể về vết nứt ở cổng làng
Về dấu chân của ông tôi, của cha tôi
và nhiều người khác nữa
Từ cổng làng ra đi
Khi bình minh chưa vỡ
Chẳng kịp về gọt vỏ những mùa trăng…
Từng vệt vôi loang lổ ở trên tường
Với vết nứt ở cổng làng
Cổ tích như dòng sông chảy vào tuổi nhỏ
Chúng tôi lớn như cây
Xanh trong mình nỗi nhớ
Ký ức của xóm làng run rẩy vịn vào đây
Những mái ngói vút cong in tạc thế rồng bay
Tuổi đôi mươi mang hồn vía của làng
Lên tận đỉnh núi cao
Xuống tận cùng biển cả
Lời bà như ngọn đèn soi từng trang sách mở:
- Bao tướng tá, nhà văn, tiến sĩ
Sinh ra từ vết nứt cổng làng tôi…
Lẽ thường, giữa những ngày tháng 10 của tiết trời Hà Nội vào thu, tôi nên nhắc đến anh về tình yêu anh dành cho Hà Nội, về những trải lòng của anh với Đêm Hà Nội, về ký ức Hà thành của Bức ảnh Hà Nội thời bao cấp hay những nghĩ suy dung dị trong Ăn sáng vỉa hè - một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội… Nhưng tôi lại muốn viết về một miền chân thực suy tư trong anh - người “sinh ra từ vết nứt cổng làng” và lớn lên bằng một tình yêu “ngập ngụa trong hoang hoải rạ rơm”, miền suy tư về nguồn cội.
Tôi biết đến Đoàn Mạnh Phương chưa lâu và cũng mạn phép gọi tên anh như thế, bởi lẽ tôi vẫn băn khoăn không biết dùng danh xưng nào để “gọi đúng” tên anh nhất: nhà báo, nhà thơ, hay nhà quản lý… Nên đành vậy dù là thất lễ, tôi vẫn muốn gọi cái tên mà quê hương đã đặt cho anh ngay từ khi anh “chui ra” từ vết nứt cổng làng để góp mặt với thế giới này - cái tên Đoàn Mạnh Phương.
Với Đoàn Mạnh Phương tôi tiếp xúc cũng không hẳn là nhiều, đọc thơ anh cũng không ít, nhưng để “cảm” về thơ anh thì đây là lần đầu tiên. Sự “cảm” này có phần khiếm nhã bởi những trải nghiệm của tôi chưa là gì so với những vồn vã của cuộc sống mà anh đã va đập, sự am tường về thơ văn của tôi lại càng không thấm thía gì so với hàng trăm tác phẩm được viết ra từ một trái tim luôn thổn thức niềm yêu bất tận với thơ ca trong anh.
Tôi đọc Cổng làng của Đoàn Mạnh Phương và bị cuốn vào miền suy tư của anh trong “dáng lưng còng của bà”. Miền suy tư ấy như một làn gió mát thanh, ngọt lành khẽ khàng len lỏi vào những ký ức tưởng chừng vụn vỡ trong tôi, gắn kết chúng lại thành một vùng nhớ nhung da diết. Theo miền suy tư của Đoàn Mạnh Phương những ký ức tuổi thơ cứ dần hiện hữu:
Những cơn gió vịn vào vết nứt cổng làng tôi
Mùi rơm rạ bế tôi lên bằng đầm đìa kí ức
Lưng bà đã còng hơn
Lúa phơi như nước mắt
Những mùa đông hốc hác gọi tên chồi…
Tôi hoài tưởng, để mãi day dứt về “những cơn gió vịn vào vết nứt cổng làng” của anh. Vốn dĩ, gió thênh thang lắm, tự do lắm chẳng cần phải bám víu vào đâu, ấy vậy mà khi gặp những vết nứt cổng làng kia, gió cũng phải mềm lòng, ngả vào những vết nứt thời gian ấy, như một sự nương nhờ, nương nhờ sau những tháng ngày rong ruổi, nương nhờ sau những tháng ngày hoang hoải. Đoàn Mạnh Phương mượn gió để nói thay tâm tư của người con xa quê vẫn luôn đau đáu về nguồn cội. Con người của thế sự ấy, vẫn chưa hề chùn chân mỏi gối, vẫn rong ruổi khắp nơi để góp nhặt cho đời những gì tốt đẹp. Thế nhưng, như bao người khác dù ngoài kia có ngạo nghễ đến đâu, thì với quê hương với làng xóm người ta vẫn luôn yếu đuối, vẫn cần được bao bọc, chở che. Dù cuộc sống ngoài kia, dẫu có bon chen, dẫu có lọc lừa thì sau tất cả quê hương vẫn là nơi để anh quay về, về để bám víu, bám víu vào hoài niệm về những vết nứt thời gian hằn in trên những mảng tường vôi bong tróc, bởi đó còn là vết nứt của tình yêu - tình yêu với nguồn cội:
Hơi thở của mùa màng rung qua tuổi thơ tôi
Có tiếng chim hót vào tim
Kể về vết nứt ở cổng làng
Về dấu chân của ông tôi, của cha tôi
và nhiều người khác nữa
Từ cổng làng ra đi
Khi bình minh chưa vỡ
Chẳng kịp về gọt vỏ những mùa trăng...
Với quê hương, Đoàn Mạnh Phương vẫn luôn như đứa trẻ, cần được an ủi, cần được vỗ về “bế lên bằng đầm đìa ký ức” - những ký ức chân thực vẹn nguyên trong tiềm thức. Tôi cứ băn khoăn với dự cảm về tình yêu mà Đoàn Mạnh Phương dành cho quê nhà, không biết nó lớn lao đến nhường nào mà khiến anh có thể cảm nhận được “mùi rơm rạ” trong “đầm đìa ký ức” ấy. Tôi như lạc lối trong miền suy tư của anh ở hai câu thơ đầu Cổng làng, bởi chẳng thể nào bước ra được khỏi cái vết nứt già nua ấy, chẳng thể nào rũ bỏ được cái mùi rơm rạ ẩn khuất ấy. Có lẽ, Đoàn Mạnh Phương vẫn luôn khao khát trói buộc mình trong đầm đìa ký ức của dáng lưng còng, của những giọt mồ hôi lo toan của mẹ, của những dấu chân xưa cũ vẫn vẹn nguyện hình dáng cha ông khi “bình minh chưa vỡ”. Những ký ức ấy dù “chẳng kịp về gọt vỏ những mùa trăng” nhưng nó là động lực để người ta ngược dòng mà sống, để “những mùa đông hốc hác” không còn là những cành cây khẳng khiu mà bùng lên, mãnh liệt “gọi tên chồi”; để Đoàn Mạnh Phương lại tha thiết tiếng gọi bà, gọi mẹ cùng “hơi thở của mùa màng rung qua tuổi thơ”; để hơi thở quê hương hòa chung nhịp đập trái tim người con tha hương; để tắm mình trong dòng sông cổ tích bằng một miền yêu da diết với xóm làng:
Ký ức của xóm làng run rẩy vịn vào đây
Những mái ngói vút cong in tạc thế rồng bay
Tuổi đôi mươi mang hồn vía của làng
Lên tận đỉnh núi cao
Xuống tận cùng biển cả
Lời bà như ngọn đèn soi từng trang sách mở:
- Bao tướng tá, nhà văn, tiến sĩ
Sinh ra từ vết nứt cổng làng tôi…
Đoàn Mạnh Phương đã chắt lọc nên một trường ngôn từ đặc quánh tính biểu cảm, tính hình tượng trong Cổng làng. Những ký ức của xóm làng cũng từ đấy mà “run rẩy” vịn vào những mái đình “tạc thế rồng bay”, để chắp cánh cho những chàng trai đôi mươi mang theo hồn cốt, khí phách của xóm làng băng rừng, vượt biển làm rạng danh quê hương. Tôi từng đọc ở đâu đó rằng: “Trong sự lao động của nhà văn có sự lao động về ngôn ngữ, trong sự giày vò của sáng tạo nghệ thuật có sự giày vò về ngôn từ. Thành công của tác phẩm một phần lớn là nhờ khả năng ngôn ngữ của tác giả”. Với Đoàn Mạnh Phương từ Mắt đêm (1996); đến Câu thơ mặt người (1999); rồi Ngày rất dài (2007) và gần đây nhất là Mưa Ký ức (2021) mỗi vần thơ đều như viết ra trong sự giày vò sáng tạo nghệ thuật. Sự giày vò ấy đã kiến tạo nên những ngôi nhà ngôn ngữ trong mỗi tác phẩm của anh, để từ đó mỗi câu thơ, mỗi ngôn từ đều sắc nhọn khứa vào trái tim người đọc.
Cổng làng của Đoàn Mạnh Phương chính là “sự giày vò về ngôn ngữ trong sự giày vò của sáng tạo nghệ thuật”. Sẽ chẳng phải là ngoa dụ khi khẳng định “cái chất” trong Cổng làng được Đoàn Mạnh Phương cô đọng từ “nghệ thuật dụng ngôn”. Những “đầm đìa ký ức”, những “mùa đông hốc hác”, những “bình minh chưa vỡ”, những “mùa trăng chưa kịp gọt vỏ”, “những ký ức run rẩy”… những ngôn từ đặc tả đầy sức ma mị, đầy tính hình tượng, khiến người đọc bị day dứt, bị gợi mở chạm đến những miền cảm xúc tưởng chừng bị lãng quên. Cố nhân xưa dùng “nghệ thuật dụng nhân” để làm lên nghiệp lớn, văn sĩ thời nay dùng “nghệ thuật dụng ngôn” để bước vào và “làm tổ” trong trái tim người đọc bằng những câu thơ gân guốc. Tôi nghĩ, với Cổng làng, Đoàn Mạnh Phương đã khẽ khàng gợi mở những góc khuất trong vụn vỡ suy tư của hàng triệu người con tha hương. Bởi lẽ “Trong tâm hồn con người đều có cái van mà chỉ có thơ ca mới mở được” (Nhêcơraxop).
Mỗi văn sĩ khi cầm bút sáng tác đều mong muốn mình có một tác phẩm để đời, một đứa con tinh thần vô giá trong muôn vàn đứa con tinh thần khác. Tôi không dám chắc Cổng làng có phải là đứa con tinh thần mà Đoàn Mạnh Phương trân quý nhất hay không? Nhưng từ Cổng làng tôi đã phần nào cảm nhận được một miền suy tư chân thực trong sâu thẳm tâm hồn của anh, cảm nhận được hơi thở của trái tim nồng đượm mùi quê, một trái tim mà mọi nhịp đập dường như bấn loạn, mọi mạch máu dường như tứa hồng khi nghĩ về nguồn cội. Tôi thấy Đoàn Mạnh Phương đi ra từ những vết nứt cổng làng già nua ấy, để ngạo nghễ lớn khôn trong dáng lưng còng của bà và dưỡng nuôi tâm hồn từ những hoang hoải rạ rơm.
Chỉ thế thôi cũng đủ để khiến người ta day dứt!