Bài học về sức mạnh nhân dân

Tin tức - Ngày đăng : 15:44, 10/10/2021

Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong sự biến chuyển sâu sắc của tình hình thế giới cũng như trong nước, chúng ta càng thấy rõ, một trong những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi to lớn là do Đảng bộ Hà Nội đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) đẩy mạnh tổ chức, xây dựng, củng cố lực lượng kháng chiến.
Đó là bài học về xây dựng lực lượng trong lòng địch, tạo thành sức mạnh nhân dân to lớn của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đô thị Hà Nội.
Bài học về sức mạnh nhân dân
Nhân dân chào đón các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tiến vào thành phố Hà Nội, sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu

1. Sau thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vẫn muốn kéo dài chiến tranh Đông Dương. Chúng giật dây cho chính quyền tay sai thành lập “Trung đoàn Thủ đô” để “bảo vệ Hà Nội đến cùng”, chống lại giải pháp thương lượng. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhưng địch vẫn lập kế hoạch phá hoại thành phố mọi mặt hòng chia cắt lâu dài đất nước ta.

Dự đoán được tình hình, ngày 25-7-1954, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi, nêu rõ: “Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân đã chuyển sang giai đoạn mới, hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị”. Những chủ trương trên mở ra hướng mới cho Đảng bộ Hà Nội không ngừng bồi dưỡng lực lượng, phát triển, củng cố các tổ chức trung kiên; đồng thời, mở rộng các mặt hoạt động tới các hội quần chúng, tạo ra thực lực để giải phóng Thủ đô.

Trên tinh thần đó, Ban Công vận của Thành ủy chú trọng phát triển công đoàn trong nhà máy, xí nghiệp trọng yếu như Ga Hàng Cỏ, Ga Gia Lâm, Nhà máy Điện, Nước Yên Phụ, Đèn Bờ Hồ, Công ty xe điện, Cảng Phà Đen… Đến tháng 7-1954, đoàn viên công đoàn trong nội thành đã có 530 người, chưa kể công nhân tham gia tổ chức quần chúng như “Hội tương tế”, “Gia đình cảm tình với kháng chiến”.

Đoàn Học sinh kháng chiến ra đời đầu năm 1948, là tổ chức của học sinh các trường trung học và đến năm 1952 đổi tên là Đoàn Thanh niên cứu quốc. Sinh viên còn lập Hội sinh viên Đại học Hà Nội và lấy địa điểm số 3 phố Hàng Cân để tập hợp lực lượng. Ban Cán sự phụ nữ vận động thêm nhiều cơ sở ở đường phố, các chợ Đồng Xuân, Cửa Nam, Hàng Da, chợ Hôm… Cơ sở cảm tình với kháng chiến đã có trong một số phụ nữ thuộc công chức cao cấp và y bác sĩ, giáo viên. Bà Bùi Bội Tỉnh, cháu cụ Bùi Bằng Đoàn, lập Hội phụ nữ Bắc Hà, vận động chị em tích cực hoạt động văn hóa - xã hội, cứu trợ người nghèo.

Tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở đầu não chính quyền địch nên Thành ủy Hà Nội rất chú trọng công tác trí thức và công chức vận. Đồng chí Nguyễn Bắc, Ủy viên Quận ủy Nội thành, đã vận động nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Khắc Quảng, Vũ Công Hòe, Đặng Văn Chung… ký vào bản kiến nghị do cụ Trần Văn Lai đứng đầu, đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh từ tháng 4-1954 rồi đưa sang Paris đăng báo Le Monde. Đến đầu tháng 7-1954, ta đã vận động hàng nghìn quần chúng ký kiến nghị, góp phần hậu thuẫn cho phái đoàn của Chính phủ Hồ Chí Minh ở Hội nghị Giơnevơ.

Cùng với đó, công tác xây dựng lực lượng tự vệ được tăng cường. Các đội tự vệ của công nhân ăn, ngủ ngay tại nhà máy, chống địch phá hoại máy móc. Ở một số làng, xã và các khu phố có cơ sở kháng chiến mạnh, nhất là ở các làng ven đô, sát với các cửa ô, tự vệ phát triển nhanh, mạnh để bảo vệ dân, chống địch cướp bóc tài sản, thuyết phục hội tề, bảo an về với nhân dân.

Bài học về sức mạnh nhân dân
Công nhân nhà máy điện đi đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Ảnh tư liệu

2. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, nhờ có cơ sở kháng chiến làm nòng cốt, quần chúng không chỉ bãi công, bãi khóa, bãi thị đòi tăng lương, chống tăng thuế môn bài, chống văn hóa nô dịch…, mà còn quyết liệt chống địch bắt đi lính, đi học sĩ quan. Từ ngày 11 đến 15-5-1954, học sinh, sinh viên châm ngòi chống bắt lính, từ đó lan ra toàn thành phố, tiêu biểu nhất là phụ nữ ngày 14, 15, 16-5-1954 tập trung đội ngũ, kéo lên các trại tập trung ở Sinh Từ, Ngọc Hà, Đồn Thủy… đòi chồng, con, em về với gia đình.

Công tác địch ngụy vận chủ yếu là kêu gọi anh em “Lập công trở về với Tổ quốc”. Nhờ đó, cả Tiểu đoàn dù số 7 ở Việt Nam học xá và 1.200 lính đóng ở sân bay Bạch Mai đã quay súng trở về. Cơ sở công đoàn ở bến Phà Đen đã tiếp nhận, đưa ra vùng tự do 500 binh lính đào ngũ. Ở Đấu Xảo, binh lính đã phá hỏng hàng trăm ô tô vận tải chở hàng hóa.

Nét đặc sắc, thể hiện vị trí của Thủ đô là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị của toàn dân với đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Phù Lỗ (từ ngày 17 đến 30-9-1954). Tiêu biểu là đấu tranh của công nhân chống địch phá hoại máy móc diễn ra quyết liệt, liên tục từ giữa tháng 8 đến ngày 8-10-1954 tại: Hãng S.T.A.I, Hỏa xa Hà Nội và Gia Lâm, Điện Yên Phụ, Đèn Bờ Hồ, Bưu điện Bờ Hồ… Đồng thời, số liệu địch phá hoại máy móc, mang xuống Hải Phòng do Quận ủy Nội thành cung cấp cho Đoàn đại biểu đang họp tại Phù Lỗ và thư của các đoàn đại biểu được gửi lên Ủy ban Liên hiệp đình chiến. Tại số 3 phố Hàng Cân, với sự hỗ trợ đắc lực Hội sinh viên, Đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội (gồm Hội phụ nữ Bắc Hà, Hội Ái hữu các trường tư, Hội Phật giáo, Hội Công giáo, Hội Hướng đạo sinh, Hội Công Thương) đã gặp ông Dessai, Chủ tịch Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế, cung cấp tài liệu về những hành động vi phạm Hiệp định Giơnevơ của phía Pháp. Đó là những bằng chứng xác thực, buộc địch phải chùn bước, chấp nhận các điều khoản về chuyển giao Hà Nội bảo đảm an toàn, rút quân đúng thời hạn.

Trên mặt trận báo chí, những cán bộ trí thức vận đã trực tiếp làm việc với các nhà báo Đỗ Đức Toa, Giang Quân, nhà văn Hoàng Công Khanh, nhà giáo Hoài Việt, bàn bạc và bí mật ra tờ báo Dân Ý (từ ngày 2-5 đến 2-7-1954), tiếp đó là tờ Niềm vui (từ ngày 27-7 đến 10-10-1954), có cụ Trần Văn Lai đỡ đầu, để tuyên truyền cho Chính phủ kháng chiến, giúp trí thức văn nghệ sĩ hiểu rõ chính sách của Chính phủ. Trong khi đó, viên chức ở các viện nghiên cứu, các sở, ngành đã giữ lại rất nhiều tài liệu, hồ sơ quý, các trang thiết bị thiết yếu mà địch muốn mang đi.

Ngày 6-10-1954, địch rút khỏi Văn Điển và Hà Đông. Ngày 8-10-1954, các Đội Hành chính trật tự đã hoàn thành việc ký kết các văn bản với phía Pháp, bàn giao 129 công trình, công sở, lợi ích công cộng. Ngày 9-10-1954, ta tiếp thu các khu vực Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi, Đại lý Hoàn Long và các khu vực quân sự: Quần Ngựa, ga, sân bay Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội. Đúng 16 giờ 30 cùng ngày, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Công an Hà Nội đã tiếp thu hệ thống cảnh sát, cảnh binh của địch ngụy. Sáng 10-10-1954, nhân dân đón chào những người con yêu quý trở về Hà Nội, đi đầu là Trung đoàn Thủ đô. Đúng 15 giờ, tại sân Cột cờ, Lễ mừng chiến thắng được tổ chức thật trang nghiêm và xúc động dưới bầu trời tự do. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, thay mặt Ủy ban Quân chính Hà Nội đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Từ đây, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước trong thời kỳ mới, xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa.

Hanoimoi