Nhân vật người kể chuyện trong bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian”

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 22:10, 10/08/2022

Thường thì, trong một bộ trường thiên tiểu thuyết, các nhà văn lớn chọn góc nhìn của nhân vật ngôi thứ ba “biết tuốt” để kể chuyện, miêu tả, phân tích và bình luận. Đó là một lựa chọn phổ biến và nó đã đem lại kết quả khá mĩ mãn cho các tác giả văn học từ cổ điển đến văn học hiện đại.
Nhân vật người kể chuyện  trong bộ tiểu thuyết  “Cõi nhân gian”
Tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành lại không làm như thế. Việc viết bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” gồm 4 cuốn, 8 tập, gần 2000 trang in khổ lớn trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, người đọc không ưa viết dài, đọc dài là một việc vô cùng mạo hiểm của tác giả. Lại nữa, toàn bộ các nhân vật trong 8 tập sách đều được kể lại bởi một góc nhìn, một giọng điệu, một người kể chuyện xưng “tôi” đó là nhân vật Thiện Hương, một Phó tiến sĩ, một đảng viên, từ dòng đầu đến dòng cuối, lại cũng là một thử thách hết sức ngặt nghèo. Nếu không trường vốn sống, không cao tay nghề, không tự tin, nhất là tin vào cái duyên kể chuyện  hấp dẫn, biến hóa thì sự thất bại là “nhãn tiền”. Thật may là Nguyễn Phúc Lộc Thành đã vượt qua được thách thức một cách ngoạn mục. Bộ tiểu thuyết đã nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà văn, các nhà phê bình và cả bạn đọc.
Nhân vật người kể chuyện xưng tôi, có những nét gợi nhớ Nguyễn Phúc Lộc Thành ở trong đời thực. Người ấy làm giám đốc điều hành hãng taxi Thiên Lương. Những bài thơ mà nhân vật trích trong tiểu thuyết chính là những bài thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành sáng tác. Tuy nhiên chỉ là có nét tương đồng, hai người đó không phải là một, và rất khác nhau. Đó là vì chàng Thiện Hương còn hoạt động trong Sở Văn chương Nghệ thuật, với cương vị Phó Giám đốc. Nhân vật còn tham gia điều hành Ruby Hotel; kinh doanh rượu vang Đỏ nhãn Tháp Chàm, còn mua cổ phần của Công ty Infacus ở Huế - Phú Xuân, điều hành Dự án đô thị Ecopuss… Thiện Hương là nhân vật tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nhân vật này tiếp xúc, có quan hệ đối tác, đối thủ, đối địch với một loạt các nhân vật từ chính yếu đến thứ yếu, thậm chí là chỉ có vai trò rất phụ trong tiểu thuyết “Cõi nhân gian”. Chỉ có trong quan hệ chằng chịt với Thiện Hương, các nhân vật quan trọng khác mới xuất hiện và bộc lộ tính cách, số phận của mình. 
Tất cả các nhân vật trong truyện được Thiện Hương kể lại, tả lại, bình luận, và làm nổi rõ bản chất, tính cách, số phận. Đúng như nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhận định: “Hương là người kể chuyện, dẫn chuyện nhưng đồng thời cũng là nhân vật chính giữ mối liên kết, liên hệ giằng dịt với hàng chục nhân vật khác. Nhân vật Hương “vạm vỡ”, cá tính, góc cạnh hay “èo uột” mờ nhạt đều tác động đến sự thành bại của Cõi nhân gian rộng lớn, ngổn ngang, bề bộn” (Một “Cõi nhân gian hiện thực” - Báo Văn nghệ, số 9 ngày 26/2/2022).
Với lí do đó, nhà văn đã dành cho nhân vật Hương rất nhiều đất diễn khi cho nhân vật vào đời, cọ xát với đủ loại thành phần từ lưu manh tới hảo hán, từ thiện lương tới ác hiểm, từ hiền hậu, chất phác tới gian manh, hiểm độc; từ ăn cắp vặt vãnh, giản đơn đến ăn cướp một cách tàn bạo bằng các thủ đoạn bán cổ phần, mua bán cổ phiếu, nắm giữ vị trí điều hành…
Thiện Hương có thể mãi mãi vẫn là một người tử tế, khi anh có bảo bối là cha mẹ lương thiện làm nghề giáo, bản thân là Phó tiến sĩ (được học hành tử tế), và là một đảng viên. Ba thứ đó như là bùa hộ mệnh, khi khó khăn anh thường lau chùi, suy ngẫm, phản tỉnh. Nghĩa là anh lăn lóc trong cuộc đời ngập ngụa bùn đất nhưng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Xử lí như thế liệu cuộc sống và bạn đọc có chấp nhận?
Một cách khác là Thiện Hương bị cuốn vào guồng máy. Từ trong trắng, thật thà, tử tế, Thiện Hương dần dần sa đọa, mất hết những tốt đẹp ban đầu. Và càng ngày càng lún sâu vào vũng bùn tha hóa, không thể thoát ra được.
Còn một cách khác là Thiện Hương dấn thân vào đời. Anh bị giằng kéo, bị tha hóa. Nhưng mỗi lần như thế, anh lại cố vùng vẫy, sám hối, ân hận, cố thoát ra. Cứ như thế, nhân vật không còn tốt, nhưng cũng không xấu hoàn toàn. Hương vật vã trong biển đời đầy sóng gió, nhưng không bị nhấn chìm. Vả chăng, nếu Hương tận cùng xấu xa, tận cùng mất thiện lương, thì đã có nhân vật anh Yên đại diện rồi. Sẽ không còn quá nhiều sự độc đáo và hấp dẫn.
Chính nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành, cha đẻ của nhân vật Thiện Hương đã chọn giải pháp này. Và chúng tôi cho rằng đó là một giải pháp tối ưu làm cho tiểu thuyết vừa có tính hiện thực sâu sắc, vừa không rơi vào u tối, bề tắc, nặng nề.
Không phải ngẫu nhiên mà Thiện Hương, đặt tên con là Lương, lấy tên hãng xe là Thiên Lương… Cái phẩm chất tốt của con người này hầu như ai cũng nhận thấy dễ dàng và tin tưởng. Các vị trùm như ông Tám, bà Tám, anh Yên; các bạn, bè đồng nghiệp như anh Quang, cô Thụy An, cô Tú; cấp trên như anh Nam, ông bộ trưởng Hoàng Trịnh, chị Hiền… đều thấy sự trung thực đáng tin ở Hương. Ngay cả đối thủ cạnh tranh như ông Thiên, Phó Giám đốc sở cũng thừa nhận Hương mới là “sếp” thật của mình vì đã nói là làm, không cạnh tranh, không đua với ông ta.
Cái điểm yếu nhất của Hương là cả nể, thương người và tin người. Đặc biệt trước những đối tác phụ nữ. Là một người hiền, đẹp trai, nhưng Hương không suy tư gì khi chấp nhận cuộc sống với chị Vân bán thịt lợn được chị chu cấp cho ngày hai bữa cơm thịt và đêm là cuộc sống vợ chồng. Rồi cũng đã từng liều lĩnh chấp nhận sự quyến rũ của chị Trung Anh. Đặc biệt là dù cực kì nguy hiểm đến công việc, đến tính mạng, nhưng Hương không dứt bỏ được sự hấp dẫn đến mê muội đối với chị Thảo… Rồi với chị San, chị dâu danh nghĩa của Hương, cũng bất ngờ đặt lòng tin vào anh để chống lại ông Sinh dẫu đã có với nhau hai mặt con. 
Hương cũng cực kì liều lĩnh. Sự liều lĩnh đó đã phải trả giá đắt khi Hương phải dùng thủ đoạn để đối phó với Hải về bộ ảnh tống tiền ghi hình Hương với chị Thảo. Và cũng vô cùng phức tạp và gay cấn, Hương mới thoát được vụ tống tiền của Cẩu Tám đồng mưu với Trường có bộ ảnh và thẻ nhớ ghi sự vụng trộm của Hương với chị San… Hương còn dan díu với cô Bảo, rồi với cô Hoan, con gái bà Tám. Tuy vậy không phải Hương là người ham hố xác thịt. Hương đã phải dùng lí trí để chối bỏ cô Thanh, mẹ của đứa cháu gọi Hương bằng bác; cũng dùng lí trí để thoát dần ra mối quan hệ nguy hiểm của chị Thảo…
Cái sa ngã của Thiện Hương cũng chỉ loanh quanh mấy chuyện tình dục, nhận những cái phong bì, rồi cũng làm theo luật, đưa phong bì biếu xén nhằm làm cho công việc thông đồng bén giọt. Ngay cả khi Dự án Ecopruss bế tắc vì sự can thiệp của tay Lung bán quan tài, Hương vẫn chọn sự đối thoại chứ không “cưỡng chế”. Cả việc thương thảo để trấn áp Red Sun, Hương cũng không chọn con đường “bắt câm miệng vĩnh viễn”! Mặt khác, Hương là con người luôn tự vấn mình, thậm chí là xỉ vả mình. Nhân vật luôn soi chiếu hành vi của bản thân  mình trong tham, sân, si mà Phật dạy.
Hương tự đánh giá: “Tôi biết mình không phải là bậc thánh, cũng không phải là bậc hiền. Lại tự thấy chưa được là hạng tiểu nhân ấy. Cha tôi sinh thời là hạng người thường. Tôi cũng xin được như vậy” (quyển Một, trang 122).
Hương tự sám hối: “Tôi chợt thấy hối hận. Tôi thấy mình xấu xa và bỉ ổi vô cùng. Giả dối và lọc lừa. Từ bao giờ, thằng tôi này đã biết dùng thành thạo những thứ khả ố đó, Hương ơi? Tôi chợt thấy tự khinh bỉ mình” (quyển 3, trang 14).
Hương dẫn lời đức Phật: “Ở đời có hai hạng người đáng khen: thứ nhất là người không có lỗi, hạng tầm thường hơn là người có lỗi mà biết ăn năn sám hối”. Tôi chỉ cầu mong mình được  là  hạng người  tầm thường thứ hai mà đức Phật dạy thôi”. (quyển 3, trang 89).
Bà Tám, một bề trên, nói với Hương chân thành: “Chú chính là Thiên lương, tôi nói thật, Hương ạ”. Trước lời khen đó, Hương tự phán xét : “Tôi cảm động quá. Tôi thấy bà khen có phần động viên tôi, tôi chợt thấy ngượng với chính bản thân, và với vợ con mình, với tất thảy mọi người nữa. Bởi rất có thể, tôi là một thằng khốn nạn đội lốt nhân bản, giả nghĩa từ bi” (quyển 4, trang 143 -144 ).
Bản thân Hương cũng thú nhận: “Tôi quả là phức tạp, ngay đến chính tôi còn không hiểu được mình nữa, nói chi đến người khác” (quyển 4, trang 196).
Chính vì luôn chân thành, luôn trăn trở như thế, nên nhân vật Hương xưng tôi, người kể chuyện tạo một niềm tin cậy từ các bạn đọc. Chỉ nguyên một việc so sánh ba người bố nhận con trong hoàn cảnh khác nhau đã thấy Hương là con người tinh tế, nhạy cảm:
“Cũng là có con, mà giờ đây sao nhiều kiểu có con đến thế. Anh Hảo đang điên dại vì sung sướng khi phát hiện có thêm thằng Hớn. Anh Yên đang dọa sẽ thiêu trụi cả cõi nhân gian này nếu bà Tám cho cậu Lưu từ Trung Quốc trở về nhận cha. Còn tôi, tôi lo sợ và run rẩy khi vài tháng nữa, cô Hoan, dù thân mang trọng bệnh, cũng vẫn sẽ sinh hạ cậu con trai nhỏ nữa cho tôi” (quyển 4, trang 395).
Có thể nói gọn như anh Quang đánh giá Hương: “May mắn, ông vào trong ấy thật (guồng máy lãnh đạo - Vũ Nho chú), nhưng không bị tối tăm và u mê như tôi. Những tháng ngày ngồi trên ghế ấy, tôi đã đánh mất tôi từ lúc nào mà không hay biết” (quyển 4, trang 402).
Người đọc thấy suốt trong truyện, Thiện Hương luôn gồng mình lên để gánh công việc nhà nước, việc công ty. Luôn luôn phải ứng phó với nhưng tình huống căng thẳng do những người đàn bà của anh gây ra; những tình huống do những kẻ muốn tống tiền anh như thằng Hải, Vụ; những tình huống mà anh Yên, cô Nông Hồng Anh đặt ra; những tình huống mà ông Sinh muốn triệt không chỉ cá nhân Thiện Hương mà cả Công ty Thiên Lương,…
Sự căng thẳng của các tình huống mà Hương phải xử lí cũng làm cho truyện hấp dẫn, li kì, khiến bạn đọc khó bỏ sách.
Cố nhiên, Hương được tác giả đầu tư nhiều công sức, nhiều khi Hương bỗng thành một sức hút đặc biệt với chị em. Nhưng với chị San, chị dâu, vợ hờ của Bính, người tình của ông Sinh, có 2 con riêng với ông ta, một con riêng với ông Tám  bỗng đột ngột từ bỏ ông Sinh, làm cho tính thuyết phục không thật cao. Nhưng biết làm sao!
Có thể khẳng định rằng tác giả đã không uổng công sức khi xây dựng thành công  nhân vật người kể chuyện. Chính sự vạm vỡ, sắc sảo và khôn ngoan của nhân vật đã góp phần làm cho tiểu thuyết thành công. Đó là điều không cần phải nghi ngờ hoặc bàn cãi. 

PGS.TS Vũ Nho