Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2

Tin tức - Ngày đăng : 16:24, 13/10/2021

Sáng nay, 13/10, tại Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, trong đó có nhiều đề xuất đổi mới, cải tiến sẽ được áp dụng tại kỳ họp này.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp này là 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ 20/10 - 1/11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 8 - 13/11/2021. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp thì Quốc hội họp trực tuyến liền mạch để Kỳ họp kết thúc sớm. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề xuất, căn cứ tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát tốt, đề nghị bố trí Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội dự họp tại Nhà Quốc hội.
Theo dự kiến nội dung Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án Luật và 5 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 5 dự án luật. Quốc hội cũng dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp bằng hoạt động “lắng nghe hiến kế của Nhân dân” thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình; việc phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của Nhân dân và cử tri đến với Quốc hội. Trong khi đó, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội...
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad. Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad; tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm 3 lần trước khi khai mạc kỳ họp. Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được 1 lần và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu để áp dụng tại Kỳ họp này.
Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết (dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội sẽ họp theo 2 đợt là trực tuyến và trực tiếp nhưng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể báo cáo Quốc hội cho họp trực tuyến hoàn toàn. Đối với phương án biểu quyết trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện phương án bảo mật và bảo đảm vận hành thông suốt. Trong trường hợp dự phòng, Quốc hội sẽ biểu quyết theo hình thức lấy phiếu và không sử dụng hình thức giơ tay.

KTĐT