Người trưởng thôn với những sáng kiến chống dịch

Văn học - Nghệ thuật - Ngày đăng : 10:10, 14/10/2021

Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid 19 ở Hà Nội có một người Bí thư chi bộ thôn rất mực tận tụy luôn có những sáng kiến mới trong việc phòng chống dịch Covid 19; được nhân dân ghi nhận. Anh là Nguyễn Hữu Phan, Bí thư kiêm Trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh.
Người trưởng thôn với những sáng kiến chống dịch
Chân dung anh Nguyễn Hữu Phan

“Phải làm gì khi có ca dương tính”?

Anh Nguyễn Hữu Phan sinh năm 1971, học xong phổ thông anh đi bộ đội rồi xuất ngũ về quê sinh sống. Tháng 1/2015, anh làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Lỗ Giao. Khi tôi tiếp xúc với anh cũng là lúc dịch bệnh không còn “nóng” tại đây nữa nhưng, những câu chuyện anh kể vẫn tươi mới như vừa diễn ra hôm qua. Anh nhớ lại: “Tối ngày 29/4, khi Ban chỉ đạo chống dịch của xã và Trung tâm y tế huyện họp khẩn cấp đến hơn 2 giờ đêm thông tin về 2 trường hợp F1 thôn Lỗ Giao, tôi xác định luôn, 2 F1 này tiếp xúc rất gần với F0 có nguy cơ trở thành F0. Tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Sáng Chủ tịch xã: Tình hình thôn em có nguy cơ. Em báo cáo bác mai em sẽ lên kịch bản sẵn. Suốt đêm đó câu hỏi lớn phải làm gì khi có ca dương tính cứ vang lên khiến tôi không tài nào ngủ được”.

“4 giờ sáng hôm sau tôi nhắn tin cho các thành viên tiểu ban phòng chống dịch của thôn, mời tất cả ra nhà văn hóa họp khẩn thông tin hai trường hợp F1. Tôi phân công, đồng chí Phó Bí thư chi bộ phụ trách công việc bên làng trong. Đồng chí Phó thôn phụ trách một nửa bên ngoài thôn. Các đồng chí đoàn thanh niên phụ trách hỗ trợ lập các chốt. Các thành viên khác phân công ngay đi chặt tre, lấy gỗ, mua giây thép, căng bạt,… dựng hàng rào lập các chốt cứng. Các chốt mềm đầu làng lên UBND xã quy định, nếu có ca dương tính UBND xã lấy đó làm chốt mềm kiểm soát y tế đầu làng. Các chốt khác bịt kín hết ngả đường ra đồng và sang thôn bên. Vừa họp xong chưa được 5 phút Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Sáng - Trưởng ban phòng chống dịch xã thông báo hai F1 đã thành F0. Đó là hai ca mắc COVID-19 (bệnh nhân 2927 và bệnh nhân 2928). Cả hai đều là công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, là F1 của bệnh nhân 2911 (bạn của bệnh nhân 2899 và cùng đi liên hoan vào ngày 22/4), liên quan đến chùm ca bệnh tại Hà Nam. Nhận định đây là ổ dịch phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, ngày 30/4 UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định thiết lập vùng cách ly y tế thôn Lỗ Giao. Tôi báo cáo đã xây dựng xong kịch bản, chờ Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã xuống kiểm tra để các bộ phận hoat động” – Anh Phan cho biết.

Đủ thứ phát sinh khi phong tỏa

Theo anh Phan, khi thôn bị phong tỏa có hai mảng việc chính cần tập trung, ngay lập tức khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và sau khi các việc này đã xong phải có phương án đảm bảo an sinh xã hội. Tại thôn Lỗ Giao, từ ngày 29/4 đến ngày 3/5 cả thôn tâp trung lấy mẫu xét nghiệm. Dưới cái nóng gay gắt ngoài trời 39 độ C mà thôn có hàng nghìn người dân cần lấy mẫu. Tôi chia ra làm 10 điểm rồi lập danh sách, bố trí thời gian để họ tới xét nghiệm. Liên tục đến ngày 3/5 việc lấy mẫu kết thúc và kết quả cả thôn âm tính. Lúc nghe tin có ca dương tính dân làng rất hoang mang, tôi cho đọc thông báo trên loa thông tin đầy đủ về các F0 để mọi người biết và bình tĩnh. Tôi kêu gọi trước mắt người dân hạn chế ra đường, nhà nào ở yên nhà ấy. Tôi phân công hai đồng chí lấy thông tin xác định các F1, F2,… Tôi giao luôn F1 cho các Hội nông dân, Phụ nữ,… Khi có các biến động gì của các gia đình đấy các đồng chí phụ trách báo lại cho tôi để có hướng xử lý.

Chuyện chống dịch thực sự nảy sinh độ phức tạp sau khi lệnh phong tỏa được diễn ra mấy ngày. Những người đang bị bệnh nền hết thuốc. Những người đang khỏe mạnh cũng tự nhiên đổ bệnh mà không đi viện khám được. Chúng tôi xin ý kiến để cho bác sĩ ở Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đông Anh hỗ trợ mở phòng khám dã chiến tại thôn. Tôi lại đi lập danh sách những người có bệnh nền để Bệnh viện Bắc Thăng Long liên hệ với các bệnh viện khác cấp thuốc cho người ốm.

Mặc dù là vùng ngoại thành nhưng hầu hết người dân trong thôn cũng có cuộc sống phụ thuộc vào thương mại. Vì vậy, chỉ sau khoảng 5 ngày cách ly hầu hết các nhà trong thôn hết đồ ăn. Lúc đó tiểu ban phòng chống dịch của thôn lại phân công người đi vận chuyển hàng tiếp tế vào trong cho nhân dân để không xảy ra cảnh thiếu thốn.

Các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tìm đến hỗ trợ, tiếp tế… hàng quà chỉ có khoảng hơn 200 suất nhưng trong thôn có tới 500 hộ dân, làm sao để chia cho đều. Tôi phải lập danh sách các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, cận nghèo,… người già neo đơn,… phát trước. Rồi tôi đọc công khai trên loa, đưa lên các nhóm zalo, Facebook của thôn, nếu ai chưa có liên hệ với trưởng thôn để nhận. Cứ phát cho nhà này, nhà kia lại kêu sao tôi chưa có. Tôi giải thích ngay: “Lúc này, mọi người đang căng gồng mình ra phòng chống dịch bệnh, tính mạng con người là trên hết, mọi người đừng đòi hỏi chế độ nhiều, hết dịch tôi không bỏ sót ai cả. Bà con mới yên tâm. Những ngày cách ly tôi làm việc cả ngày đêm; chỉ đến bữa mới chạy về nhà ăn nhanh bát cơm rồi lại đôn đáo khắp nơi. Tôi rút ra được một điều, công tác khống chế dịch chỉ cố gắng mấy hôm đầu, nếu làm tốt cứ thế vào guồng chạy. Tuy nhiên, giải quyết các vấn đề chính sách, ổn định an sinh xã hội sau đó mới là bài toán nan giải. Mình phải làm tốt khâu này dân họ tin mới sát cánh cùng chủ động phòng chống dịch như khẩu hiệu của Thủ tướng: “Mỗi người dân, mỗi gia đình là một chiến sĩ, một pháo đài phòng chống dịch””.- anh Phan nhấn mạnh.

“Ngôi nhà di động”

Qua 21 ngày triển khai thực hiện việc khoanh vùng, kiểm soát cách ly, tình hình tại địa bàn thôn Lỗ Giao cơ bản ổn định, không có thêm trường hợp mắc mới, không phát sinh các tình huống phức tạp; các đối tượng được cách ly trọng điểm, nguy cơ cao đều an toàn, không bị lây lan dịch bệnh. Ngày 21/5 cả thôn được dỡ bỏ cách ly. Mặc dù lệnh phong tỏa được dỡ bỏ nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các công việc như đang có dịch. Tôi nhận thấy việc phòng chống dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên cần có phương án dài hơi. Tôi thấy mùa mưa bão đang đến gần trong khi các chốt kiểm soát y tế vẫn tạm bợ mấy cây tre, căng vài cái bạt, mưa gió thổi bay hết. Tôi mạnh dạn báo cáo Chủ tịch xã cho xã hội hóa để có cơ sở vật chất làm như những “Ngôi nhà di động”. Tôi trực tiếp đi kêu gọi trong hai ngày 13, 14/ 6 để làm xong “Ngôi nhà di động” khoảng 8m2. Nhà có 04 bánh xe ở 04 góc có thể di chuyển được khi thay đổi địa điểm. Thấy cách làm của tôi hiệu quả, mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều nơi.

Mỗi khi nghĩ đến việc kêu gọi bà con cùng tham gia trực chốt trong những ngày “mưa lầy nắng bụi” tôi lại chạnh lòng. Tôi trăn trở, làm sao để dân tự giác tham gia chống dịch mình phải đảm bảo cơ bản quyền lợi của họ. Ngày 13/7, tôi báo cáo UBND xã, kêu gọi 30 hội đồng niên từ sinh năm 1970 đến năm 1999. Mời 30 hội trưởng này ra nhà văn hóa thôn họp triển khai công tác phòng chống dịch. Tôi cũng nói đã qua hơn 70 ngày đêm, lực lượng chống dịch toàn các cụ già, trong khi chúng ta trẻ khỏe lại chưa vào cuộc. Tôi mong từ mai 20 hội đồng niên từ 1980 đến 1999 cùng tham gia trực chốt. Đồng thời tôi kêu gọi mỗi hội đồng niên ủng hộ 1 triệu làm quỹ. Mỗi đồng niên trực từ 6giờ sáng đến 12 giờ đêm. Ban lãnh đạo thôn chia cho Hội cựu chiến binh, Cao tuổi, phó thôn, dân phòng,… thay nhau trực từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Cứ xoay vòng như thế chúng tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng, không còn cực như lúc cách ly phong tỏa- Anh Phan tâm đắc. Ngày 16/5/2021 anh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích rất quan trọng góp phần vào công tác phòng chống dịch Covid 19 của địa phương.

Trần Chung