Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội: Loại bỏ nhiều hạn chế để phát triển
Kiến trúc - Ngày đăng : 09:48, 16/10/2021
Trước đòi hỏi bức thiết từ thực tế cùng với những yêu cầu cần phải phù hợp với một số quy định pháp luật liên quan, Hà Nội đang khẩn trương lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (QHC1259).
Qua rà soát, đánh giá sau 10 năm thực hiện quy hoạch cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế cần rút ra bài học làm cơ sở cho việc định hướng điều chỉnh tổng thể quy hoạch trong thời gian tới đây.
Rà soát nhiều bất cập
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QH1259), nhiều đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng huyện được cụ thể hóa, đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn TP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến nay, trên toàn địa bàn TP đã được phê duyệt 32/32 đồ án quy hoạch chung, 33/35 đồ án quy hoạch phân khu. Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, một khối lượng lớn quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù…
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, qua rà soát cho thấy phát triển TP trong giai đoạn vừa qua còn nhiều tồn tại hạn chế trong việc triển khai QHC 1259. Đó là chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chưa chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, quy mô việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn. Việc tạo lập khu vực “hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn TP đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng và trò của Thủ đô Hà Nội. Khu vực hành lang hai bên sông Hồng chưa phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…
Đặc biệt, về mô hình cấu trúc, theo định hướng QHC1259, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với các trục hướng tâm. Việc tổ chức phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái nhằm giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm, trên cơ sở kết nối hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, các đô thị vệ tinh đến nay hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Các vành đai xanh, nêm xanh chưa được chú trọng bảo vệ phát triển. Các khu đô thị được xây dựng với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ kết nối. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung chưa có kế hoạch đầu tư. Đô thị trung tâm có xu hướng phát triển theo vết dầu loang, chắp vá, gây quá tải về hệ thống cơ sở hạ tầng.
“Trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung lần này, mô hình cấu trúc TP vẫn sẽ được duy trì theo định hướng QHC 1259. Tuy nhiên, từ những hạn chế trong việc quản lý thực hiện theo quy hoạch cho thấy, việc điều chỉnh cấu trúc của Hà Nội để phát triển có hiệu quả hơn là cần thiết” - ông Nguyễn Trúc Anh nêu.
Định hướng điều chỉnh từng khu vực
Qua rà soát của Sở QH - KT, tại khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận nội thành cũ và một phần phía Nam quận Tây Hồ, dân số trong 10 năm gần đây đã giảm khoảng trên 100.000 người tại quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, tính chung toàn khu vực đến nay vẫn chưa thực hiện được việc giãn - giảm từng bước theo định hướng QHC1259. Việc triển khai di dời công sở, cơ sở giáo dục, bệnh viện theo Quyết định 130 của Thủ tướng còn chậm, hiện mới di dời hơn 130ha, trong đó đã bố trí 74ha cho hệ thống công cộng.
“Trong lần điều chỉnh này sẽ nghiên cứu lại định hướng giảm dân tại khu vực để phân bổ lại đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và Luật Cư trú. Đồng thời, sẽ đề nghị có cơ chế chính sách rõ ràng trong quá trình di dời theo Quyết định 130, đảm bảo bàn giao quỹ đất sau khi di dời cho TP để phát triển các tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực. Bên cạnh đó, cũng sẽ rà soát kỹ tình trạng pháp lý tại các khu vực có nhiều đơn thư khiếu kiện trong thời gian qua do vướng mắc về quy hoạch” - Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trúc Anh thông tin.
Đối với khu vực nội đô mở rộng từ đường Vành đai 2 đến sông Nhuệ, đây là khu vực tập trung nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp, trong đó có những nhà máy là niềm tự hào đối với người dân Hà Nội. Do đó công tác di dời sẽ gắn với công tác nghiên cứu bảo tồn di sản công nghiệp. “Đây là một xu hướng mới rất cần các Hội nghề nghiệp vào cuộc nghiên cứu nhằm giúp cho TP có những định hướng về vấn đề này” - ông Nguyễn Trúc Anh cho hay.
Tại các khu vực phát triển mới (khu vực Bắc sông Hồng, phía Đông Vành đai 4) trong QHC 1259 xác định chỉ tiêu đất đô thị cao, diện tích đất phát triển đô thị lớn nhưng dân số lại phân bổ thấp, dẫn đến khai thác quỹ đất không hiệu quả. Trong điều chỉnh lần này sẽ rà soát, phân bổ lại quy mô dân cư trên địa bàn theo hướng tăng dân số, phù hợp với định hướng phát triển khu vực Bắc sông Hồng thành quận hoặc TP trực thuộc TP, còn khu vực phía Đông Vành đai 4 là các khu ở mới, giãn dân cho nội đô lịch sử. Tại các khu vực này sẽ phát theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 500 - 1.000m xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị.
"Đối với khu vực hành lang hai bên sông Hồng, hướng nghiên cứu trong đồ án quy hoạch điều chỉnh sẽ xem xét gắn liền với khu vực phát triển đô thị trong đê như một thực thể thống nhất. Coi đê sông Hồng như một phần cảnh quan, không phải là yếu tố chia cắt khu vực như hiện nay; đồng thời nghiên cứu đề xuất các cơ quan chức năng có các quy định để giúp chính quyền địa phương quản lý, xây dựng đô thị tốt hơn. Bổ sung các quy định để người dân có thể xây dựng nhà cửa hợp pháp tại các khu vực dân cư hiện hữu. Xây dựng các tiện ích hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống." - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy |