Phim tài liệu trước những vấn đề thời đại: Phải luôn dấn thân, luôn đổi mới

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:32, 17/10/2021

Dám dấn thân vào những điểm nóng, lăn lộn theo đuổi đề tài nhiều năm liền cũng như đau đáu tìm cách thể hiện mới sao cho chân thực nhất, theo kịp xu hướng làm phim tài liệu của thế giới - đó là những gì mà những nhà làm phim tài liệu Việt đang nỗ lực thực hiện và họ đã có nhiều thước phim chạm đến những vấn đề nóng của cuộc sống đương đại.
 Dưới đây là ý kiến của một số nhà làm phim tài liệu về vấn đề này.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thước:
Mỗi nhà làm phim có một con đường riêng

Phim tài liệu trước những vấn đề thời đại: Phải luôn dấn thân, luôn đổi mới

Đối diện với sự phát triển của truyền thông, các nhà làm phim tài liệu phải có con đường đi riêng. Đó là sự thật mà chúng ta không thể chối bỏ. Riêng phim tài liệu, tôi vẫn tự tin một điều là khi chúng ta chạm đúng vào vấn đề cuộc sống đang được quan tâm, những vấn đề mà khi xem, tất cả mọi người đều cảm thấy có mình trong đó thì phim tài liệu sẽ luôn luôn có khán giả. Bây giờ chúng ta có nhiều cách để tiếp cận người xem lắm. Có những phim lên YouTube đã có mấy triệu người like, họ xem, bình luận rất xúc động. Đó là một trong những cách đưa phim tài liệu tới gần hơn với công chúng.

Phim tài liệu luôn phải đề cao tính thời sự và các đạo diễn cũng phải rất nhanh nhạy với các vấn đề của cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, được có mặt ở những điểm nóng của đất nước, có mặt trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, đó là hạnh phúc và niềm tự hào của những người làm phim tài liệu.

Tất nhiên, nội dung phim bao giờ cũng phải có sự tương đồng với hình thức. Trong những giờ lên lớp của mình, tôi luôn nhắc nhở các em rằng: Hãy luôn tìm cách biểu đạt tốt nhất, hiện đại nhất, truyền tải thông điệp của mình đến người xem tốt nhất. Nhưng cách nào thì cách, cần phải phù hợp với nội dung, đó là điều rất quan trọng. Hiện có rất nhiều người nói về việc làm phim tài liệu không lời bình. Đó là cách biểu đạt rất tốt, nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều phim nước ngoài hay, mang lại thành công lớn là phim có lời bình. Vấn đề ở đây là hãy cố gắng tìm hình thức phù hợp nhất, tốt nhất với nội dung mà bộ phim đang cần. Tất nhiên, cách làm phim không lời bình đang chiếm thế “thượng phong” và bản thân tôi rất ủng hộ cách làm phim đó. Nó có lợi thế mang lại cảm giác, sự chân thật và thuyết phục người xem tốt hơn.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư:
Mỗi thế hệ có cách làm phim khác nhau

Phim tài liệu trước những vấn đề thời đại: Phải luôn dấn thân, luôn đổi mới

Hình ảnh chiếm phần lớn sự thành công của bộ phim tài liệu, nhất là với dòng phim tài liệu không lời bình. Tôi vẫn nhớ một bộ phim tài liệu rất ngắn của đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích là “Đường dây lên sông Đà” - bộ phim gây tiếng vang rất lớn về mặt hình ảnh. Phim không có lời bình, không có câu thoại nhân vật. Thay vào đó, khán giả sẽ nhớ đến những bờ vai u bắp, làn da ngăm đen của những công nhân đang gồng mình kéo đường dây lớn, xây dựng những cột điện lừng lững đầu tiên mọc bên sông Đà. Đó là những hình ảnh đã đi vào lịch sử, ăn sâu trong tâm trí người xem.

Tôi cho rằng mỗi một giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, các dòng phim tài liệu có cách biểu đạt riêng. Hay nói cách khác, mỗi thế hệ có cách làm phim khác nhau. Thời kỳ của những tên tuổi như Lò Minh, Lê Mạnh Thích... đến Nguyễn Thước, Lê Hồng Chương... là giai đoạn khá mạnh của dòng phim tài liệu, với nhiều tác phẩm ấn tượng. Những tác phẩm ấy không chỉ mang tính báo chí mà còn có tính nghệ thuật, tính văn hóa. Đó là những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, truyền tải đầy đủ thông điệp, những tầng nghĩa mà người làm phim mong muốn gửi đến khán giả.

Từ quay phim chuyển sang làm đạo diễn, tôi có rất nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Thuận lợi là tôi có kỹ thuật quay, chủ động với máy quay phim của mình, từ đó mình có thể kể câu chuyện bằng hình ảnh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, khi tiếp cận dòng phim tài liệu có lời bình, tôi đã nhận thấy đó không phải là thế mạnh. Vì thế, tôi tập trung theo đuổi dòng phim tài liệu không lời bình. Trên thế giới, xu hướng làm phim tài liệu không lời bình đã có cách đây 50 năm rồi. Tính chuyện trong những bộ phim ấy rất mạnh. Họ dành thời gian để tập trung theo đuổi đề tài của mình nhiều hơn.

Phong cách làm phim của tôi là rất ít phỏng vấn, mà đi theo toàn bộ hành trình các bác sĩ thăm khám, chăm sóc bệnh nhân như thế nào. Trong hai bộ phim tài liệu không lời bình mới nhất: “Ranh giới” và “Ngày con chào đời” là những câu chuyện, tình huống, những giải pháp mà các bác sĩ đưa ra để cứu chữa các thai phụ, đón đỡ em bé chào đời. Tôi nghĩ rằng điều đó chân thực hơn so với việc phỏng vấn. Tất nhiên, sau đó chúng tôi cũng có những cuộc trao đổi, điều đó có thể là chất liệu trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Chúng tôi may mắn khi ghi hình ở nơi khắc nghiệt nhất, được Ban Giám đốc Bệnh viện, các y, bác sĩ hướng dẫn tận tình cách làm thế nào để mặc đồ bảo hộ tốt nhất, làm thế nào để thay đồ tránh lây nhiễm. Ấn tượng đặc biệt là khi chúng tôi được vào tận nơi, chứng kiến các y, bác sĩ thăm khám, chữa trị bệnh nhân ra sao, khi đó mới hiểu hết được sự hy sinh lớn lao, thậm chí quên mình của họ. Câu chuyện mà chúng tôi truyền tải đến mọi người mới chỉ là những câu chuyện nhỏ trong muôn vàn câu chuyện lớn của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhưng tôi cũng hy vọng qua câu chuyện này, người xem hiểu được sự khắc nghiệt của dịch bệnh, sự quên mình của đội ngũ y, bác sĩ. Đằng sau đó là tinh thần, ý chí quyết tâm, đồng lòng chống dịch, cứu bệnh nhân để mang lại hơi thở cuộc sống, mang lại tiếng cười trẻ thơ. Đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi có mặt tại khu K1, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương:
Thay đổi để thích ứng

Phim tài liệu trước những vấn đề thời đại: Phải luôn dấn thân, luôn đổi mới

Phim tài liệu luôn đồng hành cùng cuộc sống. Chính vì lẽ đó, để tồn tại, phát triển thì người làm phim phải có những thay đổi để phù hợp với trình độ, mong muốn của xã hội. Gần đây xuất hiện rất nhiều đạo diễn trẻ, họ đã có những tác phẩm tốt, mang hơi thở thời đại và có chỗ đứng trong lòng khán giả, đó là tín hiệu đáng mừng cho phim tài liệu Việt Nam.

Vậy điều gì làm nên điều đó? Phải chăng là cách tiếp cận, cách làm mới hay điều gì khác đã làm cho phim tài liệu của nhiều đạo diễn trẻ được quan tâm đón nhận như vậy? Dưới góc độ của người làm phim, tôi thấy có nhiều yếu tố, như các đạo diễn đã rất nhanh nhạy phát hiện đề tài, vấn đề mới, hấp dẫn, cộng với đam mê. Đã có nhiều đạo diễn trẻ thành công với bộ phim của mình như Trần Phương Thảo với phim “Giấc mơ là công nhân”, đó là câu chuyện về những cô gái nông thôn mơ ước ra thành phố tìm việc. Qua bộ phim, thấy rõ cách tiếp cận nhân vật, cách khai thác vấn đề qua nhân vật của đạo diễn rất gần gũi, thân thiết. Đây là yếu tố rất quan trọng; ai muốn mình có bộ phim hay, chân thực là phải sống cùng nhân vật cùng câu chuyện mà mình muốn kể.

Cách làm phim có nhiều thay đổi. Các nhà làm phim cố gắng không sử dụng lời bình (tất nhiên là tùy thể loại) mà dùng lời kể, hoặc phỏng vấn, dùng hình ảnh để kết nối mạch câu chuyện, tuy không mới với thế giới nhưng với chúng ta thì ít nhiều đã thấy sự khác so với cách làm trước đó. Đa phần các bộ phim không sử dụng lời bình như “Chuyện ngày hôm qua”, “Hai bàn tay” của đạo diễn Đặng Linh, “Hai đứa trẻ” đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, “Đoạn trường vinh hoa” đạo diễn Lê Mỹ Cường... đều mang lại một gia vị mới, làm phong phú thêm món ăn quen thuộc của chúng ta. Tôi cho rằng, họ đã thành công phần nào vì những tác phẩm đó đã tạo được sự quan tâm của công chúng. Tuy vậy, với mỗi vấn đề, thể loại thì đạo diễn sẽ có cách thể hiện riêng, nhiều khi không thể không dùng lời bình.

HNM