Tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn trục lợi chính sách

Tin tức - Ngày đăng : 23:23, 18/10/2021

1. Lâu nay, cụm từ “trục lợi chính sách” không còn quá xa lạ. Thực tế cho thấy, bất kể một chính sách gì đều có nguy cơ bị trục lợi. Đối tượng trục lợi không chỉ là người dân, doanh nghiệp mà còn cả những cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
Không chỉ đơn lẻ một vài cá nhân mà còn tạo đường dây, lập nhóm để trục lợi. Ngoài trục lợi về kinh tế còn trục lợi cả về quyền lực.

Trục lợi chính sách thực chất là hành vi dùng thủ đoạn để chiếm đoạt bất hợp pháp lợi ích từ đối tượng được thụ hưởng theo quy định trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội do Đảng, Nhà nước ban hành; từ cả lợi ích nhìn thấy, đo đếm được đến lợi ích vô hình.

Điểm lại các vụ việc trục lợi chính sách bị “phơi sáng” gần đây cho thấy, phổ biến nhất là hiện tượng đánh tráo đối tượng, lập danh sách khống để trục lợi. Điển hình như đầu tháng 9-2021, Công an thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) đã bắt tạm giam Huỳnh Hồng Sơn (trú tại phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức), điều tra làm rõ hành vi lợi dụng vị trí công tác để cấu kết với một số cá nhân lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dù những người này không thuộc diện được thụ hưởng theo quy định.

Ở lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, dù việc tráo đối tượng để trục lợi chính sách rất mất thời gian, tốn công nhưng vẫn bị các đối tượng cấu kết tiến hành. Điển hình là cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh đã bắt hàng chục đối tượng, trong đó có cán bộ địa phương để điều tra về hành vi lợi dụng gia đình chính sách làm thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng.

Tinh vi hơn là việc lợi dụng mua sắm trang bị, phương tiện để trục lợi thông qua nâng giá hoặc thông thầu. Ví như vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và bắt tạm giam 7 bị can thời gian gần đây.

Ở lĩnh vực công tác cán bộ, việc lợi dụng quy chế, quy trình để bao che, nâng đỡ, bố trí người thân, người nhà, người quen, “cánh hẩu” vào các vị trí công tác nhằm được biên chế, lên cấp, lên chức từ khi còn rất trẻ... đã tạo ra không ít những cán bộ non yếu về kiến thức, trình độ, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm. Nguy hại hơn, việc này còn tạo ra những cán bộ chỉ biết vâng lời, cung cúc tận tụy làm theo ý riêng của cá nhân lãnh đạo, không vì lợi ích chung mà dám phản biện những quyết định chủ quan, phiến diện, ích kỷ. Đây chính là “mảnh đất” màu mỡ để hình thành phe nhóm, gây mất đoàn kết và đấu đá nội bộ... Gần nhất, vụ việc thu hồi quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp sở là con một lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã cho thấy tình trạng trục lợi chính sách trong lĩnh vực này hết sức tinh vi, là ví dụ điển hình về hiện tượng được gọi là “tham nhũng tương lai”.  

2. Chính sách công nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là tạo nên “bầu sữa” kích thích lòng tham của chủ nghĩa cá nhân. Trước những lợi ích từ chính sách mang lại - trái tim, khối óc của không ít người khoác áo “công bộc” đã suy thoái, biến chất, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để cấu kết nhằm trục lợi... Đó chính là “giặc nội xâm” nguy hại, gây tổn hại đến uy tín lãnh đạo của Đảng nhanh nhất.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” tuy không trực tiếp chỉ ra hiện tượng trục lợi chính sách nhưng nêu rõ nguyên nhân cơ bản: “Là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Vì vậy, để chính sách không bị trục lợi, đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội và vì con người thì vấn đề cơ bản và xuyên suốt vẫn là phải lãnh đạo công tác cán bộ hiệu quả kết hợp với thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Điều này rất phù hợp với phương hướng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Vấn đề đặt ra hiện nay là không ít đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chính sách không đáp ứng được yêu cầu, có sai phạm, nhưng việc chịu trách nhiệm của cá nhân còn chung chung, nửa vời. Vì thế cần đổi mới lãnh đạo công tác cán bộ một cách thực chất thông qua xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng trên nền cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phải xuất phát từ đánh giá của đối tượng thụ hưởng để đánh giá chất lượng thực hiện chính sách, rồi đến đánh giá chất lượng cán bộ tổ chức thực hiện chính sách. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, chọn cho được cán bộ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý là người có tâm, có tài, có đạo đức, liêm chính, trong sạch.

Ngăn chặn việc trục lợi chính sách không chỉ bảo vệ tính đúng đắn, mục đích tốt đẹp của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hướng đến mà còn tạo cơ hội cho những cán bộ thực đức, thực tâm, thực tài và thực tầm cống hiến cho cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước. Đó cũng là quyết tâm chính trị được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục thống nhất cao tại Hội nghị lần thứ tư vừa kết thúc cách đây ít ngày.

HNM