Ngăn chặn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật: Hành động quyết liệt hơn

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:34, 19/10/2021

Vấn nạn làm tranh giả, chép tranh, xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số tín hiệu tích cực từ việc bảo vệ quyền tác giả của giới nghề trong và ngoài nước đã cho thấy, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn đã ngăn chặn hiệu quả nạn xâm phạm bản quyền, góp phần đem lại môi trường lành mạnh cho mỹ thuật Việt Nam.
Ngăn chặn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật: Hành động quyết liệt hơn
Các họa sĩ, người hoạt động mỹ thuật cần nâng cao ý thức thực thi quyền tác giả, góp phần ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm. Trong ảnh: Khách tham quan triển lãm "Dấu ấn - 2021" tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Việt Nga

Những phản hồi mạnh mẽ và hiệu quả

Cuối tháng 9-2021, nhà đấu giá nghệ thuật Sotheby’s (Hồng Kông - Trung Quốc) giới thiệu trên website về phiên đấu giá diễn ra ngày 10-10 có bình phong 3 tấm “Nhà tranh gốc mít” (90x118,5cm) được giới thiệu của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Ngay lập tức, nhiều diễn đàn thu hút người am hiểu mỹ thuật Việt trên mạng xã hội đã nhận định, đây không phải tác phẩm của họa sĩ này. Bà Nguyễn Bình Minh, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cũng lên tiếng khẳng định, bình phong này là giả.

Bà Minh cho biết, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chỉ sáng tác một bức tranh “Nhà tranh gốc mít” (60x105cm) vào năm 1958 và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh xác nhận, bức tranh “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ hiện được lưu giữ, trưng bày thường xuyên tại bảo tàng.

Sau những ý kiến phản ánh của giới nghệ thuật Việt Nam, ngày 5-10, nhà đấu giá Sotheby’s đã rút bức tranh “Nhà tranh gốc mít” khỏi phiên đấu giá, đồng thời thông báo sẽ tiến hành xác minh. Trước đó, năm 2019, nhà đấu giá Sotheby’s cũng đã rút 2 bức tranh “Lá thư” đề của Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái” đề của Trần Văn Cẩn tại một phiên đấu giá sau khi bị giới nghệ thuật Việt Nam chỉ ra là tranh giả. Bởi, có hai bức tranh cùng tên như vậy đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với đầy đủ bằng chứng, hồ sơ pháp lý về nguồn gốc.

Gần đây, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Huy Tiếp cũng đặt nghi vấn tranh giả với 6 bức tranh đề của Bùi Xuân Phái và 1 bức tranh đề của Lê Phổ được giới thiệu trên website của nhà đấu giá Drouot (Pháp) tham gia phiên đấu giá ngày 16-10. Nhận được phản ánh, Drouot đã rút 3 tranh đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái khỏi phiên đấu giá.

Không chỉ ở nước ngoài, ngay trong nước, nhiều tác giả đương thời cũng bị làm giả, nhái tác phẩm. Hồi tháng 5-2021, sau khi phản ánh với một khách sạn ở Hòa Bình về việc có các bức phù điêu chép tác phẩm của mình treo tại đây, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã nhận được lời xin lỗi của chủ khách sạn. Họ đã gỡ các bức phù điêu vi phạm bản quyền và trao đổi với tác giả về việc mua tác phẩm có bản quyền. Trước đó, một khách sạn ở tỉnh Lào Cai cũng phải gỡ bỏ các tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng khi được phản ánh vi phạm bản quyền.

Nhiều họa sĩ như Thành Chương, Phạm An Hải, Đặng Tiến, Đặng Phương Việt… đã liên tục lên tiếng khi phát hiện có tranh giả, tranh nhái tác phẩm của mình bày bán công khai tại một số phòng tranh, website. Khi họa sĩ hay giới chuyên môn phản ánh, tranh mới được gỡ đi hoặc rút khỏi các trang rao bán trực tuyến…

Ngăn chặn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật: Hành động quyết liệt hơn
Nhiều họa sĩ nổi tiếng, trong đó có họa sĩ Đặng Phương Việt đã lên tiếng phản ánh việc một số tác phẩm của mình bị sao chép, làm giả.

Cần vào cuộc đồng bộ

Vấn nạn sao chép, làm tranh giả ngày càng phổ biến, với cách thức đa dạng ở cả trong và ngoài nước. Theo họa sĩ Phạm An Hải, thiệt thòi trước tiên là tác giả, sau đó đến nhà đầu tư, sưu tập, đặc biệt ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nền mỹ thuật Việt. Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết, hiện nay có nhiều họa sĩ, chuyên gia tâm huyết đang tích cực phát hiện và lên tiếng trên các diễn đàn, mạng xã hội hay phản ánh trực tiếp với các nhà đấu giá về nghi vấn tranh giả. Điều này góp phần thúc đẩy sự quan tâm, lên án của cộng đồng với vấn nạn này.

Song, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm cho rằng, trước tiên, để bảo vệ quyền lợi của mình, các tác giả nên chú trọng hơn đến việc đăng ký bản quyền tác phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ có thể ủy quyền cho người có chuyên môn về bản quyền để được hỗ trợ phát hiện vi phạm, thay mặt tác giả yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho họa sĩ.

Ngoài ra, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, mỗi họa sĩ, người hoạt động mỹ thuật phải nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, hoạt động lành mạnh. Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ các cá nhân, đơn vị, nhà đầu tư, nhà sưu tập trong việc đóng góp tiếng nói về chuyên môn liên quan đến xác định tranh giả, tranh thật. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, về lâu dài, cần xây dựng Luật Mỹ thuật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động mỹ thuật, trong đó có quy định cụ thể về vấn đề tranh giả, tranh chép, bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật.

Xác định công tác ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật đang đối mặt nhiều thách thức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông yêu cầu, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Cục Bản quyền tác giả tích cực phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả; nâng cao ý thức thực thi quyền tác giả… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tập trung đào tạo đội ngũ giám định chuyên nghiệp; xây dựng hồ sơ, tư liệu về tác giả, tác phẩm mỹ thuật các thời kỳ…

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động mỹ thuật trong và ngoài nước sẽ đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền, giữ được uy tín cho nền mỹ thuật Việt Nam.

HNM