Phân cấp kèm theo trách nhiệm trong bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích
Tin tức - Ngày đăng : 09:34, 12/08/2022
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần đặc biệt quan trọng. Mặc dù, ngành Văn hóa đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn còn không ít việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa.
Nhấn mạnh, bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển thành mũi nhọn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận nhiều giải pháp đề ra chưa thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần về một ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ. Để phát triển du lịch, trước tiên cần quảng bá để thu hút du khách, sau đó là miễn visa cho công dân nhiều nước, làm visa điện tử. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều đơn vị, nhất là ngành Ngoại giao, do đó cần cải thiện môi trường du lịch, làm sao để khách không e ngại.
Liên quan đến công tác bảo tồn các di tích gắn với du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là một nội dung quan trọng. Du lịch không phải chỉ có gắn với di tích, nhưng đây là một thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, từ nhiều khóa, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, đặc biệt là một số di tích lịch sử cách mạng.
“Mặc dù, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên, vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có các di tích lịch sử cách mạng là luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất thiếu. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp”, đồng chí Vũ Đức Đam nói và cho biết, đang xảy ra tình trạng "bê tông hóa di tích", chỉ cần buông lỏng thì nhiều di tích bị tu bổ sẽ... to hơn, không còn là di tích như trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương rồi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Vấn đề tu bổ, bảo tồn di tích thì phải có một tiêu chí cứng, bắt buộc bộ, ngành nào cũng vẫn phải theo nhưng quy định theo hướng phân cấp và quy trách nhiệm. Như vậy, các di tích văn hóa ở các địa phương khi bị xâm phạm thì trách nhiệm đầu tiên là thuộc về chính quyền địa phương.
Về vấn đề văn hóa trên môi trường mạng internet, Phó Thủ tướng nhận định, đời thực có gì thì trên mạng có cái đó, nhưng tốc độ lan truyền thông tin trên mạng rất nhanh, rộng, nhất là thông tin xấu. Phó Thủ tướng đưa ra thống kê, tốc độ lan truyền thông tin xấu nhanh gấp 6-7 lần tin tốt. Do đó, đồng chí đề nghị, tiếp tục xử lý các đối tượng lợi dụng mạng xã hội xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Người bị xâm phạm trên mạng xã hội cần lên tiếng để cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 19 đại biểu phát biểu và 7 lượt đại biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu chưa phát biểu gửi câu hỏi chất vấn tới bộ phận Thư ký, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời đầy đủ bằng văn bản.