Tổng thống Nga, Mỹ đạt đồng thuận về vấn đề Syria và Triều Tiên

Tin tức - Ngày đăng : 17:29, 03/05/2017

Trong cuộc điện đàm ngày 2/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được đồng thuận về một loạt vấn đề song phương cùng các vấn đề quốc tế nổi cộm khác, gồm tình hình tại Syria và bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga, Mỹ đạt đồng thuận về vấn đề Syria và Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: EPA)

Văn phòng báo chí điện Kremlin vừa ra tuyên bố cho biết: “Ngày 2/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump. Hai bên đã thảo luận về một số vấn đề nổi bật trong quan hệ hợp tác song phương, với trọng tâm là góp phần đặt nền móng cho triển vọng hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế tại Syria… Các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã nhất trí sẽ khôi phục tiến trình đàm phán cấp ngoại trưởng hai nước nhằm tìm kiếm giải pháp thắt chặt lệnh ngừng bắn…hướng tới mục tiêu tìm kiếm một tiến trình hòa giải thực sự tại Syria. Từ cơ sở này, các Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ thông báo cho các nhà lãnh đạo hai nước về các tiến triển đã đạt được”.

Trong tuyên bố cùng ngày, Nhà Trắng cho biết, hai Tổng thống Nga và Mỹ đã nhất trí rằng, tất cả các bên liên quan cần nỗ lực tối đa để chấm dứt bạo lực tại Syria. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các biện pháp hợp tác nhằm xóa sổ chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông. “Tổng thống D.Trump và Tổng thống Putin đã đi tới lập trường chung rằng, nỗi thống khổ của người dân Syria đã tiếp diễn quá lâu và tất cả các bên liên quan cần hành động hết mình để chấm dứt bạo lực… Cuộc điện đàm đã diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp, gồm cả việc đề cập tới việc thiết lập các khu vực an toàn, hay các nỗ lực xoa dịu căng thẳng để đạt được hòa bình lâu dài vì mục tiêu nhân đạo và một số lý do khác” – thông báo của Nhà Trắng nêu rõ.

Trong khuôn khổ cuộc điện đàm ngày 2/5, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã thảo luận một cách chi tiết về tình hình nguy hiểm hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cùng phối hợp để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, giúp giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Về phía Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi các bên kiềm chế và nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh các vấn đề quốc tế, ông Putin và ông D.Trump cũng thảo luận về triển vọng hợp tác trong quan hệ hai nước, trong đó gồm khả năng diễn ra một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức) trong hai ngày 7-8/7 tới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, giới chức Nhà Trắng khẳng định cuộc điện đàm giữa Tổng thống D. Trump và Tổng thống Putin diễn ra tốt đẹp. Trong khi đó, Văn phòng báo chí điện Kremlin đánh giá cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông D.Trump đã diễn ra trong bầu không khí thiết thực và mang tính xây dựng.

Dù cho tới nay, hai Tổng thống Nga và Mỹ chưa gặp gỡ trực tiếp song đây đã là lần thứ 3 hai nhà lãnh đạo tiến hành điện đàm kể từ sau khi ông D.Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017.

Nội dung của cuộc điện đàm ngày 2/5 giữa ông Putin và ông D.Trump đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm kể từ sau khi căng thẳng giữa hai nước bùng phát xung quanh việc Mỹ sử dụng tên lửa không kích một căn cứ không quân của Syria hồi đầu tháng 4/2017, động thái bị Moscow phản đối mạnh mẽ. Được biết, trong hai ngày 3-4/5, các bên sẽ nhóm họp tại Astana (Kazakhstan) để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ông Stuart Jones, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung cận đông sẽ tham dự cuộc đối thoại tại Kazakhstan với tư cách là quan sát viên. Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ cử ông Jones thay cho Đại sứ nước này tại Kazakhstan George Krol tham gia cuộc đối thoại ở Astana, dù chỉ với tư cách là quan sát viên đã cho thấy chính quyền Washington đang ngày càng coi trọng một sự kiện vốn được đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)