Nhà thơ Mai Quỳnh Nam
Thơ - Ngày đăng : 06:24, 06/05/2017
PGS. TS Mai Quỳnh Nam: Trong công cuộc Đổi Mới, kinh tế thị trường, gắn với việc mở cửa và thực hành dân chủ vì mục tiêu phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân đã tạo nên những biến đổi xã hội căn bản. Mặt tích cực trong sự biến đổi này được nhân dân ghi nhận. Đánh giá tình hình kinh tế, kết quả của cuộc nghiên cứu Dư Luận xã hội về Đổi Mới ở Việt Nam được thực hiện trong năm 2015, do Viện Nghiên cứu Con người tiến hành, với sự tham gia của 2000 người cho thấy: 76% số người được phỏng vấn đánh giá tình hình kinh tế của đất nước vào thời điểm được hỏi tốt hơn so với 3 năm trước đó, có đến 79% số người sinh ra từ năm 1975 trở về trước cho biết: tình hình kinh tế của Việt Nam trong quãng thời gian này là tốt hơn. Cũng với chỉ báo này, tần suất về sự đánh giá, ở những người sinh sau năm 1975 là 73,1%. Trong sự biến đổi đó, tất yếu biến đổi về giá trị cũng diễn ra. Tạo lập và phát triển vốn con người vì mục tiêu xây dựng kinh tế bền vững và tiến bộ xã hội đã trở thành giá trị cốt lõi. Yêu nước, bảo vệ chủ quyền đất nước vẫn là giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Cùng với đó, những giá trị mới, gắn liền với các quan hệ xã hội hiện đại cũng đang hình thành, nhưng chưa hoàn thiện. Hệ giá trị cổ truyền đang trong quá trình giải cấu trúc, không duy trì được sự chặt chẽ của hệ thống. Biện chứng của giá trị phản ánh biện chứng của cấu trúc xã hội. Cấu trúc xã hội đang biến động thì chưa thể kỳ vọng vào một hệ thống giá trị ổn định, bền vững. Tình trạng đó, tất yếu tạo nên những khoảng trống trong hệ giá trị. Làm thế nào để khắc phục được những khoảng trống đó? Đây đang là sự quan tâm của những người nghiên cứu giá trị học và xã hội học. Cần tạo lập được cấu trúc xã hội phù hợp giữa các lĩnh vực cơ bản của nó, tạo lập khung khổ điều tiết các hành vi xã hội phù hợp với mục tiêu thịnh vượng và dân chủ là điều kiện để tạo nên các hệ giá trị mới từ những con người mới - sản phẩm của xã hội đương đại. Giá trị là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của cấu trúc nhân cách. Nó được hình thành và củng cố bởi năng lực nhận thức, bởi sự tích lũy cá nhân qua các trải nghiệm xã hội. Vì vậy, giá trị được coi là cơ sở để giải quyết mâu thuẫn và xung đột trong cuộc đấu tranh giữa nghĩa vụ và sự ham muốn, giữa hành vi hợp chuẩn mực với kích thích lệch chuẩn. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay dường như tri thức kinh nghiệm, bản địa mang hơi hướng của thái độ vị chủng văn hóa, như: “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, “Đất lề quê thói”, “phép Vua thua lệ làng” đang trở nên lỗi thời trong bối cảnh có sự tương tác giá trị Việt Nam với giá trị nhân loại.
PV:Nhìn lại nền giáo dục mấy chục năm qua, ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn cho học sinh, chúng ta ít chú ý giáo dục đạo làm người và tinh thần công dân cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển. Đây chính là căn nguyên khởi nguồn của hành vi vô văn hóa, vô kỷ luật, thậm chí là tư tưởng tự diễn biến, tự chuyển hóa đang phổ biến trong xã hội hiện nay, thưa phó giáo sư?
PGS. TS Mai Quỳnh Nam: Giáo dục đạo làm người và tinh thần công dân thời nào cũng quan trọng. Vấn đề là trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay,Việt Nam đang tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì nền tảng đạo đức và tinh thần công dân cũng phải phù hợp với xu hướng đó. Đạo làm người và tinh thần công dân phải được biểu hiện ở các hành vi xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội phổ biến. Điều này phải trở thành quy tắc ứng xử trong xã hội công nghiệp hiện đại. Xã hội sẽ tốt đẹp, các hành vi vô văn hóa, vô kỷ luật, nạn tham nhũng sẽ không có điều kiện nảy sinh khi cơ chế pháp trị và đức trị cùng được vận hành tốt. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành xã hội thông qua các chuẩn mực xã hội có tính chất ép buộc để duy trì các giá trị xã hội cơ bản. Nhà nước kiến tạo và hành động vận hành trên nguyên tắc đó. Trong quan hệ này, các chuẩn mực và giá trị đạo đức phù hợp với các quy tắc pháp luật sẽ tăng cường tính tự giác, dựa trên tinh thần công dân, làm cho các cơ chế xã hội chuyển động phù hợp với định hướng phát triển.
PV:Con người vốn là chủ thể sáng tạo ra văn hóa và văn hóa làm cho con người trở nên Người hơn, nhưng thực tế trong những năm qua, việc tạo dựng môi trường văn hóa chưa được quan tâm đúng mức khiến cho việc giáo dục, hình thành những giá trị nhân cách tốt đẹp trong con người chưa hiệu quả. Phải chăng chúng ta đang mải lo hội nhập mà quên mất rằng, Nhân văn chính là yếu tố nền cho sáng tạo có trách nhiệm?
PGS. TS Mai Quỳnh Nam: Đúng vậy, nhân văn chính là yếu tố nền cho sáng tạo và trách nhiệm. Nhân văn thuộc phạm trù người. Nhân văn quy định mục đích của sáng tạo và mục tiêu phát triển vì trách nhiệm xã hội. Văn hóa là các hành vi xã hội học hỏi được trong quá trình truyền bá và tích lũy. Môi trường văn hóa là điều kiện thiết yếu để điều tiết các quan hệ xã hội, kinh tế, pháp lý,…v.v. Thực tế, chúng ta đã quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng chưa duy trì được các mục tiêu văn hóa phù hợp dẫn đến các tổn thương, lệch lạc văn hóa. Điều này khiến cho việc giáo dục, hình thành những giá trị nhân cách chưa hiệu quả. Vì vậy, cần hành xử với văn hóa đúng với vai trò, vị trí của văn hóa. Bằng cách ấy, các mục tiêu của tăng trưởng mới thực sự hướng đến mục tiêu phát triển con người, mới tái tạo thành công nguồn vốn con người, với vai trò là “tài sản thực sự của các quốc gia”.
PV: Để xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ thì văn học, nghệ thuật sẽ phải nhập cuộc thế nào để phát hiện, cảnh báo, phê phán cái xấu, cái ác, góp phần xây dựng nhân cách, đề cao phẩm giá con người.
PGS. TS Mai Quỳnh Nam: Văn học, nghệ thuật có vai trò tạo lập các biểu tượng và niềm tin xã hội. Biểu tượng xã hội là “hình ảnh tinh thần” mà con người noi theo khi hành động. Hiện thực xã hội được tạo dựng trong mỗi cá nhân thông qua các biểu tượng xã hội đã có sẵn. Niềm tin là một trong những yếu tố cơ bản tạo thành biểu tượng xã hội, niềm tin cũng gắn với các chuẩn mực và các giá trị xã hội. Văn học, nghệ thuật hướng đến chân, thiện, mỹ, tức là hướng đến các biểu tượng và các giá trị xã hội. Đối với người mang biểu tượng và niềm tin thì hành vi của họ chịu sự tác động mạnh mẽ từ biểu tượng và niềm tin mà họ coi trọng. Điều này có nghĩa là văn học, nghệ thuật không chỉ phản ánh các giá trị mà còn tạo lập các xúc cảm thẩm mỹ, định hướng hoạt động cảnh báo, phê phán cái ác, cái xấu, quảng bá đề cao cái thiện, cái đẹp.
PV: Giáo sư có cho rằng cần có một cơ chế, hay tương tự là một chính sách cụ thể về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế để có thể huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa một cách cụ thể, rõ ràng?
PGS. TS Mai Quỳnh Nam: Tương tác giữa kinh tế và văn hóa trong bối cảnh phát triển hiện nay diễn ra rất nhanh chóng. Công nghiệp văn hóa, văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn, kinh tế du lịch đang được quảng bá mạnh mẽ. Các nguồn lực văn hóa không thể tách rời các nguồn lực kinh tế nhưng cũng không chỉ tuân thủ các ưu tiên kinh tế, ngược lại, sự phát triển văn hóa nhằm tăng cường nguồn vốn con người cũng hướng đến mục tiêu kinh tế, vì sự phát triển chung. Vì vậy, văn hóa hướng tới đại chúng. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa được sản xuất hàng loạt để bán đã tạo nên thị trường văn hóa hấp dẫn và đa dạng, kinh tế văn hóa hình thành trên cơ sở đó. Muốn thị trường phát triển tốt thì cần có cơ chế và chính sách hợp lý. Sự phát triển của văn hóa, của hoạt động tiêu dùng văn hóa không nằm ngoài quy luật này.
PV: Xin trận trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thu Hà (thực hiện)