Doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Cần giải pháp đồng bộ để bảo vệ quyền lợi người lao động
Tin tức - Ngày đăng : 22:36, 12/05/2017
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2017, ước tính số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 13,1 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là hơn 11,2 triệu người; BHXH tự nguyện là 235 nghìn người; BHYT là gần 76,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số. Mặc dù số lượng người tham gia BHXH có tăng nhưng theo đánh giá của BHXH Việt Nam, hiện nay diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt trên 20% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020. Cùng với đó là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn phổ biến. Cụ thể số nợ BHXH ước tính hết tháng 3/2017 là 14.019 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng; nợ BHTN là 552 tỷ đồng và nợ BHYT là 3.466 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 13,1 triệu người
Các doanh nghiệp có số nợ BHXH cao đã chiếm khoảng 6.000 tỉ đồng. Điều đáng lưu ý là trong số nợ đọng BHXH, còn có khá nhiều nợ khó đòi nằm trong các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, thậm chí doanh nghiệp đã bỏ trốn không tìm được. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nợ đọng BHXH. Nguyên nhân đầu tiên là do người sử dụng lao động cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, còn có việc quản lý lao động chưa chặt chẽ, việc khai báo tăng giảm lao động của các doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc; lực lượng thanh tra còn mỏng và chế tài xử phạt doanh nghiệp trốn đóng BHXH chưa đủ sức răn đe.
Căn cứ theo Luật BHXH năm 2014, việc khởi kiện doanh nghiệp về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng về quyền lợi của người lao động, tập thể người lao động đã được chuyển giao từ ngành bảo hiểm xã hội sang ngành công đoàn. BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra toà án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Theo đó, tính đến tháng 2/2017, ngành BHXH đã chuyển giao cho Tổng Liên đoàn Lao động 1.177 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ BHXH. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động, thống kê từ 52 Liên đoàn Lao động tỉnh thành cho thấy đã tiếp nhận 1.150 hồ sơ. Đến nay, đã có 39/63 Liên đoàn Lao động các tỉnh thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ doanh nghiệp nợ BHXH.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì cho biết, việc gửi đơn khởi kiện của các Liên đoàn Lao động thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. Tại các tỉnh thành, ngay khi Liên đoàn Lao động nộp đơn khởi kiện, một số doanh nghiệp đã mang tiền đến đóng số nợ BHXH. “Liên đoàn Lao động một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương trước khi khởi kiện đã thông báo tới chủ doanh nghiệp nếu không đóng nợ BHXH sẽ khởi kiện. Theo thống kê, sau khi có thông tin khởi kiện, doanh nghiệp nợ BHXH đã nộp được khoảng 299 tỷ đồng”, ông Mai Đức Chính thông tin thêm tại hội nghị về tình hình khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH diễn ra hôm 5/4/2017.
Cũng liên quan đến DN nợ đọng BHXH, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết hàng quý cơ quan này gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ. “Trước đây, do còn e dè việc công bố thông tin doanh nghiệp nợ BHXH sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp nên BHXH Việt Nam chưa công bố danh sách tên doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, từ năm 2017, BHXH sẽ thông tin rộng rãi tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là giải pháp để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH hiện nay”, ông Phạm Lương Sơn cho biết thêm.
Tăng cường công tác thanh tra
Nhiều chuyên gia nhận định muốn giải quyết được vấn đề trốn đóng, nợ đọng BHXH cần rất nhiều giải pháp tổng thể, trong đó việc thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có một vai trò rất quan trọng. Hiện nay, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tuy nhiên có một thực tế trong tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra được ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) chia sẻ là hiện nay, những biện pháp, chế tài của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với mức phạt còn thấp. Hàng năm, số đơn vị được phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện còn rất hạn chế; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra còn chậm; phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra các đối tượng kiểm tra đôi khi còn cản trở, không hợp tác; công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị, hiệu quả thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Cơ quan BHXH không còn được giao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chức năng này đã được giao cho tổ chức công đoàn, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên việc thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra về việc người lao động có hành vi “chạy” giám định sức khỏe để được về hưu sớm, lách luật BHXH, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động có biểu hiện không chịu cống hiến, chúng ta phải nâng cao nhận thức của người lao động: “công dân của nước Việt Nam đều được hưởng các chính sách theo luật pháp Việt Nam, ngược lại cũng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với nhà nước, chứ không thể đi lợi dụng chính sách nhà nước, lách luật không thực hiện nghĩa vụ của mình, tôi cho rằng nhà nước có chính sách ưu ái nếu như đối với người làm những việc đặc biệt, nặng nhọc và nguy hiểm từ 15 năm trở lên thì đủ 55 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ thì được phép về hưu trước. Còn những người mà không đáp ứng được điều kiện này mà lại chạy, lách luật để về hưu thì đây là việc ít xảy ra, đó là người không có lòng tự trọng của bản thân và không có tự hào của dân tộc. Chúng tôi đã và đang phối hợp với các cơ quan công an kiểm tra các đường dây đó để thực hiện các biện pháp tiếp theo”…ông Tùng nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động đã được các cơ quan chức năng thực hiện và cùng chung tay tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. Trong năm 2017, BHXH các tỉnh, thành phố sẽ cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; đảm bảo cân đối quỹ. Đối với một số vướng mắc về khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, các cơ quan chức năng cũng đã họp bàn và sẽ có chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới./.