Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa đón du khách: Cơ hội cho ngành Du lịch
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 22:02, 13/05/2017
Dự kiến từ tháng 6-2017, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật của du khách. Hoạt động này nhằm thực hiện chủ trương của Bộ VH-TT&DL về khai thác Nhà hát Lớn làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, đồng thời bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Đây được xem là cơ hội tốt cho ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng phát triển.
Việc mở cửa Nhà hát Lớn đón du khách sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành Du lịch Thủ đô và cả nước phát triển. |
Chủ trương đúng...
Trong thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội và Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn với mục đích đưa nơi đây thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Theo kế hoạch, sẽ có hai chương trình dành cho du khách, gồm: Tham quan nhà hát; tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật.
Đối với chương trình tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật, du khách sẽ được tiếp đón trong phòng gương, thưởng thức trà, được trải nghiệm lô VIP, nghe giới thiệu về lịch sử, kiến trúc..; đến tầng 3 tìm hiểu không gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn với nhà hát. Ngoài ra, du khách cũng được tiếp cận với các hoa văn, họa tiết, mái vòm của khán phòng, quan sát toàn bộ không gian sân khấu và khán giả từ trên cao…
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng khẳng định, việc đưa khách du lịch đến Nhà hát Lớn là chủ trương đúng đắn của Bộ VH-TT&DL. Và, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật sẽ góp phần làm giàu sản phẩm du lịch Thủ đô, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển theo đúng mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khảo sát cho thấy, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều vui mừng trước chủ trương đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành điểm tham quan ở Thủ đô. Bởi lẽ, đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với dấu ấn mô phỏng kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuy-lơ-ri, Nhà hát Opera de Paris. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ những giá trị lịch sử riêng có, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như buổi mít tinh của Tổng hội viên chức, buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh, lãnh đạo nhân dân làm nên thành công vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945...
Dự kiến, chương trình tham quan sẽ được tổ chức thường kỳ, kết nối với các hoạt động trên phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, triển lãm…, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa mới, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch trên địa bàn Thủ đô.
Đẩy mạnh quảng bá
Nhà hát Lớn, Hà Nội. |
Trao đổi về chương trình nghệ thuật biểu diễn tại đây, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, Nhà hát Lớn Hà Nội nên chọn những gì tinh túy nhất, đại diện cho Hà Nội để biểu diễn phục vụ du khách. Chẳng hạn như ca trù, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. "Ca trù mang tính hàn lâm và loại hình nghệ thuật này xứng tầm với Nhà hát Lớn. Chúng ta cần bắt nhịp với xu thế của thế giới, ví như nhà hát La Scala - nhà hát đầu tiên của Châu Âu (tại TP Milan, Italia) biểu diễn opera và ballet phục vụ khách du lịch vậy" - ông Lưu Đức Kế cho hay.
Đồng quan điểm này, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội, nhìn nhận: "Chúng tôi đã dẫn nhiều đoàn khách, trong đó có những vị khách rất am hiểu về nghệ thuật, họ cho biết, nếu nói về nghệ thuật truyền thống, ca trù rất độc đáo, không nơi nào có. Do đó, nếu xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch mang đậm chất Hà Nội, thì nên chọn ca trù. Nếu chọn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, e rằng dễ lẫn với các chương trình nghệ thuật ở các nhà hát khác"...
Còn theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông, Công ty Fiditour, các sản phẩm nghệ thuật cần ngắn gọn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng mang tính giải trí nhẹ nhàng, giúp du khách có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi lưu lại Thủ đô. Trong khi đó theo Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Lê Công Năng, có thể ứng dụng công nghệ cao ở điểm đến Nhà hát Lớn Hà Nội, như dùng phim tư liệu 3D tái hiện lịch sử hay kính thực tế ảo tham quan nhà hát nhìn từ trên cao, nhằm mang lại những trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang hoàn thiện chương trình nghệ thuật theo hướng nhẹ nhàng, vui vẻ. Chương trình gồm các tiết mục thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, rối cạn... và sẽ "chốt" vào cuối tháng 5-2017. Tuy nhiên, theo các công ty du lịch, để bán được một sản phẩm du lịch mới cần khoảng thời gian ít nhất từ 3 đến 6 tháng xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, nhưng đến nay những đơn vị này vẫn chưa nhận được thông tin giới thiệu, quảng bá, bảng giá, lịch biểu diễn hay chính sách ưu đãi nào của Nhà hát Lớn Hà Nội.
"Thời điểm mở cửa tham quan đang tới gần, công tác xúc tiến sản phẩm tour mới cần được đẩy mạnh, thông qua việc gửi các thông tin đến tất cả các đơn vị lữ hành. Nếu chậm trễ trong khâu truyền thông cũng như chiến lược ưu đãi nhân dịp mở cửa tham quan sẽ dẫn đến việc thu hút du khách đến với Nhà hát Lớn kém hiệu quả" - ông Lê Công Năng nhận định.
Việc Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa cho du khách sẽ tạo thêm cơ hội tốt cho ngành Du lịch Việt Nam và Hà Nội phát triển. Song, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp tích cực giữa Nhà hát Lớn Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các công ty lữ hành. Đặc biệt, hoạt động này phải được quảng bá một cách chuyên nghiệp và được sự đầu tư có tính chất dài hạn.