Hai người Mỹ yêu Việt Nam
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:30, 15/05/2017
Thầy Paul đang hướng dẫn các học viên phát âm tại lớp bổ trợ phát âm tiếng Anh buổi tối.
Paul George Harding (sinh năm 1948, tại bang South Dakota, Mỹ), gia nhập quân đội Mỹ vào năm 1968 và từng là lính nhảy dù thuộc Lữ đoàn Không quân 173, tham chiến tại chiến trường Bình Định - Lâm Đồng từ 1969 đến 1970. Khi trở về, thầy Paul luôn cảm thấy day dứt và ân hận vì đã tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Người cựu chiến binh Mỹ trải lòng: “Tôi rất thất vọng về quyết định của mình khi tham chiến ở Việt Nam. Nó thực sự là một lỗi lầm kinh khủng trong cuộc đời tôi. Những ký ức chiến tranh ám ảnh, phá hủy sự bình yên trong sâu thẳm trái tim tôi. Để có thể bù đắp cho sự mất mát, đau thương mà người Việt Nam đã phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh quá khứ, tôi muốn quay trở lại mảnh đất này và làm điều gì đó như một sự chuộc tội".
Được sự ủng hộ của bạn bè và người thân, Paul đã nghỉ quản lý một công ty riêng. Năm 2014, lần đầu tiên ông đáp chuyến bay trở lại mảnh đất hình chữ S, bỏ lại sau lưng tất cả...
Qua tìm hiểu, thầy Paul nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt rất lớn nhưng chi phí cho một khoá học với người nước ngoài lại cao. Người cựu chiến binh Mỹ nảy ra ý tưởng, dạy ngoại ngữ miễn phí. Thầy Paul cùng với chị Nguyễn Thị Huyền - cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân xây dựng và thành lập dự án “The free school”.
Thầy Paul kể: lúc đầu chưa ai biết đến lớp học tiếng Anh miễn phí của thầy, nên khi đi trên đường, gặp ai thầy cũng hỏi: “Tôi đang dạy lớp tiếng Anh miễn phí, bạn có muốn tham gia không?”. Thế rồi, lớp học đầu tiên cũng được tổ chức vào ngày 25/12/2014, với 5 học viên tham gia tại một quán cà phê ở Hà Nội. "Tiếng lành đồn xa", đến nay các lớp học tiếng Anh miễn phí của thầy Paul đã thu hút hơn 400 học viên.
Các học viên đến với lớp học của thầy có đủ mọi lứa tuổi, từ những trẻ em mới lên 3 đến những người đã ngoài 60; từ học sinh, sinh viên đến những người đã đi làm. Bất cứ ai, ở độ tuổi, trình độ nào cũng có thể tham gia lớp học của thầy Paul.
Để dễ dàng cho việc quản lý và có phương pháp dạy phù hợp cho mỗi đối tượng học viên, thầy Paul đã chia học viên thành nhiều lớp học khác nhau, gồm: lớp 3 - 7 tuổi, lớp 7 - 12 tuổi. Đối với lớp trên 12 tuổi, thầy Paul chia ra các lớp phát âm, giao tiếp cơ bản, giao tiếp trung bình và giao tiếp nâng cao. Mỗi lớp có khoảng 30 đến 40 học viên do thầy Paul hoặc một tình nguyện viên nước ngoài, cùng một trợ giảng người Việt giảng dạy. Các buổi học được tổ chức vào tối thứ 4 đến thứ 7, sáng và chiều chủ nhật là các lớp dành cho các em học sinh nhỏ tuổi.
Bài giảng của thầy Paul xoay quanh nhiều lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt là liên quan đến lịch sử Việt Nam. Cũng vì thầy Paul rất thích đề tài này và đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi về sử Việt, nhất là giai đoạn kháng chiến chống Pháp cũng như sách về anh hùng dân tộc Việt Nam như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm... Ngoài ra, lớp học còn có một số chủ đề khác về văn hóa, môi trường, xã hội... Bởi lẽ, thầy Paul không chỉ muốn dạy tiếng Anh mà còn muốn nâng cao ý thức cho các học viên về bảo vệ môi trường và xã hội.
Các lớp học của người cựu binh Mỹ còn nổi tiếng về phương pháp dạy học đầy nhiệt huyết. Để tăng hứng thú cho người học và phát triển khả năng nghe nói, thầy luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ, gần gũi, thậm chí sẵn sàng “hóa thân” thành những con vật, miêu tả bằng những hành động thậm chí có vẻ kỳ quặc để học viên dễ hình dung và tự tin hơn trong giao tiếp. Còn khi học phát âm, thầy sẽ cầm micro tới vị trí ngồi của từng học viên để nghe họ đọc và chỉnh sửa cho từng người.
Chị Nguyễn Thị Mỹ - một trong những học viên đã đi làm nhưng vẫn tranh thủ thời gian để đến lớp học của thầy Paul, chia sẻ: “Tôi không biết dùng từ nào để nói về cảm xúc của mình khi lần đầu đến lớp. Với một không gian tràn đầy niềm vui học tập, một người thầy tâm huyết khiến tôi rất phấn khởi và mong muốn được học tiếng Anh mỗi ngày.”
“Nhuộm màu” phố cổ
Anh Scott bên những bức tường ở ngõ 50 Hàng Bạc được trang hoàng sạch sẽ, đẹp mắt_
Nằm sâu trong khu phố cổ Hà Nội với lối vào nhỏ nhắn, chật hẹp, chằng chịt dây điện và những hộp điện cũ kỹ, ngõ 50 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm dường như ít được du khách để ý tới. Nhưng cách đây không lâu, con ngõ này đã hoàn toàn “thay da đổi thịt” khi được khoác lên mình “tấm áo mới” với sắc màu tươi sáng.
Tác giả của những “công trình” này là Scott Matt, 23 tuổi, quốc tịch Mỹ, vừa tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ thuật kinh doanh, Đại học Drexel. Trước khi đến Việt Nam, Scott đã đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới và anh quyết định dừng chân tại Việt Nam một thời gian (làm giáo viên một trung tâm ngoại ngữ), sau lần thứ 2 quay trở lại đất nước xinh đẹp này.
Chia sẻ với Người Hà Nội về quyết định thay màu mới cho những bước tường tại ngõ 50 phố Hàng Bạc, Scott cho biết, anh thấy ở Việt Nam có rất nhiều các con hẻm, nơi có những ngôi nhà cổ xinh đẹp. Tuy nhiên, những con hẻm này khá nguy hiểm nếu như đi vào buổi tối. Vì vậy: “Tôi muốn biến con ngõ nơi tôi đang sống (50 phố Hàng Bạc) trở nên đẹp hơn, khiến mọi người đi qua nơi này có thể thấy những màu sắc rực rỡ của nó, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn” – Scott nói.
Nghĩ là làm, sau khi lên ý tưởng, chàng trai đến từ Philadelphia đã nhờ chủ nhà nghỉ nơi anh ở mua hộ những hộp sơn, sau đó anh tự làm mới lại toàn bộ các bức tường của ngõ 50 phố Hàng Bạc. Lúc thì Scott tranh thủ 30 phút nghỉ trưa, có khi cặm cụi làm việc hàng giờ đồng hồ vào buổi tối.
Khi mới bắt tay vào làm, người dân nơi đây không mấy quan tâm, thậm chí cũng chẳng mấy hưởng ứng với hành động kỳ lạ của anh chàng này. Thế nên, anh đành phải chờ đến khuya, khi mọi người đã ngủ say để thực hiện ý tưởng. Nhưng sau khi con ngõ nhỏ rêu phong ẩm mốc được khoác lên mình chiếc áo rực rỡ, tươi mới, người dân sống ở đây cảm thấy thích thú. Scott bắt đầu nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người hơn. “Một vài người sống ở ngõ 50 phố Hàng Bạc, một vài du khách đến thăm Việt Nam như tôi và một số người bạn của tôi, mỗi người giúp tôi một chút.” – Scott vui vẻ chia sẻ.
Sự thay đổi “diện mạo” của con ngõ 50 phố Hàng Bạc này còn thu hút khá nhiều các bạn trẻ người Việt và du khách nước ngoài đến đây tham quan. Bạn Nguyễn Yến (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Đi ngang qua thấy con ngõ có màu sắc sặc sỡ, khác hẳn những con ngõ từng thấy nên tôi ghé vào xem. Nhìn những hộp điện và bức tường được sơn màu nổi bật tôi thấy rất thú vị và đẹp mắt.”
Khi được hỏi việc “làm mới” như vậy có ảnh hưởng đến sự cổ kính của khu phố cổ hay không, Scott Matt nói: “Tôi cũng biết đây là khu phố cổ, mọi ngôi nhà hay bức tường đều có những kỷ niệm, những nét cổ kính riêng từ hàng chục năm trước. Nhưng ý tưởng của tôi đơn giản chỉ muốn làm cho con ngõ trở nên đầy màu sắc và đẹp hơn. Ngoài ngõ 50 phố Hàng Bạc, tôi còn muốn làm đẹp thêm trên nhiều con phố ở Hà Nội, nếu như được chính quyền Thành phố đồng ý.”
Cả Scott và thầy Paul đều dành những tình cảm đặc biệt như thế với Hà Nội, với Việt Nam. Mà không chỉ dừng ở những việc làm đó, Scott còn chia sẻ rằng anh rất thích Việt Nam, thích con người thân thiện nơi đây và hiện đang có nhiều kế hoạch muốn thực hiện tại Việt Nam trong thời gian tới. Còn thầy Paul thì bảo rằng dù tuổi đã cao, nhưng thầy vẫn luôn mong muốn tiếp tục được ở lại Việt Nam để duy trì việc dạy học tiếng Anh của mình cũng như mở rộng dự án “The free school”. “Tôi muốn biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam. Bởi vì nó sẽ giúp cho người dân Việt Nam dễ dàng hòa nhập với thế giới và phát triển kinh tế đất nước.” Không chỉ thế, tôi còn được biết tuần nào thầy Paul cũng cùng trẻ em (nơi thầy sống) đi cạo biển quảng cáo dán trên tường, cột điện ở các ngõ phố Hà Nội. Sắp tới thầy Paul sẽ triển khai dự án về thu gom đồ ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội để chuyển về các vùng quê.