Hội họa của các họa sĩ Nam Bộ

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:26, 15/05/2017

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi trưng bày và giữ gìn những tác phẩm quý về nghệ thuật cổ đại - hiện đại Việt Nam. Bộ sưu tập các tác phẩm tranh tượng cận hiện đại trong bảo tàng do nhiều thế hệ họa sĩ vun đắp tạo một diện mạo riêng trong khu vực Đông Nam Á.
Hội họa của các họa sĩ Nam Bộ
Để có một sưu tập tác phẩm của các họa sĩ thời cận đại của trường Mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định, tác phẩm trước và sau năm 1975, hội họa và điêu khắc đương đại, các chuyên viên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt đi sưu tập tại các triển lãm lớn sau ngày thống nhất đất nước, tìm đến các họa sĩ Sài Gòn phần lớn trong Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn (1966 - 1975) trò chuyện tập hợp tranh của họ.

Tác phẩm của các họa sĩ Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh hòa chung trong dòng chảy hội họa hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt trong đề tài và chất liệu thể hiện. Thành công của Nguyễn Gia Trí về sơn mài, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ về lụa đã tạo một trường phái sơn mài, lụa đặc trưng Việt Nam được các thế hệ họa sĩ Bắc và Nam bên nhau sáng tác kế tục và tỏa sáng trong các triển lãm lớn trong và ngoài nước từ nhiều thập kỷ ở thế kỷ 20.

Họa sĩ Lê Văn Đệ của trường Mỹ thuật Gia Định, tốt nghiệp khóa 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã có nhiều tác phẩm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những bức tranh của ông tại bảo tàng là kết quả những cuộc đi sưu tập tìm kiếm của các chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đó là những tranh lụa đặc sắc Thiếu nữ bên bờ ao (1945), Cô dâu (1945), Thiếu phụ bồng con (1945), Chân dung bà Hoàng Xuân Hãn (1944).

Sau này tranh của đồng nghiệp ông có mặt trong bảo tàng là: Trang điểm (1940) của họa sĩ Nguyễn Văn Long; Thiếu nữ bên hoa cúc (1940) của họa sĩ Nguyễn Thị Nhung; Cổng thành Huế, Chợ Đông Ba (1938) của họa sĩ người Huế - Tôn Thất Đào và tranh lụa của học trò ông Tuổi thơ (1975) của Nguyễn Thị Hợp; Chăm sóc thiếu nhi (1976) của Nguyễn Thi đã tạo một phong cách vẽ lụa hòa hợp giữa Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ. Nhưng cái chung nhất vẫn là sự trong trẻo mờ ảo, quý phái của chất liệu này được các họa sĩ Sài Gòn thực hiện hiệu quả.

Về sơn mài họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc. Ngày khai mạc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 26/6/1966 Bảo tàng chỉ có 1 tranh duy nhất của Nguyễn Gia Trí là tấm cánh cửa tủ sơn mài mang tên Lùm tre nông thôn (1938). Đó là bức sơn mài cổ truyền trên nền sơn then thếp vàng lộng lẫy. Còn nhớ, mùa đông năm 1978 một đoàn chuyên viên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đi khảo sát và sưu tập tranh tại Sài Gòn, Đà Lạt. Tại nhà khách Đà Lạt xưa là Dinh Bảo Đại có 1 tấm bình phong sơn mài lớn do họa sĩ Nguyễn Gia Trí thể hiện gồm 8 tấm ghép lại (160x400cm) cả hai mặt đều làm rất cẩn thận. Một mặt là cảnh các thiếu nữ đang rong chơi chạy nhảy trong vườn. Mặt bên kia là phong cảnh khoai môn và chuối. Sắc vàng của nền tranh đã chứng minh tranh được sáng tác khoảng sau năm 1954 khi ông đang sống tại Sài Gòn. Bức bình phong này đã nhanh chóng được chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thay vào đó là bức bình phong sơn khắc Tây Nguyên bao la hùng vĩ của anh em họa sĩ Nguyễn Như Hoành – Nguyễn Như Huân sáng tác năm 1960 có kích thước tương tự. Bức bình phong của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là điểm nhấn của phòng trưng bày cận đại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Khách thăm quan được thỏa sức chiêm ngưỡng bức tranh với những chi tiết tinh tế của tài năng bậc thầy hội họa thời cận đại.

Cũng trong đợt sưu tập này, tác phẩm sơn dầu Ba em nhỏ của họa sĩ Nguyễn Anh được đưa về bảo tàng từ sưu tập tranh của họa sĩ Nguyễn Phước. Cùng với đó là bức tượng đồng Người Việt Nam đội mũ tế của Vũ Cao Đàm nhà điêu khắc tên tuổi, từng tốt nghiệp khóa II trường Mỹ thuật Đông Dương; tranh sơn mài Phong cảnh của U Văn An; tranh sơn dầu Trừu tượng của Đào Sĩ Chu. Từ một gia đình cổ ở Hà Nội, chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tập được hai tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Văn Thọ (sinh năm 1917, sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, sở trường về tranh thủy mặc trên lụa). Hai tranh sơn dầu của tác giả vẽ năm 1952 về đề tài hiện thực diễn tả cảnh Thiếu nữ Mường tắm suối và cảnh bão tố trong Đi mảng ngoài khơi đầy đe dọa và sợ hãi. Trước năm 1975 họa sĩ Trần Văn Thọ và con gái là họa sĩ Trần Kim Yến sống tại Sài Gòn có nhiều tác phẩm về khuynh hướng cổ điển mẫu mực trên lụa.

Sau năm 1975 có ba cuộc sưu tập tranh của các họa sĩ Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh chính thức được Hội đồng nghệ thuật quốc gia tuyển chọn tại Sài Gòn và Hà Nội. Đó là:

1. Triển lãm Mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh (1985) kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn tại Bảo tàng mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên Hội đồng nghệ thuật từ Hà Nội vào Sài Gòn họp mua tác phẩm và khánh thành tượng đài thủ khoa Huân của nhà điêu khắc Nguyễn Hải ở Tiền Giang. Trong số 165 tác phẩm trưng bày hội đồng đã chọn được 12 tác phẩm vào sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bao gồm: Trận địa mới (sơn dầu của Hoàng Trầm), Mặt trận phía Nam cầu chữ Y tết Mậu Thân (sơn mài của Huỳnh Phương Đồng), Tiến về Sài Gòn (sơn mài của Quách Phong), Tình bạn mùa xuân (sơn mài của Cổ Tấn Long Châu), Trên cao (sơn dầu của Ca Lê Thắng), Ca mổ (sơn dầu của Kim Tiến), Quyết thắng (sơn dầu của Thanh Châu), Giải phóng Sài Gòn (sơn mài của Quách Phong), Đi theo giải phóng (sơn dầu của Đào Minh Tri), Phụ nữ Ấp Bắc chặn pháo giặc (sơn dầu của Cao Thương), Bác Hồ tìm đường cứu nước (thạch cao của Diệp Minh Châu, Cô gái quan họ (thạch cao của Lê Thị Chính - vợ của nhà điêu khắc Nguyễn Hải).

2. Cũng trong thời gian này nhóm chuyên viên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tập được một số bức tranh sau: Chị Út Tịch của nữ họa sĩ Trần Thị Phương Dung (vợ nhà điêu khắc Diệp Minh Châu) tranh vẽ trên lụa năm 1966, Buổi sáng ở nhà máy xe lửa Chí Hòa (sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Khai,1979), Xưởng đóng tàu Ba Son, Trận mở màn trên sông nước (sơn dầu của Huỳnh Phương Đông), Giờ sản xuất (sơn dầu của Nguyễn Siên, 1980), Vũng Tàu trong hoàng hôn (sơn dầu của Nguyễn Tuấn), Quán nhỏ bên đường, Tà dương trên vùng đất thép (sơn dầu của Văn Đen, 1976). Tại Hà Nội trong sưu tập của ông Phạm Chỉ Lương bảo tàng đã có được hai tranh giá trị của họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1952 là Men rượu (sơn dầu) và Nhớ Hà Nội được hoạ sĩ Tạ Tỵ vẽ vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1948 trên chất liệu bột màu. Trong khoảng thời gian từ 1980 triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 đã chọn của họa sĩ Nguyễn Khai hai tác phẩm sơn dầu đó là Nhà máy toa xe Di An và Hai cô gái tổ sơn; họa sĩ Hà Quang Phương với tranh sơn dầu Những người đồng nghiệp; nữ họa sĩ Kim Bạch với tác phẩm sơn dầu Mẹ con, Cây trái quê hương lụa; họa sĩ Nguyễn Trung với tranh sơn dầu Chân dung người lính (1984); họa sĩ Trương Thị Thịnh với tranh sơn dầu Thành quả (1982); họa sĩ Nguyễn Trung Tín với Nhẩy dây (sơn dầu, 1990) và Buổi chiều (sơn dầu, 2009); tranh đồ họa của Trịnh Kim Vinh.

3. Cuộc khảo sát tình hình mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1998 sau 12 năm đổi mới, mở cửa của các khuynh hướng nghệ thuật đa dạng của thế hệ họa sĩ thành viên của Hội họa sĩ trẻ trước 1975 là mục đích sưu tầm những tác phẩm đương đại của nhóm chuyên viên Bảo tàng Mỹ thuật. Kết quả chuyến khảo sát, Bảo tàng đã sưu tầm được 20 tác phẩm tuyển chọn từ những tác phẩm tâm đắc nhất của tác giả. Đó là những tranh sơn dầu Rêu đá (1994), Vách xưa I (1998) của Nguyễn Trung; Thiên nhiên (1994) của Trần Văn Thảo; Ánh sáng xanh (1994), Cha và con (1994) của Nguyễn Tấn Cương, Hoa đăng (1994) của Ca Lê Thắng, Tình biển (1998) của Nguyễn Tấn Cương, Cấu trúc của đất của Hồ Hữu Thủ, Không gian cũ N09 (1992) của Hứa Thanh Bình; Cánh đồng (1997), Trên đường phát triển (2004) của Lê Thánh Thư, Xanh và vàng (1994) của Đỗ Hoàng Tường, Hoa của Ca Lê Thắng, Nỗi nhớ của Nguyễn Thân 1979, Mẹ của Phạm Đỗ Đồng, Khiêu vũ của Đào Minh Tri lụa 1984. Theo dòng thời gian tranh sơn mài tập hợp 20 tấm nhỏ đề tài Cá 1998 của Đà Minh Tri, Hoa và quả sơn mài của Hoàng Trầm, Tĩnh lặng sơn mài của Nguyễn Lâm. Bố cục số 4 của Trịnh Cung sơn dầu 1998 và tranh của Thanh Châu Trạm dừng chân màu nước và Tải đạn khắc gỗ của Lê Thanh Trừ. Ký ức Trường Sơn (1994) sơn dầu của Phan Oanh

Hội họa của các họa sĩ Nam Bộ
Tượng Nguyễn Văn Trỗi của Nguyễn Hải

Sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc đến những tác phẩm đường bệ của nhà điêu khắc Nguyễn Hải như Anh Trỗi, Những người mẹ người chị, Chiến thắng Điện Biên Phủ; của nhà điêu khắc Phạm Mười với Vót chông và Tàn mà không phế; của nhà điêu khắc Phạm Gia Hương với Trăn trở (gò đồng), Những chiến sĩ gò nhôm, Cuộc sống và tình yêu gỗ; của Nguyễn Hải Nguyễn con trai nhà điêu khắc Nguyễn Hải với Đấu ngựa và nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc lão thành Diệp Minh Châu từ những năm 60 như: Võ Thị Sáu, Bác dịch sử Đảng, Bác với thiếu nhi, Bác bên suối Lê Nin…

Và những ký họa chống Mỹ của các họa sĩ tham gia chiến dịch ở Nam Bộ trong tập Ký họa miền Nam 1966 – 1975 cùng các tranh cổ động của họa sĩ Xuân Đông, Huỳnh Phương Đông, Phạm Mười, Lê Lam, Dương Văn Sen với Tải đạn ra mặt trận sơn mài 1999.

Hiện nay những tác phẩm trong bộ sưu tập của họa sĩ Sài Gòn TP Hồ Chí Minh luôn hiện diện trên các mảng tường trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là tiếng nói, ngôn ngữ nghệ thuật mẫu mực trong mọi thời điểm của lịch sử xã hội, tác phẩm đương đại của họa sĩ Sài Gòn trước 1975 luôn quyết liệt để tìm một ngôn ngữ hội họa mới, giải trình được những vấn đề tác giả đặt ra bằng một kỹ thuật diễn tả độc đáo kết nối xưa – nay, cổ hiện hiện đại để nói lên sức vận động của nghệ thuật mới. Một thế kỷ hội họa điêu khắc Việt Nam với những bộ sưu tập tác phẩm tiêu biểu đã ghi nhận những tuyên ngôn nghệ thuật mới với những họa sĩ đã thành danh trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Hải Yến