Phiên chợ sách xưa: Khơi dậy văn hóa đọc cho giới trẻ
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:30, 15/05/2017
Sức sống của sách xưa, sách cũ
Đã là lần thứ 3 Phiên chợ sách xưa lần do diễn đàn sachxua.net phối hợp với Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây tổ chức nhưng lượng độc giả đến với phiên chợ không vì thế mà thưa vắng. Chia sẻ với phóng viên báo Người Hà Nội về mục đích tổ chức Phiên chợ sách này anh Phan Mạnh Hà – thành viên BTC phiên chợ sách cho biết: “Ý tưởng tổ chức phiên chợ sách cũ, sách xưa không phải là mới. Tuy nhiên, khác với những phiên chợ sách khác thường xô bồ, các loại sách giả, sách lậu và sách thật bán lẫn lộn, và hầu như không có sự xuất hiện những cuốn sách quý thì tại Phiên chợ sách xưa, những nhà sách chọn lọc kỹ càng các đầu sách bán, tránh tình trạng trà trộn sách giả, sách lậu, đồng thời giúp cho các độc giả tiếp cận với nguồn sách hay, sách chất lượng nhưng lại có giá rẻ”.
Với sự tham gia của nhiều đơn vị kinh doanh sách cũ như: Hiệu sách Phan Gia, Nhà sách Việt Cường, Sách cũ Tuấn Ninh, Sách cũ Minh Phương, Nhà sách Phúc Minh, Nhà sách Mạnh Trưởng...; Với hàng nghìn cuốn sách đủ loại từ truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài cho đến tiểu thuyết, từ sách thiếu nhi cho tới sách chuyên ngành, từ sách của các tác giả Việt Nam cho tới sách ngoại văn; với mức chiết khấu cao từ 30%-50%, cùng sách cũ đồng giá 10.000, 20.000 đặc biệt là các cuốn sách quý được bán với giá cao hơn từ vài triệu đến chục triệu đồng.... Phiên chợ sách xưa đã thu hút nhiều các đối tượng độc giả khác nhau từ các nhà sưu tập sách cho tới những nhà nghiên cứu, từ các bác hưu trí đến các bạn học sinh, sinh viên.
Không khó để có thể bắt gặp những niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt của nhiều người, khi họ tìm thấy cuốn sách hay, phù hợp với sở thích. Ông Dương Văn Phúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thích sách, đặc biệt là sách cổ. Ngày xưa, sách tôi đọc chủ yếu chép tay chứ không được đọc bản gốc. Giờ có điều kiện, tôi thường xuyên đi các chợ sách để sưu tầm những cuốn sách cổ.”
Sở dĩ những cuốn sách cũ, sách xưa vẫn có sức hấp dẫn với độc giả bởi vì những sách cũ ngoài giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học theo các chuyên ngành riêng, còn chứa đựng những giá trị mà sách mới không thể có được. Người tìm về sách cũ, đôi khi là sự tìm về những kỉ niệm. Đó là những cuốn sách ngày xưa họ đã được tặng, đã từng được đọc, cảm thấy tâm đắc và giờ muốn tìm lại để ôn lại kỷ niệm và bổ sung cho tủ sách quý của mình.
Một lý do nữa đó là do sách cũ không bị mất đi tính nguyên bản do sự cắt bỏ của các các nhà xuất bản để giảm giá thành sản phẩm. “Một số các tác phẩm kinh điển được tái bản hiện nay thường hay bị cắt bỏ phần “lời nói đầu” và “chú giải”. Cả 2 phần này đều rất quan trọng. Có những cuốn sách kinh điển xưa, “lời mở đầu” được viết rất công phu khoảng 50 đến 100 trang, nếu bạn không đọc phần này chắc chắn bạn sẽ không thể hiểu được nội dung tác phẩm. Còn phần “chú giải”, nếu bị cắt bỏ sẽ rất khó có thể hiểu hết những điển tích, điển cố, từ nhiều nghĩa... trong tác phẩm” - anh Phan Mạnh Hà cho biết.
Thêm vào đó, những cuốn sách kinh điển xưa thường được dịch và biên tập rất kỹ, sau đó được in ra bản bông để soát lỗi, cuối cùng mới được in chính thức. Mỗi cuốn sách được phát hành đều kèm theo đó là tờ “đính chính” đằng sau mỗi cuốn. Còn những sách mới hiện nay thì không được rà soát lỗi kỹ càng như vậy.
Khơi dậy văn hóa đọc trong giới trẻ
Theo quan sát của phóng viên Người Hà Nội tại Phiên chợ sách xưa vừa được tổ chức tại Hà Nội, có đến 70% lượng độc giả đến chợ sách là giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Lý do khiến Phiên chợ sách xưa hấp dẫn độc giả trẻ là bởi các loại sách được bán rất phong phú và giá cả hợp lý. Thậm chí có những cuốn sách hiện nay đã ngừng xuất bản, ngay cả trong thư viện cũng không có thì đến với phiên chợ sách xưa, rất có thể chúng ta sẽ bắt gặp. Do đó, phiên chợ sách xưa được mở không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê của người yêu sách, còn tạo dựng ý thức quý trọng giá trị văn hóa của những giai đoạn lịch sử đã đi qua mà còn khơi dậy văn hóa đọc sách trong giới trẻ.
Bạn Hương Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Học khoa tiếng Pháp nên hôm nay mình đến đây chủ yếu tìm các cuốn sách ngoại văn tiếng Pháp. Những cuốn sách này trên thị trường thường có giá rất đắt và số lượng cũng không nhiều.
Hiện nay, để các sách cũ, sách xưa hay có thể đến gần hơn với những người yêu sách và giới trẻ, nhiều diễn đàn trao đổi sách cũ đã bắt đầu xuất hiện, thu hút hàng trăm thành viên tham gia như diễn đàn Sách xưa, Sách cũ xưa nay, Sách cũ Hà thành... Những cuốn sách cũ khi được các chủ hàng đăng tải lên mạng xã hội đều nhận được hàng nghìn lượt like và những cuộc mua bán, trao đổi diễn ra sôi nổi. Những buổi gặp mặt giữa người yêu sách được các “cửa hàng sách” online tổ chức luôn thu hút nhiều bạn đọc tham dự, cùng trò chuyện, chia sẻ những cuốn sách mình đang sở hữu để cùng đọc, bổ sung thêm nguồn kiến thức, đồng thời lan rộng văn hóa đọc trong cộng đồng giới trẻ.
Qua năm tháng, sức hút của sách cũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp hiếm có của văn hóa đọc. Cũng chính vì thế, dù xu hướng đọc có phát triển đến đâu thì những cuốn sách cũ vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả.