Sân khấu kịch nói Việt Nam: Chuyên nghiệp để tạo đột phá

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 20:02, 26/10/2021

Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) đang diễn ra không chỉ là dịp để ôn lại những trang sử vàng của loại hình nghệ thuật này, mà còn là sự thôi thúc người hoạt động sân khấu tìm hướng vực dậy nền kịch nói nước nhà, nhất là sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Tạo nên những tác phẩm gắn với đời sống mới thông qua hoạt động chuyên nghiệp chắc chắn sẽ đem lại sự đột phá cho sân khấu kịch nói Việt Nam.
Sân khấu kịch nói Việt Nam: Chuyên nghiệp để tạo đột phá
Một cảnh trong vở diễn “Hà thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội thực hiện trên sân khấu quay hiện đại.

“Người đối thoại” của thời đại mới

Là loại hình nghệ thuật vừa mang tính hàn lâm, vừa quen thuộc, gần gũi với đông đảo khán giả, 100 năm qua, kịch nói Việt Nam đã trở thành món ăn tinh thần lành mạnh, góp phần định hướng thẩm mỹ công chúng, cổ vũ nhân dân thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định, kịch nói là “người đối thoại” thân thiết và đáng tin cậy của công chúng Việt Nam, bởi khả năng phản ánh sắc bén, nhanh nhạy đời sống đương đại. Sau một thế kỷ, “người đối thoại” đã có những bước phát triển, thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với thị hiếu khán giả.

Vở diễn “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long công diễn lần đầu vào tháng 10-1921 là tác phẩm đánh dấu sự hình thành sân khấu kịch nói Việt Nam, so với bản dựng sau một thế kỷ vừa diễn vào tối 21-10, chắc chắn có nhiều khác biệt. Vẫn đề cập đến câu chuyện về một gia đình tư sản thành thị, phê phán lối sống ăn chơi hưởng lạc, bỏ quên trách nhiệm, song Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Bùi Như Lai cho biết, đã dựng vở kịch mang tư duy của hôm nay, cho thấy câu chuyện xưa vẫn nguyên tính thời sự. Khán giả đã được thưởng thức vở kịch với tiết tấu nhanh, xung đột kịch rõ ràng hơn…

Những vở kịch nói thành công gần đây của Nhà hát Kịch Việt Nam, như: “Bão tố Trường Sơn”, “Điều còn lại”, “Người tốt nhà số 5”… đều mang nét tươi mới của đời sống hôm nay với lời thoại gần gũi, hiện đại, lối diễn tự nhiên, dễ đi vào lòng người. Trong khi đó, Nhà hát Kịch Hà Nội đầu tư sân khấu quay hiện đại, linh hoạt và hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp. Những vở diễn như: “Hà thành chính khí”, “Trương Chi - Mị Nương”… thực hiện trên sân khấu quay đã đem lại nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho người xem. Còn mỗi khi đến với Nhà hát Tuổi trẻ, khán giả không chỉ được thưởng thức các vở kịch được dàn dựng trên sân khấu với màn hình sống động, đa chiều mà còn hòa mình vào không gian kịch ngay ở sảnh nhà hát, tương tác với các nhân vật trong vở diễn.  

Về phía sân khấu xã hội hóa, nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khán giả, các vở kịch nói của Sân khấu Lệ Ngọc, như: “Tấm Cám”, “Dế Mèn”, “Thị Nở - Chí Phèo”… luôn “cháy vé”. Trong thời gian dừng biểu diễn do dịch Covid-19, Sân khấu Lệ Ngọc đã tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến để duy trì tình yêu sân khấu cho khán giả. Với Sân khấu LucTeam, các vở diễn: “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”… đã tạo ấn tượng và hình thành con đường kịch nói mới dành cho công chúng Việt Nam...

Sân khấu kịch nói Việt Nam: Chuyên nghiệp để tạo đột phá
Các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực kịch nói tại Lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021).

Gắn với thời cuộc

Dù nỗ lực đổi mới, nhưng nhìn chung những năm gần đây, sân khấu kịch nói chưa đông khán giả. Bên cạnh sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật, phương tiện giải trí hiện đại, theo chị Trần Minh Thùy (phường Láng Hạ, quận Đống Đa), nguyên nhân là sân khấu kịch còn chưa đề cập nhiều đến những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm, hoặc phản ánh chưa sâu sắc, thiếu hấp dẫn. Cùng với đó, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc phục hồi sức sống của kịch nói đang là thách thức với người làm nghề.

Để tồn tại và phát triển trong đời sống hiện nay, theo Nghệ sĩ ưu tú Phạm Đỗ Kỷ, sân khấu kịch nói phải hoạt động chuyên nghiệp hơn. Mọi khâu từ chọn vấn đề, xây dựng kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng… phải được đầu tư có chiều sâu, có đột phá. Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, sân khấu kịch nói cần thử nghiệm nhiều hình thức, phương pháp thể hiện mới mẻ. Ý tưởng mới có thể đến qua việc tổ chức các cuộc thi sáng tác sân khấu kịch nói thử nghiệm; giao lưu, hợp tác quốc tế…

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, muốn duy trì sân khấu kịch nói phải tìm kiếm, tạo nguồn và đào tạo thế hệ khán giả tiềm năng bằng cách phối hợp với nhà trường, đưa các em đến sân khấu kịch và ngược lại. Bên cạnh sân khấu cố định, các nhà hát nên tạo dựng những địa điểm biểu diễn linh hoạt tại khu vực đông dân cư, đông du khách để thu hút khán giả.

Ở góc độ người biểu diễn, nghệ sĩ trẻ Quang Minh (Minh Tít) nhận định: “Sân khấu kịch nói có sức hút bởi khán giả được gặp gỡ trực tiếp nhân vật, tương tác trực tiếp với câu chuyện kịch. Thời gian qua, một số vở diễn được giới thiệu bằng hình thức trực tuyến đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Các đơn vị nghệ thuật nên chú trọng hơn khâu quảng bá, giới thiệu tác phẩm kịch nói đến nhiều đối tượng khác nhau”.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và có chính sách phù hợp để đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ sân khấu kịch nói phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Do đó, giới hoạt động sân khấu kịch nói cần giữ nhiệt huyết, phát huy sáng tạo, xây dựng những tác phẩm ý nghĩa, giá trị, phản ánh yếu tố mới trong hiện thực cuộc sống hôm nay, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

HNM