Hùng Vương là một thời đại có thật

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:56, 17/05/2017

Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành Quốc lễ, và xung quanh truyền thuyết về vua Hùng cũng có vô vàn những điều kỳ thú. Báo Người Hà Nội có dịp trao đổi với ông Bùi Thiết, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sử học dân tộc xung quanh những vấn đề về truyền thuyết của Vua Hùng về vấn đề này.
Hùng Vương là một thời đại có thật
Ông Bùi Thiết

PV:
Thưa ông, Vua Hùng là có thật hay chỉ là truyền thuyết ?

Ông Bùi Thiết: Đây là một câu hỏi lý thú, được đặt ra từ rất lâu trong các thế hệ người Việt, không chỉ là nỗi trăn trở của giới thức giả, vua chúa và của những người từng là đại biểu cho tâm hồn dân tộc, mà của bàn dân thiên hạ, những nông phu lam lũ trên ruộng đồng và những người vất vả kiếm sống tận rừng sâu núi thẳm.

Câu trả lời, theo tôi là có thật song lại là truyền thuyết.

Hùng Vương là lịch sử có thật.

Có thật là ở chỗ, vào thời gian tương ứng với Hùng Vương, từ năm 686 đến năm 258 trước CN, trên lãnh thổ nước ta, mà trung tâm là đất tỉnh Phú Thọ ngày nay và nói rộng ra là cả trung du và đồng bằng Bắc Bộ, từng tồn tại một cộng đồng dân cư, với nghề nông và chăn nuôi phát triển, đã phát minh và hoàn thiện công nghệ luyện đúc đồng, tạo nên biểu trưng trống đồng Việt cổ oai phong và linh thiêng. Mở các thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam, thấy có những ghi chép về thời đại Hùng Vương này. Chẳng hạn sách “Việt sử lược”, biên soạn vào cuối thế kỷ XIV (1372) viết: “Đến đời Trang vương nhà Chu (696-682 Tr. CN)), ở bộ lạc Gia Ninh (nay thuộc đất tỉnh Phú Thọ), có người lạ, dùng ảo thuật áp đặt được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, tên hiệu nước là Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dung lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”. Các bộ sử của nước ta thời Trung đại, như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (bản in năm 1697) và sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (biên soạn từ năm 1856 - 1881 và in năm 1884), đều bỏ qua thông tin trên (bởi vì sách “Việt sử lược” bị quân xâm lược nhà Minh cướp đưa sang Trung Quốc đầu thế kỷ XV, sau đó đưa vào “Tứ khố toàn thư”, rồi được đưa về Việt Nam khoảng những năm 20 của thế kỷ XX) và buộc phải dựa vào truyền thuyết và đẩy niên đại của Hùng Vương kéo dài đến 2622 năm, kể từ năm 2879 đến năm 258 Tr.CN.  Trước đó, các thư tịch của Trung Quốc, thừa nhận sự tồn tại của một cộng đồng dân cư phát triển và tổ chức nhà nước của họ trong vùng lưu vực sông Hồng. Chẳng hạn phần “Địa lý chí” (4) trong sách “Cựu Đường thư” của Lưu Hú viết những năm 924-956, mục “An Nam đô hộ phủ”, viết về huyện Bình Đạo: “Huyện Bình Đạo đến đời Hán là huyện Phong Khê, sau nhà Nam Tề đặt huyện Xương Quốc. “Nam Việt chí” nói đất Giao Chỉ rất màu mỡ, ngày xưa có Quân trưởng gọi là Hùng Vương, giúp việc là Hùng Hầu. Về sau Thục Vương đem ba vạn quân đánh tiêu diệt Hùng Vương”(sách “Nam Việt chí” của Thẩm Hoài Viễn viết vào những năm 453-456 được dẫn ở trên). Như vậy, Hùng Vương được chính sử ghi chép, tính đến nay đã gần 2.000 năm là việc có thật, không thể bị hoài nghi, hoặc một sự phủ định một cách hoàn toàn. Tin rằng những bậc thức giả, khi hạ bút để có hai chữ Hùng Vương, không bao giờ muốn làm trò cười cho hậu thế! Tuy nhiên bởi những ghi chép quá đơn sơ và thiếu thông tin về Hùng Vương như thế, buộc hậu thế phải xem xét lại cũng là thường tình. Vấn đề không phải là phủ nhận Hùng Vương, mà hậu thế bằng các phương tiện hiện đại của mình, khám phá, bổ sung làm đầy thêm nhiều thông tin cho Hùng Vương, để Hùng Vương xứng đáng là một cấu thành lịch sử chân chính với đúng nghĩa của nó.

Cùng với chính sử, các nguồn tài liệu khác, như tài liệu khảo cổ học, tài liệu dân tộc học, tài liệu văn học dân gian, tài liệu diễn xướng dân gian, các thông tin về cổ địa lý - lịch sử học…đã dược phát hiện, thu thập xử lý và khai thác trong vòng nửa cuối thế kỷ XX, hết thảy đều đi đến kết quả nhằm làm sáng tỏ về một thời đại lịch sử có thật này. Hàng trăm các di tích khảo cổ học phân bố khá đều và rộng khắp Bắc Bộ, có niên đại thiên niên kỷ thứ II Tr. CN, hàng mấy trăm truyền thuyết về các vị thần thời Hùng Vương được người Việt phụng thờ, và rất nhiều những sự tích, giai thoại, những tập tục, hèm húy liên quan đến Hùng Vương là những bằng chứng sống, như là những giá trị di sản mà thời Hùng Vương truyền lại cho con cháu muôn đời.

Hùng Vương là một thời đại có thật
Giỗ tổ Hùng Vương

PV:Nhưng Hùng Vương mãi mãi vẫn là truyền thuyết, thưa ông?

Ông Bùi Thiết: Ở đây nên làm sáng tỏ cái gọi là truyền thuyết. Lâu nay có nhiều người hiểu sai nghĩa của  truyền thuyết, và đối lập truyền thuyết với lịch sử, cho rằng cái gì không có, không tin…là truyền thuyết và cái gì có thật là lịch sử. Lịch sử  là cái tồn tại vĩnh hằng, không có thể biến lịch sử thành truyền thuyết (tức là cái không có, mà nhiều người cho là truyền thuyết). Nhưng lịch sử có được phản ánh đúng như nó tồn tại hay không bằng các phương pháp của sử học, hay bằng chuyện kể truyền miệng của người đời? Đó là hai phương pháp ghi chép và truyền bá lịch sử. Và như vậy, những thời đại lịch sử có thể được ghi chép đầy đủ và cũng có những thời đại lịch sử chỉ được lưu truyền bởi truyền thuyết.

Thời đại Hùng Vương là thời đại lịch sử có thật, nhưng bởi những hạn chế của lịch sử, mà đến nay chúng ta không tiếp cận được, chẳng hạn như chữ viết và sử thư của chính Hùng Vương để lại, trong khi đó có quá nhiều truyền thuyết dân gian lưu hành tại các làng xã, lại cung cấp quá nhiều mảng lịch sử của thời đại này, có thể cho phép phục dựng lại về một thời đại Hùng Vương  có thật.

Thời đại Hùng Vương nếu chỉ dựa vào bấy nhiêu ghi chép của sử học, thì vẫn còn le lói, thân thế tầm vóc của các Hùng Vương là như thế nào? Con cái gia thuộc, vương triều, các cận thần, thể chế, luật lệ…của Hùng Vương cho đến nay và mãi mãi về sau vẫn là những bí ẩn không bao giờ có thể được làm sáng tỏ. Gần đây có tin là người ta đã tìm được chiếc răng của một vị Hùng Vương nào đó. Hãy bỏ ngoài tai sự ly kỳ này, vì có đâu mộ của Hùng Vương, cho dù là một chỉ định bâng quơ kiểu mấy ông ngoại cảm chẳng hạn, thì làm sao gọi đó là răng của Hùng Vương được! Đó là răng của một cá thể người (nam) sống vào thời Hùng Vương mà thôi!

PV:Ý kiến của ông về giá trị biểu trưng tâm linh Hùng Vương và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc?

Ông Bùi Thiết: Sự tôn thờ Hùng Vương, trên thực tế cho đến đầu thế kỷ XX (trước hội lễ Đền Hùng được tổ chức trong phạm vi toàn quốc năm 1941), hết thảy đều do từng địa phương đảm nhận. Vùng Hy Cương (Lâm Thao, Phú Thọ cũ) là nơi thờ Hùng Vương, mà hội lễ hàng năm chỉ giới hạn trong phạm vi Hàng Tổng mà thôi. Khi dân tộc ý thức được gốc tổ Hùng Vương, thì hội lễ Hùng Vương như là một đột phá tìm về cội nguồn dân tộc, để khẳng định dân tộc mình là ai và có tự bao giờ?

Nước ta nằm vào một vùng địa lý nhạy cảm, cho nên từ khi có con người sinh sống là bắt đầu một cuộc bám trụ với hai nhiệm vụ nặng nề là dựng nước và giữ nước phải được tiến hành song song với nhau.. Với tinh thần đó mà Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, như là lời nhắc nhở linh thiêng của tổ tiên vận vào ngôn từ của Người để truyền lại cho con cháu. Và đó cũng là mệnh lệnh giữ nước – cứu nước trước những âm mưu và hành vi của các thế lực ngoại xâm, rình rập một cách thường trực đối với vận mệnh dân tộc và Tổ quốc.

Biểu dương những giá trị truyền thống Hùng Vương cũng là nhằm khẳng định và củng cố truyền thống yêu nước chống ngoại xâm lâu đời và bền vững của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Có chiến thắng được kẻ thù, mới bảo vệ được Tổ quốc và dân tộc, và mới đền đáp một cách trung thành và xứng đáng với công lao dựng nước của các Vua Hùng!

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thiên Việt thực hiện