Cần chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Tin tức - Ngày đăng : 19:55, 27/10/2021
Hạn chế tình trạng bảo hiểm xã hội một lần
Theo báo cáo tóm tắt thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tổng số tiền nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng so với năm 2019; nợ lãi chậm đóng là 3.016 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng số nợ.
Về nội dung trên, đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc trích quỹ nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động giảm…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị cần phân tích các nguyên nhân để đưa ra giải pháp cụ thể, đồng bộ trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Về tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc chế độ được hưởng còn thấp, chỉ dừng lại ở hưu trí và tử tuất. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tiếp tục rà soát, sửa đổi những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan để khuyến khích người dân tham gia.
Nêu thực trạng có một bộ phận người dân muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) cho rằng, điều này sẽ tác động đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì thế, cơ quan chức năng xem xét có thể áp dụng linh hoạt thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và được hưởng quyền lợi của mình.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn mang tính ràng buộc nhằm hạn chế tình trạng người tham gia bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...
Tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế
Thảo luận về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách dành cho đầu tư y tế cơ sở, đặc biệt là các trung tâm y tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) cùng nhiều đại biểu khác kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với vùng dân tộc thiểu số, các xã miền núi cũng như các xã vừa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đối tượng người nghèo vẫn còn nhiều nên không thể tự bỏ tiền mua bảo hiểm y tế và điều này sẽ tác động đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân.
Đại biểu Lê Văn Dũng cũng đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các đối tượng trên đến hết năm 2021. Đồng thời, khi xây dựng chính sách bảo hiểm y tế cần quy định theo đối tượng hưởng, chứ không nên theo vùng hay khu vực vì sẽ thiệt thòi cho người nghèo.
Còn đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ và thực tế cho thấy, thời gian qua còn nhiều trường hợp lập khống hồ sơ để hưởng bảo hiểm y tế.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay chúng ta đang triển khai 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, trong đó Quỹ Bảo hiểm xã hội trở thành quỹ tài chính nhà nước, với kết dư năm sau cao hơn năm trước, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
“Chúng tôi cầu thị và lắng nghe ý kiến của các đại biểu cũng như các cơ quan liên quan để sớm đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm. Cùng với đó là phát triển hệ thống xã hội đa tầng, sửa đổi thời gian đóng mức bảo hiểm tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, phát triển nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở; tăng cường kết nối y tế cơ sở với tuyến trung ương. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong bảo hiểm y tế; đồng thời quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế một cách công khai, minh bạch.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 23 đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào 2 nội dung quan trọng trên. Trong đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, nhiệm vụ cũng như giải pháp trong thời gian tới.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, tiếp thu những nội dung mà cơ quan chủ trì thẩm tra nêu trong báo cáo và ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội để hoàn thành báo cáo, bảo đảm có chất lượng”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận.