Khoảng trời đầy đầy nắng
Truyện - Ngày đăng : 08:09, 24/05/2017
Thi đang ngồi lò dò tìm tin nhắn trên facebook. Mẹ ngó vào lắc đầu: - Suốt ngày chát chít, năm cuối rồi, liệu mà học tử tế, thi trượt có đám nào hỏi tôi gả chồng luôn đấy. - Mẹ!…
Minh họa của Vũ Khánh
Tiếng ấm ức vừa thốt lên đã rơi lịch bịch xuống cầu thang theo bước chân thoăn thoắt của mẹ. Nó bỏ lửng cái cái ý định thanh minh. Có nghĩa lý gì đâu, mẹ là vậy, quen rồi.
Với mẹ - một cô giáo dạy văn nghiêm khắc, miễn giải thích, chỉ có tự giác, nguyên tắc và nguyên tắc. Có lẽ vậy mà đằng sau cái vỏ bọc bề ngoài hiền lành, ít nói là một cái tôi luôn muốn nổi loạn, nó âm thầm làm ngược lại những gì mẹ cho là khuôn mẫu.
Hôm sau, vừa đi học thêm về tới cổng, thằng bé hàng xóm lao ra giữ xe Thi lại thì thầm:
- Chết chị nhé, phen nay no đòn rồi, cô chủ nhiệm của chị mới gọi không biết có chuyện gì mà trông bác có vẻ căng thẳng lắm.
- Chị mày lúc nào chả ngoan. - Nó nháy mắt, càu nhàu khó chịu nghĩ ngay tới ý tưởng điều khiển từ xa của mẹ.
Cất cặp sách xong quay ra đã thấy mẹ khoanh tay tựa cửa phòng ăn.
- Cô giáo gọi hỏi mẹ thưởng gì cho con gái chưa? Vòng thi tỉnh đợt rồi con được giải ba…
Nó suýt nữa thì nhảy lên vì bất ngờ, ai đời theo ban B mà cô chủ nhiệm lại xếp nó vào đội thi địa lý, từ chối mãi không được, tặc lưỡi... Vậy mà, chưa kịp tự hào dương oai với mẹ đã bị phủ đầu túi bụi:
- Biết ngay mà, chữ nghĩa cẩu thả như con làm sao đạt giải cao được. Con định thi sao không nhờ mẹ tư vấn, tìm tài liệu tham khảo ôn luyện. Chủ quan lắm! Chị lại chê bụt chùa nhà không thiêng chứ gì? Mà thi hôm nào, sao không bảo bố mẹ đưa đi? Chị cứ thích gì là bạt mạng làm, lại mang tiếng bố mẹ không quan tâm…
Nó tiu nghỉu, hóa ra cái điều mẹ không hài lòng lại là sợ “mang tiếng”, dù cố gắng tới đâu cũng chẳng bao giờ làm vừa ý mẹ, để nhận được lời khen là điều xa xỉ với nó. Nghĩ tới bữa cái Mai vênh mặt hứa với cả nhóm, nó chỉ cần phấn đấu lấy cái giải khúc khích thôi sẽ lĩnh ngay phần thưởng là chiếc xe đạp điện mới kính koong. Tự dưng Thi thấy tủi thân, nó chỉ ước nhận được một lời động viên, khen ngợi và cái ôm âu yếm nhẹ nhàng của mẹ để cái mũi hếch được phổng lên là hạnh phúc rồi.
Bố đón cái tin hót họt ấy bằng cách nhướn mày chiếu lệ:
- Ái chà, oách nhỉ, mà giải ba thôi à, cũng được. Con gái thích gì bố thưởng. Mà để tuần sau đi, tuần này bố bận công tác rồi!
Mẹ định nói gì đó nhưng khi nghe hai từ “công tác” thì ngồi phịch xuống ghế, rổ rau đang nhặt dở rơi vung vãi khắp bàn. Nó lủi nhanh về phòng.
***
Mẹ dạy học ở trung tâm thành phố. Bố là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Chẳng biết từ bao giờ nó lờ mờ biết lý do những chuyến công tác theo định kỳ năm nào cũng vậy của bố. Mỗi lần như thế mẹ lại nhớ nhớ quên quên một cách vô thức. Bệnh tim của mẹ không cho phép nó có thêm một đứa em. Bố là con một, mà nó không thể là con một…
Nó luôn cố gắng tự lập. Mẹ bao bọc, chăm lo cho nó từng li từng tí nhưng sâu thẳm mẹ cũng muốn nó tự lập. Có lẽ vậy nên mẹ luôn tỏ ra nghiêm khắc và tiết kiệm lời khen? Nhiều khi một đứa con gái mới lớn nhạy cảm như nó cũng có nhiều thắc mắc, tò mò về thế giới rộng lớn bên ngoài học đường. Cần lắm sự chỉ bảo, chia sẻ của mẹ. Là nó chỉ nghĩ vậy thôi, nói ra sợ làm mẹ buồn, lại lo nó không tập trung học hành, dự cảm mông lung về những cám dỗ không tên bên ngoài dễ làm nó sa ngã. Mà trái tim bệnh tật nhiều tổn thương của mẹ vốn đã rất yếu đuối rồi. Nó sợ, chỉ một cử chỉ, một hành động không bình thường của nó làm mẹ đau và trái tim mệt mỏi ấy sẽ ngừng đập. Chỉ mới nghĩ vậy thôi mọi ý định chưa kịp nói ra đã vội chôn chặt nơi cửa miệng, đóng đinh lên mái tóc tém lởm chởm bất cần của nó. Thắc mắc để rồi tự an ủi. Nó tự lo liệu được.
Nhà có ba người, ba thế giới khác nhau. Sau bữa ăn tập trung mỗi người quay về thế giới riêng của mình. Nó đóng kín phòng, vật lộn với đống sách vở chưa bao giờ có bài tập cuối. Nó học như điên, quay cuồng, học cho vui lòng bố, cho vừa ý mẹ: “Phải sáng danh để người ta không thể khinh mình phận gái”. Học tới lúc mệt quá thì lăn ra ngủ khỏi nghĩ ngợi lung tung. Mẹ miệt mài bên những trang giáo án hết năm này tới năm khác. Bố qua phòng khám, nhiều khi ngủ luôn bên ấy vì dãy danh sách bệnh nhân như đã lên lịch hẹn từ nghìn năm trước, lúc nào cũng bận rộn, mệt mỏi. Chẳng ai nỡ trách bố vô tâm…
Thỉnh thoảng có dịp giỗ tết hay cưới xin, cả nhà lại tíu tít lên xe về quê. Tụi lau chau lại xuýt xoa: “Như chị mà sướng, có một mình cái gì cũng có, chẳng phải chia sẻ cho ai…”. Ba người cô độc bỗng cười cười, nói nói giả lả đủ diễn cảnh một gia đình hạnh phúc.
***
Những ngày giáp tết, bố đi họp tổng kết mang về một mảnh giấy con con: Giấy chứng nhận gia đình văn hóa. Mẹ ngó qua rồi vội vàng quay đi, mặt đỏ lên như say nắng: “Ông muốn làm gì thì làm”. Bố cẩn thận đóng khung treo lên tường. Nó bâng quơ đứng ngắm cây cỏ trên ban công, nhìn mãi chẳng thấy gì, chỉ thấy hoa bay lên từ mắt…
Năm cuối cấp nó học có mục đích rõ ràng hơn cho giấc mơ riêng yêu thích. Nó chọn theo nghề của bố nhất định không thi sư phạm, mẹ buồn buồn chép miệng: “cái nghề bụi mà bạc” rồi bỏ vào phòng. Nó không muốn mẹ buồn. Chỉ là bao năm qua dù không thể là chiếc cầu nối hạnh phúc giữa bố và mẹ nên nó luôn đau đáu mong ước muốn trở thành bác sĩ để được chữa lành những vết thương. Đơn giản chỉ vậy thôi, biết nói sao để mẹ hiểu không phải nó đang đứng về phe bố cố tình khoét sâu thêm cô độc trong lòng mẹ…
Nó luôn mang cảm giác tội lỗi, vì sự hiện diện không như mong muốn của nó trên cuộc đời làm bao nhiêu người phải khổ. Từ sau cái lần nghe lén chuyện của bố và ông bà nội nó càng thương mẹ nhiều hơn. Nó hiểu tại sao mẹ luôn tiết kiệm lời khen và khắt khe với nó. Cái ý nghĩ sống phải khác mẹ, không cam chịu luôn cháy bỏng trong đầu. Nhưng thỉnh thoảng ý nghĩ táo tợn nào đó lại bị nhũn ra khi bất giác, nửa đêm mò xuống phòng khách nó bắt gặp mẹ đang ngồi bó gối lặng lẽ khóc. Quay lại phòng, những dãy số cứ xô nhau chạy lung tung mãi không tìm ra kết quả.
Người ta nói bố hay dành nhiều tình cảm cho con gái, vì con gái chính là người tình kiếp trước. Với nó hình như không phải vậy. Mặc dù so với mẹ bố rất hào phóng lời khen, lần nào đạt thành tích cao trong học tập bố đều mua tất cả những gì nó thích. Cái bổn phận và trách nhiệm của bố chỉ làm đầy thêm cuộc sống vật chất mà không thể lấp được nỗi trống trải cô độc trong lòng nó. Mười tám tuổi nó nỗ lực học tập lo những dự định của tương lai. Thảng hoặc giật mình, nó xa nhà rồi bố có đi “công tác” luôn không? Nếu chỉ còn lại một mình, mẹ sẽ làm gì trong ngôi nhà trống trải mênh mông ấy?
Kỳ thi tới gần, những dự cảm mơ hồ làm nó sợ khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc khi kết thúc môn thi cuối. Có thể nó chính là người cuối cùng ký vào bản thỏa hiệp, chia gia đình ba người rẽ về ba ngả. “Tháng sáu mùa thi”, tháng sáu nó tròn mười tám tuổi. Bố là con một, nhưng trong gia phả họ Dương, không ai chấp nhận một đứa con gái mười tám tuổi như nó làm con trưởng!
Sắp tới ngày nộp hồ sơ, nó bâng quơ. Mẹ nhẹ nhàng:
- Cứ chọn trường nào con thích. Tùy!
Bố thở dài nhát gừng nửa như khiêu khích, nửa như mỉa mai:
- Thi gì cũng cố mà học, không đỗ xin đi làm kiếm tiền luôn bố mẹ càng nhàn.
Mâu thuẫn cả với chính mình, hình ảnh mẹ lặng lẽ khóc một mình hằng đêm hiện về chồng chéo cả trong những giấc mơ. Nó muốn chọn trường gần nhà tiện qua lại gần mẹ dịp cuối tuần. Nhưng lại sợ cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt thường nhật bao năm nay mà mỗi người trong nhà đang cố tạo ra vỏ bọc cho hình ảnh một gia đình hạnh phúc. Phải làm gì để thay đổi? Lời bài hát vẳng lại từ nhà hàng xóm: “Nhưng thà đau đau một lần rồi thôi, còn hơn cứ đau một đời…”. Con không còn là đứa trẻ lên ba, con đã là đứa con gái gai góc mười tám tuổi. Mẹ hãy sống cho mình nhiều hơn. Mẹ nhé!
Cầm bộ hồ sơ đăng ký nguyện vọng bố mẹ giãy nẩy. Nó chọn một trường tít tắp tận đầu kia của Tổ quốc. Một bất ngờ chưa bao giờ nó nghĩ tới, bố mẹ chụm đầu bên chiếc laptop cùng dò dẫm, lật tung danh sách trường đào tạo tất cả nhóm ngành khối B. Sau mỗi lần như thế bố hoặc mẹ lại thay nhau quay ra phân tích, giảng giải từng li từng tí, khuyên nó phải như này, nên thế kia. Một sự quan tâm thật sự làm nó xúc động. Bố đóng cửa phòng khám, phụ việc nhà. Mẹ giúp nó trong việc tập trung ôn thi. Nó thấy mình được yêu chiều như hồi còn nhỏ dại. Có thể nó là đứa con gái tham lam, ích kỷ. Nếu nó đi thật xa thì sao? Bố có ở lại không? Nó sợ con tim mòn mỏi yếu đuối của mẹ sẽ không còn chịu đựng được khi chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà trống trải. Nhưng có khi bố ở lại cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ để hai bóng người lặng lẽ va vào nhau mỗi ngày…
***
Nó lặng lẽ mở bộ hồ sơ mới, đặt bút ghi lại dòng nguyện vọng. Một mong ước hiện hình. Cái mong ước nhỏ bé lởn vởn trong đầu, rồi lơ lửng bay mãi, bay mãi lên khoảng trời mênh mông đầy nắng.