Đào tạo trúng nhu cầu thực tế
Tin tức - Ngày đăng : 10:57, 24/05/2017
Các hoạt động trong khuôn khổ của Dự án “Hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” do KOICA, Hyundai Motor Company, Hyundai E&C và tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ, bước đầu đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên, từ đó phát huy tối đa nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hỗ trợ việc làm ngay sau đào tạo
Theo thống kê và công bố của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, cả nước hiện có khoảng trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Con số trên một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội nên khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Do đó, để rút ngắn khoảng cách giữa yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo về chất lượng đầu ra, hiện nay nhiều trường đã áp dụng những mô hình, dự án thực tế gắn với các doanh nghiệp nhằm tăng cường hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực đúng, trúng nhu cầu thực tế của xã hội.
Đáp ứng nhu cầu thiết thực đó, Dự án “Hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” do KOICA, Hyundai Motor Company, Hyundai E&C và Tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ, phối hợp thực hiện tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang mang đến cơ hợi nghề nghiệp cho hàng trăm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận môi trường học tập chuyên nghiệp. Đại diện phía nhà tài trợ dự án, bà Lê Quỳnh Lan – Quản lý Văn phòng Dự án vùng Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam cho hay, Dự án “Dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” được KOICA, Hyundai Motor Company, Hyundai E&C và Tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ với tổng giá trị gần 39 tỷ đồng, được thực hiện với mục tiêu nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thanh niên yếu thế. “Các em sẽ được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Dự án đặt mục tiêu 70% học viên tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định trong vòng 6 tháng và 70% học viên đóng góp thu nhập cho gia đình trong vòng 4 tháng sau tốt nghiệp…” - Bà Lan nhấn mạnh.
Theo đó, trong 3 năm (từ 7/2015 đến hết 5/2018), dự án sẽ hỗ trợ và nâng cấp cho 3 xưởng đào tạo nghề: xưởng nghề công nghệ ô tô, xưởng đường ống công nghệ, xưởng an toàn trong xây dựng và công nghiệp. Song song với đó, dự án cung cấp các trang thiết bị hiện đại đảm bảo mục tiêu các chương trình đào tạo các nghề công nghệ ô tô, lắp đặt ống công nghệ và hàn được hỗ trợ chỉnh sửa phù hợp với nhóm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có trình độ học vấn còn hạn chế. Ngoài ra, dự án còn mời các chuyên gia trong nước và quốc tế giúp nâng cao năng lực cho giảng viên thông qua các khóa đào tạo tập huấn. Đây cũng là lần đầu tiên, chương trình đào tạo An toàn lao động trên công trường và An toàn trong công nghiệp được đưa vào đào tạo chính thức.
Trao đổi với Người Hà Nội về dự án, Th.s Phạm Đức Vinh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2016 nhà trường đã vinh dự được Cục An toàn lao động cấp phép huấn luyện an toàn lao động và vệ sinh lao động theo quy định của Luật Lao động, góp phần giúp nhà trường thực hiện các chương trình học tập cho sinh viên tiếp cận dự án. Đây là bước tiến lớn giúp sinh viên của nhà trường đáp ứng tốt hơn với yêu cầu về nguồn lao động chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực an toàn lao động sau khi ra trường.
“Có thể nói, đây là dự án rất có nghĩa. Dự án ghi nhận cam kết về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn mà cụ thể là Hyundai Motor Company, Hyundai E&C trong phát triển xã hội tại Việt Nam. Theo đó, toàn bộ sinh viên, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ tiếp cận với các cơ hội việc làm ngay sau đào tạo, cũng như được sự giúp đỡ một phần tài chính để vượt qua các khó khăn trong quá trình hoàn thành các khóa học nghề. Ngoài ra, bên cạnh các kiến thức chuyên môn, các em còn được cung cấp kỹ năng mềm, kỹ năng sống, giúp các em nhanh thích ứng với môi trường lao động sau khi tốt nghiệp…” - Thầy Phạm Đức Vinh phấn khởi thông tin.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như tiếp cận môi trường làm việc thực tế cho sinh viên, vừa qua (18/5/2017) Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã phối hợp với phía Đan Mạch thực hiện Hội thảo Dự án Đào tạo và Giáo dục nghề Đan Mạch - Việt Nam. Trọng tâm của dự án này là góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách có liên quan đến những khoảng trống giữa các kỹ năng và năng lực thực tế của sinh viên học nghề và các kỹ năng, năng lực theo yêu cầu của doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được tập sự tại các đơn vị doanh nghiệp, từ đó tích lũy các kỹ năng thích hợp và kinh nghiệm làm việc thực tế như một phần của chương trình đào tạo nghề, nhằm thúc đẩy việc tiếp thu các kỹ năng thích hợp và chuyển đổi từ đào tạo sang thị trường lao động cho sinh viên.
Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội
đánh giá cao những chương trình của Dự án Đào tạo và Giáo dục nghề Đan Mạch - Việt Nam. Ảnh: Chung Đăng
đánh giá cao những chương trình của Dự án Đào tạo và Giáo dục nghề Đan Mạch - Việt Nam. Ảnh: Chung Đăng
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Cũng trong khuôn khổ của Dự án “Hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn”, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Trường Cao đẳng Xây dựng công trình Đô thị tổ chức Hội thảo “An toàn lao động tại công trình – nhu cầu và giải pháp” (ngày 18/5/2017). Đây là một trong những hoạt động thúc đẩy nhu cầu đào tạo An toàn lao động trên công trường thông qua hoạt động kết nối cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động, đóng góp vào việc đảm bảo an toàn lao động, phòng tránh tai nạn tại công trường.
Thầy Bùi Chính Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động tại công trường luôn là vấn đề ưu tiên của dự án. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ xây dựng xưởng đào tạo an toàn lao động trong công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội với trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo trên trải nghiệm. Các giáo viên được trực tiếp huấn luyện bởi các chuyên gia về an toàn lao động của tập đoàn Hyundai. Công nghệ theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc và có điều chỉnh phù hợp với luật Việt Nam về vệ sinh an toàn lao động.
Hội thảo: “An toàn lao động tại công trình – nhu cầu và giải pháp” không chỉ tập trung cập nhật cho khối doanh nghiệp về các quy định, luật mới về vệ sinh, an toàn lao động tại công trường mà còn ưu tiên tạo cơ hội để doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo cùng với cơ quan quản lý nhà nước có thể phối hợp hiệu quả trong công tác đào tạo an toàn lao động nhằm tăng tính cạnh tranh nghề nghiệp và đóng góp vào công tác an sinh xã hội…” - Thầy Bùi Chính Minh nhấn mạnh.
Có mặt tại Xưởng đào tạo An toàn lao động, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - một trong những nội dung thuộc Dự án Plan tài trợ, thầy giáo Dương Văn Khiêm – Giảng viên Khoa đào tạo nghề cho biết: “Với trang thiết bị hiện đại, môi trường thực hành chuyên nghiệp cùng đội ngũ giảng viên là các chuyên gia về an toàn lao động của tập đoàn Hyundai. Tiết học giáo dục về thực hành sức chịu đựng dây an toàn, mũ bảo vệ, an toàn lao động đã góp phần trang bị cho các học viên về ATLĐ, kiến thực thực tế khi ra các công trường như: xây dựng, cầu đường, điện... Đồng thời, sau môn học các học viên sẽ được cấp chứng chỉ An toàn lao động”.
Phía nhà tài trợ Hyundai E&C cũng cho hay, Công ty không ngừng tìm kiếm cơ hội đóng góp cho sự phát triển của xã hội cùng với sự phát triển của công ty. Nhờ nỗ lực không ngừng này, Dự án “Hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” sẽ được triển khai tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 đến 2018. Là trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đầu tiên, công ty phối hợp Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hiện dự án trong lĩnh vực an toàn xây dựng và công nghệ xây dựng mới. Hơn nữa Hyundai E&C sẽ nỗ lực hơn nữa để tạo ra một môi trường xã hội phát triển với sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Đào tạo và dạy nghề cho học sinh, sinh viên tạo việc làm cho họ theo mô hình kết nối cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã thực sự là một điển hình cần nhân rộng. Thông qua việc đào tạo, ngoài kỹ năng nghề nghiệp mô hình đã tạo cho sinh viên sự chủ động trong chuyên môn, nâng cao trình độ và ý thức lập nghiệp đúng đắn. Từ đó, giúp sinh viên đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa hội nhập hiện nay.