Chảy một dòng di sản

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:34, 12/08/2022

Là vùng đất cổ thuộc xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa, huyện Phúc Thọ có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là nguồn lực riêng có để Phúc Thọ gắn kết văn hóa với du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Chảy một dòng di sản

Tọa lạc trên một gò đất cao, đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang. Theo công chức văn hóa xã hội UBND xã Hát Môn Nguyễn Thị Mai, năm 2013, đền Hát Môn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và năm 2016, Lễ hội truyền thống đền Hát Môn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, đền Hát Môn là nơi thờ tự, nơi giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương và cũng là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.

Tính đến nay, Phúc Thọ có 105/201 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 45 di tích quốc gia, 57 di tích cấp thành phố. Nhiều di tích có hàng trăm năm và chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như: Di tích đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp; đình Tường Phiêu, xã Tích Giang; chùa Bà Tề, xã Hiệp Thuận… Đây là những di sản văn hóa đặc biệt quan trọng mang dấu ấn quê hương.

Phúc Thọ còn là một vùng đất giàu truyền thống khoa bảng. Thời kỳ mang địa danh Phúc Lộc có Thám hoa Giang Văn Minh; thời cận, hiện đại có nhiều người thành danh như: Dịch giả Nguyễn Đỗ Mục, danh họa Nguyễn Đỗ Cung… Phúc Thọ cũng có nhiều người con ưu tú là những chính trị gia, tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, thầy thuốc nổi tiếng như đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Hà Nội thời kỳ chống Pháp, đồng chí Lê Hiến Mai - một trong 9 người được phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết: Dòng chảy di sản văn hóa không chỉ mang giá trị tinh thần, giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ người dân nơi đây mà còn là nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội thông qua việc gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch. Huyện đã xây dựng dự thảo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phúc Thọ, giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các điểm du lịch - lập hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận “Điểm du lịch Hát Môn”, “Điểm du lịch Tích Giang”; “Điểm du lịch Hiệp Thuận”…

Xã Tích Giang có ngôi đình cổ Tường Phiêu, Bí thư Đảng ủy xã Tích Giang Cấn Văn Hồng cho biết: Xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trở thành vùng chuyên canh hoa tập trung, quy mô lớn để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa... Đây sẽ hướng đi được xã tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.

Đặc biệt, từ những giá trị truyền thống quê hương, Phúc Thọ đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ”. Thời điểm hiện tại, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức quán triệt tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp người dân, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, tạo nguồn sức mạnh tổng hợp đưa huyện phát triển bền vững, đúng định hướng.

Những giá trị lịch sử, văn hóa chính là nguồn lực nội sinh để Phúc Thọ xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh, văn minh, sớm trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến.

Hanoimoi