Canh nông Đà Lạt ngày ấy, bây giờ

Tin tức - Ngày đăng : 09:12, 30/05/2017

Tôi đặt vấn đề viết về nơi khởi thủy canh nông của Ðà Lạt với nhà “Ðà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh, ông gợi ý: “Anh tìm hiểu vùng đất Ðan Kia, nơi đó là đầu tiên đấy”. Ðến làng Ða Phú, phường 7, Ðà Lạt, lội xuống nhiều vườn rau, hoa chỉ gặp những sơn nữ rạng rỡ bên hoa. Theo nắng xéo lưng chừng thông, tôi gặp được một lão nông cao to đang miệt mài tuốt những hạt cà phê mọng đỏ. Nhân chứng hiếm hoi này có tên Nguyễn Ngọc, bảy mươi hai tuổi, sinh ra và lớn lên tại Ðan Kia. Ông là con của cụ Nguyễn Ðắc Cam - sinh
Hoa cúc tua xanh Thái Phiên nổi tiếng
Hoa cúc tua xanh Thái Phiên nổi tiếng
Đan Kia - khởi thủy canh nông
Tháng 6 năm 1893, bác sĩ, “nông học gia uyên bác” Alexandre Yersin thám hiểm ra cao nguyên LangBian và ý tưởng xây dựng vùng Đan Kia thành nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp. Đan Kia có độ cao 1.400m so với mực nước biển, cách Đà Lạt 13 km về phía bắc. Vùng đất này hình lòng chảo, có con suối chảy từ lòng núi LangBian về. Sương mù dày đặc, gió nhiều, nhiệt độ thấp. Năm 1898, trạm nông nghiệp được thành lập với những khu vườn rau cải do ông Missigbrod chịu trách nhiệm và kỹ sư M. Jacquet điều hành. 
Báo cáo ngày 15/12/1901 của kỹ sư A. D’André cho biết, trạm nông nghiệp rộng hơn 16,7 ha. Ở đây trồng thử nghiệm nhiều loại rau quả ôn đới như măng tây, cà tím, xà lách, xà lách xon (cresson), bắp cải (các giống đỏ, Cabus, Joanet, Milan, Bruxelles, Quintal), cải bông, su hào, dưa leo, dưa chuột, hành tây, củ cải, cà rốt, củ dền, đậu xanh, đậu Hà Lan, cần, ngò tây, cà chua, a-ti-sô,... Từ tháng 5 đến tháng 10, trạm xuất ra được mỗi tuần 2 lần khoảng 150 kg rau các loại. Ngoài ra, trạm còn trồng các loại cây ăn trái như pom, lê, đào, cam, chanh, ô-liu, nho, dâu tây,...; cây lương thực: bắp, lúa mì, đại mạch, yến mạch, khoai lang, khoai tây... và cây công nghiệp là chè. Về sau, đất Đan Kia còn trồng thử thêm các loại hoa như hồng, cúc, cúc tím, dong riềng, bóng nước (balsamine), sen cạn (capucine), cô-cơ-li-cô, thược dược, mõm sói, bất tử, forget-me-not (myosotis), phong lữ (géranium), móng rồng (phlox), hoa tím (violette), cúc lá nhám (zinnia), cúc trắng (marguerite), cẩm chướng, cẩm nhung, á phiện, tư tưởng (pensée)... Năm 1908, trạm nông nghiệp được dời về Đà Lạt…    
Rau lên vai ra phố từ 3 giờ sáng 
Ông Nguyễn Ngọc kể: Hồi đó, những người Việt làm công cho trạm rồi khai phá thêm một ít đất quanh vùng để trồng các loại rau vừa bán cho khách sạn, vừa bán tại chợ Đà Lạt. Thật đáng khâm phục lão nông này về trí nhớ vanh vách về những nông dân thế hệ đầu tiên làm nên nông sản Đà Lạt. Xin được liệt kê để hậu thế tri ân những người quá cố và bày tỏ lòng cảm phục “cuốn từ điển sống - Nguyễn Ngọc”. Đó là, cụ Nguyễn Đắc Cam (bố ông Ngọc), cụ Nguyễn Đăng Đinh (bố vợ ông Ngọc - bà Nguyễn Thị Diên năm nay 70 tuổi), cụ Nguyễn Lự (Chủ tịch Hội đồng hành chánh phường Đệ Lục, sau này gọi là “cây số sáu”). Đó là, các cụ Lê Văn Ngạc, Nguyễn Tiếp, Bùi Văn Khuông, Võ Tuần, Nguyễn Huyền, Trần Bang, Võ Tấn Điền, Hà Xuân Hạp, Ngô Văn Ưu, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Quyên, Lê Văn Lưu, Nguyễn Bạo, Nguyễn Thế Tăng, Nguyễn Ngọc Thái, Nguyễn Văn Đen, Phạm Thiện. Sau sự kiện đắp đập tạo hồ nước Đan Kia, hai ông Nguyễn Quyên và Lê Văn Lưu nhận đất Đa Phú nhưng thấy đất không tốt nên không ở, về Phước Thành. Còn lại 18 cụ bám trụ với canh nông Đa Phú đến hôm nay... Họ là những người quê từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đến vùng Đan Kia vào những năm 20-30 của thế kỷ XX. 
Ông Ngọc hồi tưởng: Khi còn ở Đan Kia, do ít tiền và nhân lực, ban đầu bà con chỉ khai phá mỗi hộ từ hơn một sào đến khoảng hai sào đất trồng rau. Đầu tiên chủ yếu trồng khoai môn. Tất cả đều bằng thủ công, dùng cuốc và nỉa làm đất, gánh nước từ suối lên tưới từng thùng. Dần dần, tích lũy được vốn tri thức và tài chính, diện tích trồng trọt tăng thêm. Các loại cây trồng phong phú dần về chủng loại: bắp sú, cà rốt, cải thảo, khoai tây, các loại đậu… Phân bón chủ yếu dùng phân chuồng và một ít phân cá của người Phan Thiết mang lên. Hằng đêm, trong cơn gió lạnh và sương giăng dày, dưới những ngôi nhà nhỏ, mái lợp tranh vách đất, vách phên, sau này là vách ván, nhà nông làm hàng để 3 giờ sáng khoảng 9-10 người gánh ra trung tâm phố bán đến 5 giờ. Rồi mua giống ở tiệm của người Đài Loan, người Hồng Kông và mua các loại thuốc trừ sâu mang về. “Ban đầu chỉ trồng môn là chính, già bán củ, non bán môn canh (dùng để nấu canh rất ngon-PV)”, ông Ngọc kể. 
Từ khoảnh đất nông nghiệp ban đầu ấy, ngành rau hoa Đà Lạt phát triển dần. Đó là ấp Tân Lạc, ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tĩnh, vùng Đa Thành, ấp Ánh Sáng, Vạn Thành, Đa Cát,…
Bây giờ làm vườn, không còn khổ nữa…
Năm 1947, dòng suối được đắp làm hồ chứa nước thủy điện, nông dân Đan Kia rời lòng chảo di cư về hướng nam và khai sinh làng Đa Phú bây giờ. Vốn là nhà nông, bà con Đan Kia quần cư dọc hai dòng suối nhỏ để canh tác cây trồng. Về sau, người từ nhiều tỉnh cũng về nơi này sản xuất nông nghiệp. Sau 56 năm, bây giờ cư dân Đa Phú có 207 hộ với hơn 850 nhân khẩu. Tổng diện tích gieo trồng 45 ha, trong đó 15 ha hoa đều canh tác trong nhà kính, còn lại là rau. Hoa có cát tường, cẩm chướng, cúc, địa lan, hồng môn…; rau có khoai tây, hành tây, dâu tây, sú, cải thảo, ớt tây... Chuyển mình theo sự phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bây giờ làm đất có máy, tưới nước bằng hệ thống nhỏ giọt và béc phun tự động… Xưa, nhà nông Đan Kia tự canh tác còn nay nhiều hộ Đa Phú thuê người nơi khác đến làm, thậm chí cho thuê lại đất như hộ tổ trưởng Nguyễn Nghiêu... Nông sản của Đa Phú hầu hết cung cấp cho các đầu mối mang đi thành phố Hồ Chí Minh thông qua xe công-tơ-nơ vào tận làng. Đa Phú còn có hộ sản xuất hợp đồng cho Công ty Agrivina - Dalat Hasfarm, một công ty hoa lớn nhất Đông Nam Á. Theo tổ trưởng làng Đa Phú Nguyễn Nghiêu, hiện, thu nhập bình quân đầu người Đa Phú hơn 1 triệu đồng/tháng. Có nhiều hộ rất khá giả từ làm nông như các ông Bùi Văn Vân, Bùi Văn Hiếu, Phạm Văn Tâm, Nguyễn Đắc Minh, các bà Phạm Thị Tính, Huỳnh Thị Xuân và cả hộ ông Nguyễn Ngọc…Bình quân thu nhập ở những hộ này hơn 2 triệu đồng/tháng/người. Làng Đa Phú 100% hộ đều làm nhà xây, trong đó cả chục nhà kiên cố lớn…
Với hộ ông Nguyễn Ngọc vẫn thủy chung trồng rau, không trồng hoa. Ông nói: “Bây giờ cơ giới hóa hết, kỹ thuật sản xuất không áp dụng theo lối xưa nữa, thay đổi liên tục à”. Nhận xét này cũng chung với vợ chồng người cao niên nhất ở Đa Phú - ông Võ Văn Huân, sinh năm 1925 và bà Trương Thị Mai, sinh năm 1931. Bà Mai cho biết: Ông bà không phải là cư dân gốc Đan Kia ra mà đến làng Đa Phú năm 1960. Thời gian đầu, ông bà chỉ làm thuê cho người Đan Kia, về sau mới có đất trồng lagim. “So với trước đây, bây giờ làm vườn không còn khổ nữa, toàn tự động mà. Đổi khác hết rồi”, bà Mai chia sẻ…
 Đất và người Đa Phú hôm nay
Đất và người Đa Phú hôm nay
Đà Lạt - trọng điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 
Sau 120 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt hôm nay đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Và đương nhiên, Đà Lạt là “thủ phủ” của hoa của tỉnh Lâm Đồng, góp phần lớn để tăng trưởng bình quân hàng năm ở Lâm Đồng khoảng trên 10% về diện tích và khoảng 15% về sản lượng. Đến cuối năm 2013, Đà Lạt có tổng diện tích rau là 1.950 ha và hoa là 1.650 ha. Tổng sản lượng của rau đạt 275.000 tấn/năm và của hoa đạt 1.040 tỷ cành/năm. 
Càng đặc biệt, sau 10 năm áp dụng sản xuất theo hướng kỹ thuật hiện đại, thành phố Đà Lạt hiện có 3.500 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cùng đó đã có 1.700 ha sản xuất trong nhà kính. Vào cuối tháng 3 năm 2013, sau khi thương hiệu rau và hoa Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp nhãn hiệu chứng nhận rau, hoa Đà Lạt cho 19 đơn vị sản xuất rau và 33 đơn vị sản xuất hoa ở Đà Lạt và vùng phụ cận. Thành phố Đà Lạt bước vào tuổi 120 không chỉ được biết đến là điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Việt Nam mà đang ghi dấu ấn đậm nét về vùng nông nghiệp hiện đại của đất nước.

baolamdong.vn