Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Sát tình hình địa phương

Tin tức - Ngày đăng : 21:26, 28/10/2021

Báo cáo chính trị trình Đại hội thực sự kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, phù hợp với định hướng của Trung ương và sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Sát tình hình địa phương
Thành phố Thái Nguyên


Báo cáo nêu rõ: “Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển giàu mạnh, đời sống của Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, sung túc, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm; đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, hiện đại không những chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn của Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Xây dựng tỉnh Thái Nguyên, Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn năm xưa trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta” đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên ngày 01/01/1964"

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm, Cơ cấu kinh tế năm 2020 là: Công nghiệp và xây dựng 59%, dịch vụ  31% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 10%, Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm, Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm.

Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có chuyển biến rõ rệt; số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, chủ động, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện kịp thời, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, chủ động không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cán bộ. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chính sách cán bộ được bảo đảm, thực hiện đầy đủ.

Công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm, đứng thứ tư cả nước về quy mô giá trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 4,5%/năm. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục đạt nhiều kết quả. Hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, với những giống mới có năng suất, chất lượng cao; trong đó, cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng thế mạnh, phát triển nhanh cả về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trở thành địa phương có diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật được quan tâm đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt 238 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển.

Tuy nhiên, Báo cáo chính trị của tỉnh cũng nhận định: Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu mạnh, giá trị gia tăng cao còn hạn chế. Các khu đô thị chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Một số khu, cụm công nghiệp triển khai còn chậm. Hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đời sống một bộ phận người dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy và tổ chức đảng còn hạn chế. Công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có mặt còn chưa đạt yêu cầu.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác tự kiểm tra, giám sát của một số tổ chức đảng còn hạn chế. Việc tiếp công dân ở một số đơn vị, địa phương tiến hành chưa thường xuyên; giải quyết khiếu nại, tố cáo có vụ việc còn chậm.

Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã và đang được đưa ra lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội, các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Báo cáo chính trị trình Đại hội thực sự kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, phù hợp với định hướng của Trung ương và sát với tình hình thực tiễn của địa phương. /.

Sơn Dương