Nếu luôn có những mùa quả chín...

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:04, 31/05/2017

Góp sức gây dựng phong trào viết cho thiếu nhi ngày một hiệu quả, thiết thực và lâu dài, không thể không nói tới sự đồng hành của các đơn vị xuất bản. Là một nhà xuất bản sách thiếu nhi hàng đầu của cả nước, 60 năm qua NXB Kim Đồng đã bắc biết bao nhịp cầu, đưa tác phẩm văn học đến với độc giả nhỏ tuổi. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957-17/6/2017), phóng viên báo Người Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với biên tập viên (BTV) Nguyễn Thúy Loan - Trưởng ban biên tập sách văn học,
Nếu luôn có những mùa quả chín...
Các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng đã phát hiện nhiều cây bút trẻ

PV: Là một biên tập viên mảng sách văn học của Nhà xuất bản Kim Đồng, chắc hẳn chị luôn dõi theo các tác giả và tác phẩm viết cho thiếu nhi. Từ góc nhìn của người làm xuất bản, chị đánh giá như thế nào về lực lượng sáng tác cho thiếu nhi hiện nay? Cảm nhận chung của chị về sáng tác của họ?

BTV Nguyễn Thúy Loan: Theo tôi, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi hiện tại không thực sự đông đảo nhưng rất đa dạng. Trải khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài, đều có tác giả viết cho thiếu nhi là cộng tác viên văn học của Nhà xuất bản Kim Đồng. Từ những nhà văn chuyên nghiệp đã có thành tựu sáng tác văn học tới các tác giả nghiệp dư; từ các bậc ông bà, cha mẹ, cô chú tới các bạn trẻ độ tuổi hai mươi, thậm chí có những tác giả thiếu nhi cũng có bản thảo gửi về Kim Đồng. Đọc sáng tác của họ, điểm nổi bật và dễ nhận thấy chính là nhiệt tình sáng tác, tấm lòng trìu mến dành cho bạn đọc tuổi thơ. Đây là điều rất đáng quý và Ban biên tập luôn trân trọng. Tuy nhiên, đã rất nhiều năm qua, Nhà xuất bản Kim Đồng hoạt động hạch toán kinh doanh độc lập, vì vậy các biên tập viên của nhà xuất bản phải làm việc chuyên tâm, có nhãn quan đa chiều. Ngoài nhiệt tình và tấm lòng, để đạt yêu cầu có thể được xuất bản, sáng tác cho thiếu nhi cần có sự truyền cảm, người viết phải hiểu tâm lý trẻ thơ và có khả năng sáng tạo thật sự. Không nhất thiết phải là những câu chuyện rao giảng bài học đạo đức hoặc những triết lý cao siêu, tác phẩm hay viết cho thiếu nhi dù là truyện đồng thoại, truyện sinh hoạt hay truyện giả tưởng đều rất cần sự chân thành, cảm xúc và nhân văn. Xin chia sẻ thật lòng là những sáng tác mới và hay như vậy hiện tại chưa có nhiều như chúng tôi kỳ vọng.

PV: Để có được tác phẩm văn học viết cho thiếu thi hấp dẫn, việc tìm kiếm bản thảo, kết nối với tác giả không phải là một việc dễ. NXB Kim Đồng đã nỗ lực như thế nào để trở thành cầu nối đưa tác phẩm đến với độc giả?

BTV Nguyễn Thúy Loan: Chúng tôi thường xuyên đọc các sáng tác mới viết cho thiếu nhi trên báo, tạp chí, mạng tin tức…Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến của một số nhà phê bình, chuyên gia xuất bản tâm huyết với văn học thiếu nhi để cập nhật thông tin về tác giả, tác phẩm. Vốn đã có truyền thống và được gây dựng từ trước, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi thường xuyên được thực hiện định kỳ. Gần đây, những cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng với Dự án văn học Việt Nam – Đan Mạch đã phát hiện ra một số cây bút giàu tiềm năng viết cho thiếu nhi như: Nguyên Hương, Nguyễn Thị Bích Nga, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Lục Mạnh Cường, Trương Tiếp Trương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phùng Thị Ngọc Linh… Cùng với việc đọc thẩm định kỹ lưỡng theo quy trình khoa học đối với các tác phẩm của các tác giả chủ động gửi tới, Nhà xuất bản chủ động mời các tác giả, cây bút có năng lực sáng tác cho thiếu nhi; Mở rộng đề tài, ủng hộ đa dạng phong cách, thể loại, khuyến khích các tác giả có những tìm tòi, sáng tạo… Từ khâu tổ chức, biên tập đến lúc triển khai kỹ mỹ thuật, in ấn cũng được quan tâm và đầu tư để khi hoàn thiện và phát hành, cuốn sách đến tay bạn đọc có được nội dung và hình thức đẹp. Có thể nói, Nhà xuất bản Kim Đồng không chỉ là cầu nối mà còn là người bạn đồng hành, tri âm của các tác giả và bạn đọc. 

PV: Được biết nhiều năm qua, cùng với việc tái bản các đầu sách văn học nổi tiếng, Nhà xuất bản Kim Đồng còn liên tục giới thiệu tới độc giả các sáng tác mới của các cây bút viết cho thiếu nhi, nhất là các cây bút trẻ. Đây có phải là sự tiếp sức dài hơi của Kim Đồng đối với mảng sách văn học viết cho thiếu nhi?

BTV Nguyễn Thúy Loan: Tái bản, giới thiệu hình thức mới những tác phẩm nổi tiếng có giá trị nhân văn, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến như “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Quê nội” (Võ Quảng), “Chuyện hoa chuyện quả” (Phạm Hổ)  “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Lớp học của anh Bồ Câu Trắng” (Thy Ngọc), “Kính vạn hoa” (Nguyễn Nhật Ánh), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa)…“Những truyện hay viết cho thiếu nhi”… của các tác giả Nguyễn Kiên, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Quỳnh, Ma Văn Kháng, Trần Hoài Dương, Trần Đức Tiến … không chỉ là công việc mà còn là niềm vinh hạnh của các tác giả, gia đình các tác giả, của những người làm sách và Nhà xuất bản Kim Đồng. Giống như ai đó ươm trồng cây trái, nếu luôn có những mùa quả chín, dư vị rất ngọt ngào ấm áp. Nhưng xã hội luôn vận động, thị hiếu, nhu cầu và sự phát triển của văn học là dòng chảy không ngưng nghỉ, vì thế, thường xuyên giới thiệu những sáng tác mới của những cây bút trẻ là việc cần làm. Công việc này cũng giúp cho những tài năng trẻ và tác phẩm của họ đến được với bạn đọc và làm phong phú hơn các tựa sách văn học viết cho thiếu nhi. “John đi tìm Hùng” của tác giả trẻ người Mỹ gốc Việt Trần Hùng John, hoặc bộ sách “Viết cho những điều bé nhỏ”…  gần đây được bạn đọc ủng hộ là những tác phẩm tiếp nối như thế.

PV: Nhà xuất bản Kim Đồng sắp kỷ niệm 60 năm thành lập, chị có thể chia sẻ  với độc giả một số thông tin về những tựa sách văn học thiếu nhi được giới thiệu trong dịp này?

BTV Nguyễn Thúy Loan: 60 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng là cột mốc ghi dấu của một đơn vị xuất bản tại Việt Nam, là dịp tri ân bạn đọc nhiều thế hệ. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ấn hành loạt sách kỷ niệm trong đó có những cuốn sách văn học thiếu nhi đã gắn bó với bạn đọc, được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau với “những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ”. Ngoài các tác phẩm của các tác giả nổi tiếng Việt Nam như: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Trần Đăng Khoa... bạn đọc sẽ có thêm những món quà thú vị và bất ngờ. Đó là những tác phẩm đặc sắc viết cho thiếu nhi ngay từ những năm đầu thành lập Nhà xuất bản, của những cây bút tài danh trong văn đàn Việt Nam như: Nguyễn Tuân với “Chuyện một chiếc thuyền đất”, Kim Lân với “Anh chàng hiệp sĩ gỗ”, Nguyễn Đình Thi với “Cái tết của Mèo Con”. Một tác phẩm ca ngợi tình bạn đẹp đẽ của thiếu nhi vùng cao, tình bạn trong sáng xóa đi niềm hận thù lâu đời giữa các tộc người – “Hai làng Tà Pình và Động Hía” của nhà văn – liệt sĩ Bắc Thôn.  Bộ 4 tác phẩm kinh điển nổi tiếng thế giới: “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino”, “Những cuộc phiêu lưu của nam tước Munchausen”, “Robin Hood – Hiệp sĩ rừng xanh”, “Hiệp sĩ Don Quixote” được các họa sĩ Việt Nam vẽ minh họa màu, sách khổ lớn rất đẹp. Cùng với các cuốn sách văn học ghi dấu kỷ niệm, còn có những “bí mật” lần đầu được “khai mở”. Ví dụ, với hai cuốn “Hiệp sĩ Don Quixote” và “Robin Hood- Hiệp sĩ rừng xanh”, được phỏng dịch và xuất bản từ năm 1957 do nhà văn Võ Quảng dịch với bút danh Hoàng Đình Huy và không phải là ai cũng biết, với bản dịch của mình, nhà văn Võ Quảng chính là người đầu tiên giới thiệu Don Quixote đến bạn đọc Việt Nam…

Cũng nhân cuộc trao đổi này, chúng tôi xin cảm ơn báo Người Hà Nội, bạn đọc xa gần đã quan tâm, ủng hộ sách Kim Đồng. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm và những ý kiến đóng góp quý báu để công việc xuất bản sách cho thiếu nhi nói chung và sách văn học nói riêng của Nhà xuất bản Kim Đồng đáp ứng được kỳ vọng của độc giả.

Xin chân thành cảm ơn chị!

Đặng Thủy (thực hiện)