Bà mẹ, trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe hiệu quả

Tin tức - Ngày đăng : 10:39, 31/05/2017

Tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm tới 70% trẻ em dưới 1 tuổi và tốc độ giảm được đánh giá chậm; gánh nặng kép về dinh dưỡng như suy dinh dưỡng trẻ em đặc biệt thể thấp còi, tình trạng thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng; sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em và dự phòng HIV còn hạn chế… Đấy là những hạn chế về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em vẫn tồn tại trong thời gian qua.
Bằng việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2010 – 2015, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thông qua hàng loạt các biện pháp can thiệp và dự phòng hiệu quả. Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em khá tốt so với nhiều quốc gia có thu nhập bình quân tương tự. So với năm 1990, năm 2014, tỉ lệ tử vong mẹ ở nước ta đã giảm 3 lần từ 223/100.000 trẻ đẻ sống còn 60/100.000 trẻ đẻ sống; tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm 3 lần từ 44,4‰ còn 14,0‰; tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa từ 58‰ xuống còn 22,4‰.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn đó những hạn chế như: tỉ lệ tử vong sơ sinh vẫn còn cao; tỉ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục - HIV còn cao và ung thư đường sinh sản có xu hướng gia tăng... Trong khi đó, nhân lực bác sĩ sản, nhi thiếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt ở tuyến tỉnh, chỉ đạt 0,33 bác sĩ sản và 0,2 bác sĩ nhi/10.000 dân. Thách thức này đã dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.

Cùng với đó, theo Ths. Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhiều đơn vị xây dựng mục tiêu xa rời thực tế. Một tỉnh tại khu vực miền núi lập kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong năm năm tới với các chỉ tiêu như tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong chiếm 2,5‰, tỉ lệ trẻ em tử vong dưới một tuổi 3,5‰, dưới năm tuổi là 5,5‰. Những số liệu này chắc chắn không khả thi. Bởi con số đưa ra còn thấp hơn cả các nước phát triển trên thế giới như Singapore, Nhật Bản… 

Trước những tồn tại trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thời gian qua, vừa qua, tại hội thảo  “Phổ biến kế hoạch hành động quốc gia và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em” do Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật của EU cho ngành y tế (EU-HF), Bộ Y tế tổ chức, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã phổ biến kế hoạch và hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn tới, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục, toàn diện theo vòng đời; ưu tiên các can thiệp giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, củng cố mạng lưới cấp cứu và điều trị sản khoa, nhi khoa.

Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 cũng tập trung làm giảm sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng ưu tiên; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ em trọn gói, thiết yếu và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng tuyến. Bộ Y tế cũng hướng tới nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các cấp theo hướng chuyên môn hóa, thu hút cán bộ y tế chuyên ngành sản - nhi làm việc lâu dài tại miền núi và vùng khó khăn.

Hà Thanh