Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
Tin tức - Ngày đăng : 10:48, 31/05/2017
Nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện mở rộng kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng. Quá trình đó đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ mặt trái của quá trình trên cũng dần lộ rõ trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là lối sống, đạo đức. Thực tế cho thấy tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội nói chung, đạo đức trong các nghề nghiệp nói riêng đang có
Là lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân lực thường xuyên phải đối mặt, tiếp xúc và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn, các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này đòi hỏi họ không chỉ phải vững vàng bản lĩnh chính trị, am tường pháp luật, tinh thông nghiệp vụ mà còn phải rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức.
Thêm nữa, là lực lượng xung kích nòng cốt trong đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn, các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cũng trở thành mục tiêu tấn công của những tiêu cực xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Sự tác động mang tính chất hai chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực, khiến cho đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ Công an cũng có những sắc thái biểu hiện khác nhau.
Về mặt tích cực, những tiến bộ về đạo đức của cán bộ, chiến sĩ công an thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, đại đa số cán bộ, chiến sĩ công an luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân đã trở thành bản chất của lực lượng Công an nhân dân, là lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an; thành động cơ, động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ công an hành động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, kiên quyết đấu tranh với mọi loại tội phạm; sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Thứ hai, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ công an đã tích cực phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để có được “Tư cách người công an cách mạng” theo 6 điều Bác Hồ dạy, biết phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an nhân dân; tự nguyện, tự giác giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống giản dị, trong sạch, lành mạnh, thực sự: cần, kiệm, liêm, chính, chí công – vô tư.
Thứ ba, đa số cán bộ, chiến sĩ công an đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác: cần cù, siêng năng chăm chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tự giác chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, nội quy, quy chế của ngành; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà tổ chức phân công, đến với vùng sâu, vùng xa, các “điểm nóng”, những nơi phức tạp về an ninh trật tự; cương quyết, dũng cảm, mưu trí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm… giữ vững ổn định chính trị, kiểm chế sự gia tăng của tội phạm, cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia” trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực thuộc phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ công an trên đây, nền kinh tế thị trường với tất cả những hệ lụy tất yếu của nó đã làm cho “một bộ phận cán bộ chiến sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để sách nhiễu, bao che hoặc đồng lõa với bọn tội phạm. Có những trường hợp nghiêm trọng đã phải đưa xử lý trước pháp luật, làm giảm độ tin cậy của nhân dân với lực lượng Công an nhân dân”.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ công an cần tập trung vào một số nội dung lớn, gắn liền với sự hình thành lối sống, nhân cách.
Để góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, cần tập trung vào giải quyết tốt những vấn đề sau đây:
Một là, kết hợp chặt chẽ với địa phương trong khâu tuyển chọn người vào lực lượng Công an nhân dân. Cách mạng nước ta hiện nay đang đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ rất to lớn, đó là đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân; đảm bảo an ninh quốc phòng… Yêu cầu nhiệm vụ to lớn đó đặt ra cho lực lượng CAND phải củng cố, hoàn thiện về tổ chức, nâng cao đội ngũ. Công an nhân dân Việt Nam là một tổ chức cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, công tác, chiến đấu vì sự nghiệp xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Việc tuyển người vào lực lượng Công an nhân dân dù thông qua nguồn nào cũng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cao đã được quy định trong quy chế tuyển người của Bộ Công an: đảm bảo về sức khỏe; đảm bảo về năng lực, trình độ học vấn; năng khiếu chuyên môn; tiểu sử bản thân, lý lịch gia đình; đạo đức lối sống.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống theo tinh thần 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Có thể nói, 6 điều Người dạy thể hiện một cách hết sức phong phú và sâu sắc về phẩm chất; chuẩn mực đạo đức; giá trị nhân văn; ý thức trách nhiệm; giác ngộ lý tưởng; lòng yêu nước; quan điểm quần chúng; sách lược đấu tranh với địch; tài năng, năng lực làm việc… Việc tổ chức học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã được lực lượng Công an nhân dân quán triệt nghiêm túc trong suốt 66 năm qua và nay đã trở thành phong trào rộng lớn gắn với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, phong trào “Bảo vệ An ninh Tổ quốc” và các phong trào khác trong lực lượng Công an nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác quản lý, giám sát của thủ trưởng, cấp ủy công an các cấp và của đơn vị, gia đình, xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ công an. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an đều thuộc về một tổ chức nhất định, đều chịu sự quản lý của tổ chức và lãnh đạo cấp trên theo sự phân cấp quản lý của Trung ương và của Bộ Công an. Mỗi tổ chức, cấp ủy công an đều có người đứng đầu do lãnh đạo cấp trên bổ nhiệm hoặc Đại hội cùng cấp bầu qua các kỳ Đại hội Đảng. Người đó có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý kiểm tra, giám sát cán bộ, chiến sĩ dưới quyền hoàn thành chức năng nhiệm vụ được quy định cho tổ chức đó. Vì vậy trong lực lượng Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng đội ngũ lãnh đạo chỉ huy các cấp, coi đây là trung tâm chiến lược cán bộ Công an nhân dân.
Bốn là, tiến hành đồng bộ các biện pháp, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân. Để thực hiện một giải pháp thực sự có hiệu quả, làm chuyển biến tình hình, tác động mạnh đến các giải pháp khác thì dứt khoát phải sử dụng hàng chục biện pháp đồng bộ cụ thể trong thực tiễn. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, yêu cầu của nhiệm vụ mà đề ra các biện pháp cụ thể cho phù hợp. Biện pháp càng cụ thể bao nhiêu, càng chi tiết bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu.
Năm là, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần phải tự rèn luyện bản thân nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp không hình thành một cách tự phát mà phải trải qua một quá trình tự giác tu dưỡng, rèn luyện rất công phu, bền bỉ. Trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, điều đầu tiên Bác nêu: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính”, đó là chuẩn mực đạo đức số một cần có ở người cán bộ công an. Nếu mỗi người luôn thường trực phẩm chất đạo đức này thì sức mạnh của nhân tố nội sinh, có “nền tảng”, có “gốc”, có những “viên thuốc đặc trị” giúp cho mỗi cấn bộ chiến sĩ công an đấu tranh với mọi tác động tiêu cực bên trong và bên ngoài.
Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay giúp hình thành và hoàn thiện ở họ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với truyền thống đạo đức dân tộc và đạo đức Xã hội chủ nghĩa, Cộng sản chủ nghĩa, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ an ninh Tổ quốc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với định hướng đúng đắn và những giải pháp cụ thể cùng với sự quyết tâm của toàn ngành, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và sự phối kết hợp của các tổ chức chính trị - xã hội tin rằng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nhất định sẽ đạt được hiệu quả.