Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ
Tin tức - Ngày đăng : 22:40, 01/06/2017
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết tới năm 2016, Bộ KH&CN có 76 ĐVSNCL hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với tổng số 3.747 công chức, viên chức và người lao động. Còn trên toàn quốc, tính đến 31/5/2016, có 1.432 tổ chức KHCN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 164.744 người). Bộ KH&CN cho rằng số lượng tổ chức KHCN như vậy là nhiều, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Trong sắp xếp lại tổ chức ĐVSNCL, các bộ, ngành và địa phương phải tìm ra địa chỉ cụ thể, không nên chỉ đặt ra mục tiêu từng bước sắp xếp với các con số chung chung. Phải có tiêu chí để sắp xếp các đầu mối và biên chế, không thực hiện giảm hay tăng theo kiểu cơ học. Tương tự như vậy là nêu địa chỉ cụ thể ở các lĩnh vực, đơn vị có thể tự chủ được tài chính”.
Trước định hướng của Bộ KH&CN về việc chuyển các đơn vị nghiên cứu khoa học cơ bản sang các trường và đơn vị nghiên cứu ứng dụng sang các tập đoàn, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng gợi mở cho Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo nghiên cứu kỹ hơn việc một số trường đại học trên thế giới đã thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học trực thuộc trường và hoạt động rất hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho rằng: “Không nên hiểu đổi mới, sắp xếp hoạt động của ĐVSNCL là dẹp bớt đi, đông người quá thì giảm bớt đi, mà là sắp xếp hợp lý. Cần giảm đầu mối, biên chế thì giảm, cần cơ cấu lại, tăng thì vẫn phải tăng, kể cả giải thể đơn vị để đạt mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động. Vẫn có nơi thừa cán bộ quản lý nhưng lại thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học”.
Phó thủ tướng gợi ý một số vấn đề khác như cách phân loại, đánh giá xếp hạng các ĐVSNCL, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hoạt động, kiểm tra thanh tra theo hướng tiền kiểm hay hậu kiểm chất lượng; các vấn đề về cơ chế chủ quản của ĐVSNCL, cách thức tổ chức các ĐVSNCL tự chủ được mà không muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Nhà nước nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện hành lang pháp lý hiện nay như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các nghị định liên quan của Chính phủ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, thực hiện tốt chức năng hiện có với tinh thần đổi mới mạnh mẽ các tổ chức KHCN, tạo động lực trong nghiên cứu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng cho biết, Đề án cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp đồng có thời hạn của viên chức tại cơ sở khoa học để một mặt, tinh giản bộ máy, biên chế, mặt khác tạo điều kiện nâng cao năng lực của bộ phận này.
Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết trong tổ chức và thực hiện dịch vụ công, Nhà nước sẽ phải phân định rõ “công”, “tư”, nhưng không được phân biệt đối xử với các đơn vị sự nghiệp công lập hay dân lập. “Nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân”, Phó Thủ tướng nói.