Người kể chuyện tình của những kẻ sĩ Việt Nam
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:24, 06/06/2017
Tiến sĩ Đinh Công Vĩ đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn hăng say viết sách khảo cứu các nhân vật lịch sử văn hóa của nước nhà. Ông đã viết nhiều tham luận và dự nhiều Hội thảo Khoa học về các danh nhân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong mỗi bài tiểu luận đọc tại Hội thảo, cho thấy ông là nhà khoa học làm việc hết sức nghiêm túc và say mê, cặn kẽ tìm ra những góc nhìn, phân tích sâu sắc, đem đến cho hội thảo và độc giả những thông tin mới lạ, hấp dẫn nhằm làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp của nhiều danh n
Trong sê ri sách về chuyện tình Việt Nam gồm có cuốn sách đầu tiên, đã xuất bản là “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam” mà NXB Phụ nữ tái bản lần thứ năm có bổ sung, sửa chữa với số lượng 2000 bản in năm 2012. Tiếp đến là công trình khảo cứu thứ hai: “Chuyện tình Kẻ sĩ Việt Nam” cũng do NXB Phụ nữ thực hiện việc in ấn và phát hành với 1500 bản in vừa xuất bản quý IV năm 2016, và sắp tới ông dự định cho ra mắt cuốn sách thứ ba: “Chuyện tình Dân dã Việt Nam”.
Sau khi đọc xong cuốn sách “Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam” dày 627 trang,khổ 15,5 x 23,5, ta thấy đây là một công trình khảo cứu công phu của nhà sử học Đinh Công Vĩ mà ông đã làm việc liên tục trong nhiều năm để sớm cho ra mắt bạn đọc. Cuốn sách được chia làm 4 phần. Phần 1 - Thời Cổ đại kể về chuyện tình của 5 nhân vật lịch sử. Phần 2 - Thời Trung đại có 34 nhân vật được kể. Phần 3 - Thời Cận đại có 33 nhân vật được kể. Phần 4 - Thời Hiện đại có 62 nhân vật được kể. Cuốn sách tập trung đi sâu vào kể 134 chuyện tình của 134 nhân vật lịch sử, văn hóa của nước nhà. Đọc xong cuốn sách, độc giả có thể tự hỏi, chẳng biết ông Tiến sĩ này sao biết nhiều chuyện tình của cổ nhân thế! Xin thưa, các bạn cần biết chi tiết sau: “Tiến sĩ sử học Đinh Công Vĩ là thành viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ông có dịp được đi nhiều địa phương để sưu tầm gia phả, văn bia, sắc phong, thần tích, truyền thuyết, giai thoại dân gian. Tiến sĩ Đinh Công Vĩ đã tỏ rõ sự làm việc nghiêm túc, kiên nhẫn. Do vậy, những chuyện tình ông đưa ra đáng tin cậy, có sức sống. Có những nhân vật lịch sử hoặc văn hóa vì những lý do này hoặc lý do khác, lâu nay chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ thì cuốn sách này đã góp phần bổ sung vào những khoảng trống ấy, kể cả trong đời thường và những chỗ bí sử mà độc giả đang rất quan tâm.”- Đó là nhận xét của GS.TS Chương Thâu. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng, cùng với nguồn tư liệu phong phú tác giả cuốn sách đã khéo dẫn dắt độc giả lần theo dấu thời gian từ thời Cổ đại đến thời Trung đại, thời Cận đại và thời Hiện đại để hiểu về chuyện tình của từng nhân vật trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau.Tiêu biểu như thời Cổ đại có chuyện tình của hai mưu sĩ, thầy dạy Đức vua Bà Trưng Trắc; Đào kỳ Phương Dung sống chết quyết sánh đôi. Đến thời Trung đại có nhiều câu chuyện tình hấp dẫn, thú vị tiêu biểu như chuyện tình của Thái úy Lý Thường Kiệt có vợ con trước khi làm quan thị?; Danh tướng Phạm Ngũ Lão và hai người vợ quý tộc – bình dân; Tình sử của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi; Duyên khác thường, có lối hỏi vợ đặc biệt của cha con Lục Bộ thượng thư Nguyễn Bá Lân; hay chuyện tình của các sử thần nổi tiếng như Lê Văn Hưu – Nguyễn Thị Thanh: Đôi lứa từ song đối đến song thọ; Ngô Sĩ Liên: Tác giả của bộ sử tôn trọng sự thực lại có chuyện tình hư ảo lạ lùng…Những danh nhân văn hóa như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Lẽ huyền diệu của ái tình, qua trăng sáng tới chùa “Ngày mai”; Trạng Lường Lương Thế Vinh: Bên đàn một buổi, hận tình muôn năm; danh nhân Đào Duy Từ tác giả của công trình kiến trúc lũy Thầy dưới thời chúa Nguyễn: Hận tình phương Bắc mở ra sự nghiệp phương Nam, Tiến sĩ Vũ Công Trấn, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo: Duyên khác thường, vì tiên nên quyết liều mình theo tiên, Hoàng giáp Nguyễn Đăng Giai: “Lấy em để trả ân tình cho em”…Một số câu chuyện tình của các nữ danh nhân lịch sử, văn hóa được tác giả kể trong cuốn sách như Nữ anh hùng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu: Mối tình lẫm liệt, bi hùng; hay chuyện tình của nữ sĩ Hồng Hà – Đoàn Thị Điểm với Đặng Trần Côn: Tình yêu từ chốn Long thành; Phạm Thái với Trương Quỳnh Như: Mối bi hận tình… Đến thời Cận đại số các câu chuyện tình được tác giả kể đến trong sách tương ứng với số nhân vật mà tác giả kể trong phần hai thời Trung đại gồm 33 nhân vật. Phần này tác giả dành phần nhiều kể về chuyện tình của các văn nhân, thi nhân như Tình sử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; Tình sử của đại thi hào Nguyễn Du, Chuyện tình của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Danh thần Cao Bá Quát: Người đầy hùng khí chống triều đình với tấm tình đằm thắm, Danh sĩ Chu Mạnh Trinh: Yên ổn nghiệp nhà nhờ hai nàng “Thúy Kiều, Thúy Vân”, Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến, Tú tài Trần Thế Xương…Tiến sĩ Phan Thanh Giản quan trấn thủ miền Tây Nam Bộ, mối tình của “Hùm thiêng Yên Thế” – Hoàng Hoa Thám: Tình giữa rừng xanh; các mối tình của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu; Phan Chu Trinh: Con tim gạn lọc chỉ một nàng; thục trưởng Lương Văn Can: vượng phu, gánh vác cả giang sơn… và nhiều danh nhân khác được tác giả kể chuyện một cách sinh động hấp dẫn. Đến thời Hiện đại thì số nhân vật được tác giả kể đến nhiều gấp đôi so với phần Trung đại và Cận đại với tổng số 62 nhân vật hoạt động trong lĩnh vực khoa học, văn học nghệ thuật như các học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Những mối tình tảo tần, chua cay, ngọt bùi; Phạm Quỳnh: chuyện tình với người vợ dân dã cùng tuổi; Hoàng Xuân Hãn: xướng họa vịnh nguyệt sinh tình, Nguyến Hiến Lê bên hai bà vợ thân nhau như chị em… Các nhà khoa học như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng: sợi tơ hồng bền chặt sau những công trình khoa học; Lương Đình Của và người vợ của xứ sở hoa anh đào, Nguyễn Khắc Viện: Tình đọng lại đến cuối chỉ có “Bà là bà Nhất”. Các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn như: Mối tình của nhà văn Nhất Linh với cô chủ hàng cau khô; Khái Hưng: Tình xếp đặt mà như trời định; Thạch Lam và người vợ trong nhà cây liễu ven hồ; Hoàng Đạo và con đường vàng trong ái tình?… Các nhà nghiên cứu phê bình như Vũ Ngọc Phan: Những năm tháng say đắm được người nên danh; Dương Quảng Hàm: Mối tình đẹp biến cừu gia thành thông gia, Hoài Thanh và nhà báo Phan Thị Nga: Tình “dại” hay là sự hi sinh vĩ đại; Cao Xuân Huy: Tình giải pháp nước đôi. Hay các thi nhân nổi tiếng như mối tình của Tản Đà: Những chuyện tình chưa vẹn; Lưu Trọng Lư: Tình từ thủa hãy còn thơ; Hàn Mặc Tử và những mối tình thật - ảo. Yến Lan: Tình đầu tình cuối đọng thành bút danh; Vũ Hoàng Chương và người vợ đảm. Chế Lan Viên; Tình đầu tình cuối. Phùng Quán và bài thơ “Hôn”. Nguyễn Bính: Những chuyện tình Bắc – Nam; Hoàng Cầm: Tình người tình thơ xuân xanh mãi; Quang Dũng với “Một kiếp đàn bà đã theo chồng chấp cả”; Bùi Giáng: Tình yêu đầy cá tính. Ngoài ra còn có các nhà văn “Vang bóng một thời” như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Sao Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan. Bên cạnh đó là mối tình của các nữ sĩ Anh Thơ: Từ bến sông Thương mộng mơ tới Lệ sương thấm đẫm tình yêu. Tương Phố khóc chồng: “Giọt lệ thu thấm đẫm”. Nữ sĩ Ngân Giang: Từ nghiệp văn chương… “Để cam chịu lấy hận dài nghìn thu”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Nghịch lý tình yêu bí ẩn.
Đọc xong cuốn sách “Chuyện tình Kẻ sĩ” của Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, tôi lại liên tưởng tới những nét “tương đồng” với cuốn sách Nhân vật chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của nhà bác học Phan Huy Chú, nhưng “dị biệt” ở chỗ chỉ kể về chuyện tình của các nhân vật lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó chính là nét khác biệt và tạo nên sức hấp dẫn riêng của cuốn sách đối với nhiều đối tượng độc giả. Nó có thể góp thêm những thông tin cần thiết để các nhà khoa học tham khảo và cân nhắc, mỗi khi đánh giá lại những sự kiện lịch sử, nhân vật chưa được minh bạch. Đồng thời cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu, độc giả có mong muốn tra cứu tìm hiểu những thông tin liên quan đến 134 nhân vật lịch sử văn hóa được kể trong cuốn sách mà không biết dò tìm ở đâu. Qua đó, chúng ta có thể hiểu thêm một khía cạnh nữa trong mỗi con người, đó là tình yêu – một đề tài còn tốn nhiều giấy mực của các văn nhân, thi sĩ. Một điểm chung mà bất cứ danh tướng, danh nhân, danh thần, thi nhân, văn nhân nào cũng không thể thiếu trong đời sống tâm hồn của họ.