Hà Nội có thể làm sân chơi mới?
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:14, 07/06/2017
“Hà Nội cũ có thể làm sân chơi mới?”- Rất dễ dàng trả lời là có thể nếu chúng ta luôn có sự yêu thương và quan tâm đến con trẻ. Nếu chưa thể là những sân chơi rộng hàng chục, hàng trăm ngàn mét vuông, đầu tư hàng ngàn, hàng chục tỷ đồng... thì cũng có thể là những sân chơi nhỏ xinh nơi góc phố, đầu hồi nhà vài chục mét vuông, vài món đồ chơi vài chục triệu đồng. Hoàn toàn có thể chứ!
Nhớ về một thời xa lắm
Trong tâm tưởng của những đứa trẻ lớn lên trong một Hà Nội “Thời xa vắng” - Hà Nội lúc đó là một sân chơi miễn phí khổng lồ. Tất cả lòng đường vỉa hè các con phố, lũ trẻ nô đùa thoải mái mà chưa thấy có vụ tai nạn nào xảy ra. Ao hồ sạch sẽ, bể bơi Thiếu nhi mỗi quận một cái, em nào cũng được học bơi. Khi cơn mưa rào đến, toàn bộ đường phố là nhà tắm lộ thiên với chiếc vòi sen là cả bầu trời Hà Nội.Tại những làng ven đô, trẻ em chạy chơi khắp các đường làng ngõ xóm.
Trẻ em ngày ấy có mặt tại tất cả các nơi trong thành phố, thậm chí khi không có tiền mua vé tầu điện, chúng có thể ngồi ở bên ngoài. Đồ chơi cho trẻ nhỏ thô sơ, nhưng dễ kiếm và tất cả các khoảng trống đều ưu tiên cho trẻ em.
Một sân chơi miễn phí ở Hà Nội do nhóm “Think play grounds” thực hiện
Hình ảnh ấn tượng du khách và người Hà Nội đấy là thành phố rất nhiều trẻ em, chúng vui chơi hạnh phúc trong hoàn cảnh vật chất eo hẹp. Vỉa hè, đường phố từ sáng đến tối sẵn tiếng nói cười trẻ em. Có những em bé ham vui ngoài đường, chạy trốn khi người lớn muốn kéo về nhà.
Hồi tưởng về Hà Nội những năm 1970, nhiều người rùng mình sợ hãi vì thiếu thốn đủ bề. Hàng đêm, nhà nhà chăm chăm cử người hứng nước mát; Hàng ngày trông ngóng xếp hàng đong gạo sổ, mua thực phẩm... Vậy mà, trong thời điểm vô cùng khó khăn thiếu thốn ấy Hà Nội dành dụm từng viên gạch, miếng kính, cân sắt để xây Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Nội (ngày 1/10/1974) trong khuôn viên Ấu Trĩ Viên (Vườn trẻ em) trên phố Lý Thái Tổ. Với tòa nhà chính 6 tầng, 95 phòng cùng Rạp Khăn quàng đỏ 2 tầng có 520 chỗ ngồi, Cung Thiếu nhi Hà Nội mỗi ngày đón hàng nghìn em đến sinh hoạt.
Chúng tôi - những đứa trẻ đầu tiên được vui chơi, học tập ở đó thường ví von Cung Thiếu nhi Hà Nội chính là “thiên đường có thật”. Còn cha mẹ tôi thì cứ đinh ninh ngôi nhà ấy do các chuyên gia nước ngoài thiết kế bởi họ nghĩ KTS Việt Nam sống trong cơ cực thì làm sao có thể tạo nên một khung cảnh khác thường như thế (họ đâu có biết tác giả là KTS Lê Văn Lân – ông đã ấp ủ tác phẩm này hàng chục năm trời). Phòng học vẽ tràn ngập ánh sáng, hành lang rộng là triển lãm tranh thiếu nhi; phòng tập múa gương treo kín 4 bức tường; còn hội trường rạp Khăn quàng đỏ thì màn nhung đỏ lộng lẫy, hàng ghế đánh verni bóng lộn, sang trọng…
Cung Thiếu nhi là một biểu tượng của văn hóa Hà Nội, là một minh chứng rằng Thành phố đã yêu thương con trẻ rất nhiều ngay trong khi còn rất khó khăn. Nó cũng cho thấy tầm nhìn của Thành phố không chỉ đo lường bằng độ lớn không gian mà còn được ghi nhận bởi những việc làm cụ thể nhằm tạo ra môi trường nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo cho thế hệ tương lai.
Mấy chục năm sau, thu nhập đầu người tăng biết mấy lần, nhiều công trình lớn đã xong và sẽ làm... nhưng dường như không chỉ Hà Nội mà có lẽ cả nước chưa có công trình nào dành cho thiếu nhi lớn hơn, sang hơn nơi này.
“Bây giờ con trẻ chơi ở đâu?”
Các KTS đều nhận ra rằng: Vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư không chỉ đem lại niềm vui cho con trẻ, mà còn mang đến hạnh phúc cho người lớn. Những mảng xanh của vườn hoa sân chơi góp phần làm môi trường sống tốt hơn, điều hòa khí hậu cho khu vực dân cư và góp phần cho thành phố.
Nhiều sân chơi cũ của Hà Nội cần được đầu tư, tu sửa. Ảnh: CA
Mặc dù quan trọng như vậy nhưng vườn hoa, sân chơi ở các khu dân cư, khu đô thị tại Hà Nội đang còn thiếu nhiều kể cả thực tiễn lẫn trong quy hoạch dự kiến phát triển. Nếu như trước đây khi Hà Nội chỉ có 44km được thiết kế quy hoạch đủ vườn hoa cây xanh, thì sau này quy hoạch Hà Nội mở rộng thêm hàng trăm km2 rồi hàng ngàn km2 rồi thì chỉ thấy thừa bất động sản mà càng thiếu không gian công cộng, thiếu cây xanh, vườn hoa sân chơi. Mặc dù Thành phố hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội bổ sung sự thiếu hụt ấy, nhưng thật đáng tiếc chưa có ai cho biết vị trí văn hóa sân chơi vào đâu trong sơ đồ viễn cảnh quy hoạch, kế hoạch phát triển Hà Nội hôm nay và vài chục năm tới?
Được biết tháng 1/2013, TP Hà Nội đã có quyết định rà soát toàn bộ quỹ đất đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí và các điểm sinh hoạt cộng đồng. Tháng 12/2015, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, thực hiện xây dựng sân chơi, vườn hoa tại 118 phường, 73 phường và 45 xã, thị trấn với nguồn đất phục vụ xây dựng các công trình sân chơi lên tới 59 ha. Tháng 5//2016, tìm trên mạng thì được biết Thành phố đã hoàn thành 92 sân chơi mới (nhưng phần lớn ở ngoại thành); tìm kiếm thì chỉ có mỗi ảnh cán bộ đang phát quà cho các cháu tại một sân xi măng, dưới tấm biển đề "khánh thành sân chơi thiếu nhi". Tìm thông tin có thêm sân chơi mới nội thành Hà Nội thì không thấy tí nào, trong khi nhiều sân chơi vốn có đang tiếp tục bị lấn chiếm, xẻ thịt tinh vi mặc cho công luận lên tiếng...
Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cũng đã có con số thống kê cụ thể về số lượng sân chơi tuy nhiên để tiếp cận thông tin chi tiết, xác thực về thực trạng điểm sinh hoạt cộng đồng, vui chơi này là điều không thể. Trong website của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng không công bố vị trí, địa điểm, mô tả hình dạng, diện tích, đơn vị quản lý và thực trạng những “điểm vui chơi” này ra sao và thực tế tồn tại của nó thế nào.
Thêm nữa, dù rằng các cấp chính quyền xã phường Hà Nội đã chú ý đến sân chơi cho trẻ em... nhưng dường như chưa thấm vào đâu so với việc quản lý sân trống, vỉa hè làm bãi đỗ ô tô, quán nước, quán ăn, bia hơi. Và mặc dù đã có các nhóm cha mẹ trẻ tự góp tiền làm sân chơi trong các khu dân cư... nhưng phần lớn vẫn còn ngồi trong nhà và kêu xã hội lo hộ còn cha mẹ, ông bà các cháu thì hầu như không tham gia làm sân chơi. Có những nơi rất nhiều thanh niên trai tráng đứng chờ các tình nguyện viên đến làm sân chơi, để làm xong là nhảy vào chơi tranh của các cháu (hoặc tranh cho con cháu nhà mình).
Khoảng trống của sân chơi KTT Giảng Võ bị chiếm dụng làm điểm đỗ xe. Ảnh: CA
Các sân chơi tại các khu dân cư không có tổ chức địa phương duy tu bảo quản... đồ chơi bị hỏng nhanh và không có ai thay thế, sửa chữa; bệnh hình thức: làm sân chơi bằng cách đổ bê tông nóng rẫy, không chú ý cây xanh bóng mát, đồ chơi sản xuất hàng loạt rất kém hấp dẫn…. Phải chăng chúng ta chưa hết lòng thương yêu con trẻ, nên dẫu có ồn ào tốn kém mà chuyện sân chơi cho trẻ vẫn còn đó ngổn ngang ?
Hà Nội giờ đây đang vươn cao, nới rộng với trùng trùng cao ốc chói lòa kính chớp, đường xá tầng lớp vun vút xe cộ. Hà Nội đang loay hoay định hình những giá trị mới... Một Hà Nội năm xưa mà tôi biết dường như vẫn nem nép khiêm nhường. Và thật ấm áp khi đâu đó vẫn có những người già lo lắng cho cái đẹp cũ kỹ dai dẳng như tháng ngày trôi đi; khi những bạn trẻ lặng lẽ nhặt từng mảnh ván, lốp xe cũ, đoạn dây thừng để chắp lại niềm vui, thắp lên tia nắng hạnh phúc trong đôi mắt trẻ thơ. Những sân chơi của Hà Nội, được làm ra bởi những người giàu lòng trắc ẩn, thương quý trẻ em một cách chắt chiu mà sang trọng… vẫn cần lắm để Hà Nội đẹp hơn.