Phố Báo Khánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:18, 07/06/2017
Từ phố Lê Thái Tổ đến phố Hàng Trống (dân còn gọi là phố Bảo Khánh).
So vào bản đồ Hà Nội 1931 đây là đất thông Báo Thiên Tự, một trong 30 phường thôn hợp thành tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì thôn này là một phần của phường Báo Thiên – một phường đã có tên gọi từ thời Lý – tại đây có chùa Báo Thiên xây dựng từ năm 1057 ở chỗ nay là Nhà thờ Lớn. Tới giữa thế kỷ XIX thôn Báo Thiên Tự đổi tên là Báo Khánh, tổng Tiền Túc cũng mang tên mới là Thuận Mỹ và chỉ còn có 22 phường thôn, là do một số thôn đã hợp nhất lại. Báo Khánh là do hai thôn Báo Thiên Tự và Hữu Khánh Thụy hợp lại mà thành. Thời Pháp thuộc đây là phố Pô-chi-ê (Rue Pottier). Sau 1945 được đổi ra tên hiện nay.
Ngày nay ở số nhà 40 ngõ Báo Khánh còn một ngôi đình cổ gọi là đình Trúc Lâm. Đình đó không phải của làng Báo Khánh cũ mà do dân làng Trúc Lâm lập ra để thờ vong. Nguyên làng Trúc Lâm ở huyện Tứ Kỳ, nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, tên nôm là làng Chắm. Làng này có nghề thuộc da đóng giày dép. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, một số thợ da làng này tới định cư ở Thăng Long, một số lớn quây quần ở chỗ nay là phố Hàng Giày và ngõ Hài Tượng. Còn một số nữa ở khu vực Báo Khánh và Hàng Hành ngày nay. Theo tục lệ “dân đâu thần thánh đấy”, họ lập đình miếu để thờ vong thành hoàng gốc của làng mình.