Tục gánh đầu ma làng An Thịnh
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:39, 08/06/2017
Tục rằng: Khi trong gia đình có cha hoặc mẹ qua đời, gia chủ báo tin cho thân bằng quyến thuộc biết tin người thân của mình đã mất và thời gian tổ chức tang lễ. Riêng đối với gia đình thông gia phải đích thân mang theo lễ đến báo tin. Lễ báo tang đơn giản chỉ là cơi trầu. Đại diện tang lễ đem lễ đến nhà thông gia cáo với tổ tiên xin phép cho con gái của người quá cố về chịu tang. Bên nhà thông gia cử đại diện dẫn con dâu về chịu tang và phúng viếng. Nếu gia đình thông gia ở gần thì đích thân bố hoặc mẹ chồng phải dẫn con dâu về (nếu ông bà thông gia đã mất thì đại diện phải là người có vai vế trong dòng họ). Đối với các gia đình thông gia ở xa thì có thể cử đại diện là bậc trưởng lão có vai vế trong dòng họ dẫn con gái của người quá cố về xin phép tang gia cho “gánh đầu ma”. Tục “Gánh đầu ma” có ý nghĩa là người con gái đi lấy chồng, khi cha hoặc mẹ mấy thì phải chịu tang và gánh vác công việc ma chay cùng với các anh chị em mình. Việc đóng góp là tùy tâm, tùy khả năng.
Đại diện gia đình thông gia đến phúng viếng nhất thiết phải có lễ mặn gồm: Ván xôi, thủ lợn, rượu, trầu cau để lễ vong. Tục lễ này đến nay vẫn còn lưu giữ ở các xã Thọ An, Thọ Xuân, Trung Châu, huyện Đan Phượng và xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, nhưng ở xã Trung Hà đã được cải tiến hơn. Đối với gia đình thông gia ở xa khi đến phúng thì có thể dùng lễ đen (lễ bằng tiền), nhưng phải làm thủ tịch “mượn lễ”. Vì thủ tục tang lễ nhà có tang bao giờ cũng có lễ thủ lợn ván xôi để cùng, nếu nhà thông gia đặt lễ đen thì phải mượn lễ của gia đình đội xuống bếp sau đó lại đội lên dâng lễ. Con trưởng túc trực bên linh cữu, khi đại diện của gia đình thông gia đến dâng lễ phúng, phải khấn trước vong linh: “Lạy vong linh cha (mẹ) mất ngày… giờ… nay có thông gia… đến phúng viếng”, sau đó bên thông gia mới vào lễ. Tang gia có bao nhiêu thông gia thì con trưởng phải khấn bấy nhiêu lần.
Tục lệ tang ma không chỉ thể hiện văn hóa truyền thống của một dân tộc, mà nó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn: Lấy hiếu nghĩa làm đầu. Xã hội ngày nay tuy không còn câu nệ nhiều đến Tục lệ cổ xưa, song chúng ta vẫn luôn lấy việc hiếu thuận, đối xử yêu thương bằng tấm lòng kính trọng đối với người già làm đạo lý thường tình mà mọi người nên làm.
(Ghi theo lời kể của:
- Cụ Hoàng Văn Tân, 85 tuổi ở làng An Thịnh, xã Thọ An, huyện Đan Phượng
- Cụ Trần Văn Hồng, 66 tuổi – Chủ tịch hội Người cao tyuooir xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).