Người cha vĩ đại
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:16, 08/06/2017
Đó là vào khoảng năm 1966 -1967, cha tôi, nhà thơ Quang Dũng cùng gia đình đi sơ tán theo cơ quan NXB Văn học. Khu vực cơ quan sơ tán ở làng Đôn Thư gần chợ Chuông, nơi làm ra những chiếc nón lá làng Chuông nổi tiếng của miền Bắc. Ở khu vực này lúc đó có cả trường cấp 3 Thăng Long cũng về sơ tán.
Nhà thơ Quang Dũng
Gia đình tôi được sắp xếp ở cùng với gia đình bác Hướng Minh ở giữa làng, trong một căn nhà khá rộng kiểu ba gian hai chái, nhà xây kiểu chữ U truyền thống của thôn quê Việt Nam. Cái sân gạch đỏ ở giữa, vuông góc với đầu hồi, liền hai đầu sân gạch là hai gian nhà nhỏ và thấp hơn có hàng hiên thông suốt với nhau. Một bên là kho, phía sau kho là cây rơm to gần bằng cả gian nhà này, sau cây rơm là mấy cây ổi, chuối, đu đủ… rồi tới chuồng gà với một vườn rau nhỏ trồng vài luống rau cải, rau diếp và đủ thứ linh tinh như húng, mùi, tía tô, hành, ngò, chanh, ớt… những thứ gia vị cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Đầu sân bên kia là nhà bếp, trong bếp lại ngăn ra một gian để cối xay lúa và cối giã gạo. Phía trước sân là bể nước mưa có mái che và hàng cau đang trổ hoa tỏa bóng mát buổi trưa còn những buổi tối trăng thanh gió nhẹ thoang thoảng đưa hương… kế sau hàng cau là rặng tre rồi đến cái ao rộng của nhà hàng xóm… Bố tôi hay kê chõng hoặc trải chiếu ra dưới rặng tre bên bờ ao này cùng với cái ấm giỏ chè tươi hay nước vối đã hãm sẵn của bác chủ nhà “đàm đạo” các loại chuyện với “ông tây già”. Bố tôi vẫn gọi đùa bác Hướng Minh là ông tây già vì bác nói tiếng Pháp rất giỏi (bác ở tổ văn học nước ngoài).
Được vài tháng yên ổn như vậy tới cuối mùa thu năm đó. Một buổi sáng sớm khoảng chừng mới 5 giờ thôi, bầu trời nhiều mây còn trĩu nặng bởi màn sương muối se lạnh theo tiết trời vào đông. Vài tiếng gà rải rác trong xóm và đã có những gia đình dậy sớm nấu cơm chuẩn bị đi làm đồng… bỗng nhiên có tiếng u… u… của máy bay to dần quần đảo ở trên cao. Thứ tiếng u… u… này hơi khác thường vì mọi ngày chúng chỉ lướt qua chứ không ở trên đầu mình lâu và sớm như thế. Rồi đột nhiên có tiếng rít ghê rợn lớn dần rất nhanh, choáng ngợp làm sởn cả gai ốc từ trên cao chụp xuống đầu mình, rít.. ít.. ít.. ục… ục… oành… oành… oành… rất nhanh và rất mạnh. Những tiếng nổ trầm, đục làm mặt đất và cả căn nhà rung rinh, chao đảo. Tôi còn đang nằm trên giường bị nảy lên và hất lăn xuống đất. Những ánh chớp nhoang nhoáng bên ngoài với những luồng hơi qua khe cửa hắt ào ào vào nhà, sáng rực cùng tiếng nổ rền vang… một số đồ vật trong nhà, ấm chén trên bàn nước… rơi vỡ loảng xoảng làm mọi người càng thêm hoảng hốt. Bố tôi dậy sớm đã ở ngoài sân từ lúc nào nhào vào hét: Tất cả xuống gầm giường! Bác Hướng Minh vốn người bé nhỏ lúc này cũng mở cửa buồng bên chạy ra vội vàng, lắp bắp: Chết rồi ông Dũng ơi… ông Dũng… bom, bom… đánh vào đây… Bố tôi còn đang đứng liền túm lấy bác Hướng Minh ấn xuống, đẩy vào gầm giường: Ông chui vào gầm ngay đi, để tôi nằm ngoài cho… Bác Hướng Minh bị ấn vào gầm giường vẫn lắp bắp: Ôi... từ từ thôi… ông làm tôi mất răng bây giờ… ông bạn vĩ đại ơi… (chả là bác Hướng Minh đeo răng giả chưa kịp gắn hoàn chỉnh vào miệng mà nhà thơ Quang Dũng thì khá to con).
Chừng mươi phút sau, tiếng bom nổ và tiếng máy bay không thấy nữa, bên ngoài lúc này đã bắt đầu rộ lên tiếng người gào khóc, la hét, tiếng chó lợn kêu, chạy loạn xạ… tiếng tre, nứa cháy nổ lốp đốp, và khói mịt mù, khét lẹt xộc vào nhà. Chúng tôi rời khỏi nơi trú ẩn, ra sân mới thấy run vì lạnh và vì… sợ. Phía bên kia bờ ao, căn nhà hàng xóm lửa đang phừng phừng cuồn cuộn bốc cháy, tàn lửa cuốn lên trời và rơi lả tả ra xung quanh, rặng tre quanh bờ ao hàng ngày xanh mướt là thế nay xơ xác rạt nghiêng ngả treo móc nhiều thứ lộn xộn, rơm rạ và đồ dùng, quần áo… rách tướp trên đó.
Bố tôi bảo mọi người vào nhà thu xếp đồ đạc cho gọn gàng, có thể lại phải “sơ tán” đấy. Còn ông chạy sang phía bên làng đang cháy, bên đó có nhiều người cần cứu giúp, nhiều việc phải làm lắm.
Không khí tang tóc trùm lên làng xóm những ngày sau đó. Tôi không biết cụ thể nhưng trận bom ấy đã làm hàng chục người chết, chưa kể bị thương, mấy chục căn nhà bị phá hủy… có cả học sinh của trường cấp 3 Thăng Long chết và bị thương tới 3, 4 người. Ngay ở trường làng, lớp 5 tôi học cũng có một bạn nữ ngồi bàn sau tôi không còn được đi học nữa… May mắn là cơ quan bố tôi nằm ngoài vùng bị trúng bom và nhà tôi chính là gần nơi bị ném bom nhất.
Rồi mọi việc cũng dần ổn định theo thời gian, công việc hàng ngày tiếp diễn và mọi người dần quên trận bom tàn ác đó. Một buổi tối, mấy bác cháu rảnh rỗi ngồi chơi nói chuyện vui tôi mới hỏi bác Hướng Minh: - Sao hôm bị bố cháu kéo nằm xuống rồi ấn vào gầm giường ấy, bác lại kêu bố cháu là… “ông bạn vĩ đại ơi!” - À, là vì bố cháu to lớn hơn bác… rồi từ từ bác nói thêm: - Bố cháu bình thường thì điềm tĩnh, nhẹ nhàng mà nhát nữa, nhưng khi có chuyện thì ông ấy quyết đoán và thường hay nhận phần khó khăn, nguy hiểm về mình… như các cháu đã thấy. Bác còn biết một chuyện thời bố cháu ở bộ đội, chắc là thời đi Tây Tiến của ông ấy. Lúc đó ông ấy phụ trách Đoàn Võ trang tuyên truyền kiêm phóng viên mặt trận nên rất hay phải đi. Trong một chuyến công tác bằng ngựa trên những con đường kháng chiến gian nan vùng Tây Bắc, ông ấy bị máy bay của địch phát hiện, chúng sà xuống bắn súng máy làm con ngựa hoảng hốt nhảy chồm chồm nhưng chạy khá vất vả vì bố cháu là gánh nặng cho nó ở trên lưng. Nhận ra điều này bố cháu liền nhảy xuống vỗ mạnh mấy cái vào mông nó hét: Chạy đi! Con ngựa ngoái đầu lại hất bờm như tỏ ý cảm ơn rồi nhanh chóng phi ngay vào rừng mất dạng dưới những lùm cây. Còn bố cháu cũng lăn qua bên vệ đường tìm một chỗ giấu mình. Chiếc máy bay lộn lại không thấy mục tiêu đâu nên lượn thêm vòng nữa rồi bay mất.
Sau một lúc yên ắng rồi bố cháu mới xuất hiện trên đường vừa tập tễnh đi vừa huýt gió gọi con chiến mã. Rồi ông phải dừng lại để buộc vết thương ở chân đang chảy máu. Thì ra trong lúc khẩn cấp nhảy từ lưng ngựa xuống ông đã bị thương. Một lát sau thì con ngựa từ trong rừng chạy ra tới chỗ ông, thấy chủ nhân bị đau, con ngựa cứ gõ móng rồi rúc đầu cọ cọ vào lưng chủ ra chiều an ủi… thật là một con vật có nghĩa.
Vết thương ấy không biết do đạn bắn hay một vật nào khác đâm vào nhưng đã để lại vết sẹo khoảng hai đốt ngón tay trên ống chân của ông (sau đó tôi có hỏi bố về nguồn gốc vết sẹo này thì ông xác nhận: Ừ, đúng vậy con ngựa khôn lắm). Bác Hướng Minh dừng kể một lát rồi nói tiếp: - Bố cháu là một người cha vĩ đại đấy, cả về tính cách và văn thơ của ông ấy. Rồi bác nheo nheo mắt hóm hỉnh giải thích: Theo nghĩa “vĩ” là cái đuôi, “đại” là to lớn - nhưng bố cháu không phải là người có cái đuôi to lớn đâu. Thế là mấy bác cháu ồ lên cười vui vẻ.