Tục chia phân dơi ở làng Bồng Mạc
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 11:13, 08/06/2017
Nằm dọc theo ven đê phía Bắc của sông Hồng Hà, Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội có ba thôn: Bồng Mạc, Yên Mạc, Xa Mạc. Mỗi thôn đều có những Tục lệ riêng: Thôn Xa Mạc là nơi sinh ra lối hát Xa Mạc; thôn Yên Mạc có lễ Cướp cây bông, lạ nhất là thôn Bồng Mạc có Chùa Dơi và tục chia phân dơi lấy khước.
Chùa Dơi có tên chữ là Long Diêm. Trước hội dăm ngày, người thôn Bồng Mạc ra chùa, quét dọn nhà Tổ, không để lại một vật gì, để đón dơi về. Từ ngày mồng Mười tháng Hai, dơi, quạ từ muôn phương tới tấp bay về nhà Tổ chùa Long Diêm. Số dơi không ai có thể đếm cho hết. Chúng đậu thành từng chùm dày đặc, suốt ngày tiếng kêu chít chít của hàng ngàn con, tạo thành một thứ âm thanh rất lạ tai. Đến đêm chúng bay đi, sáng lại bay về. Có một điều lạ là dù nhiều dơi như vậy nhưng không con dơi nào lên đậu ở chính điện, ở nhà khác và trên bệ thờ nhà Tổ mà chúng chỉ đánh trong các khoảng trống. Xung quanh chùa, làng xóm của xã Liên Mạc vào mùa xuân có rất nhiều hoa quả chín nhưng con dơi nào ăn quả ở đây. Vì vậy mà dân làng rất quý đàn dơi, coi đây là những linh vật không ai dám xâm phạm đến chúng. Dơi quạ cư trú ở chùa Long Diêm một tháng từ mồng Mười tháng Hai đến ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch thì bay đi hết. Lúc đó cũng là lúc Đền Hùng qua ngày giỗ Tổ.Sau khi đàn dơi bay đi hết, trên nền nhà Tổ chùa Long Diêm khi ấy có một lớp phân dơi dày đặc. Ngày 12 tháng Ba, người làng Bồng Mạc quét dọn chùa, thu gom phân dơi và làm lễ Giã hội. Phân dơi được chia đều cho mọi gia đình để lấy khước làm ăn. Người dân Bồng Mạc có tục dùng phân dơi bón ruộng, chỉ làm một chút ít nhưng mọi người vẫn tin rằng “Có phân dơi cấy lúa lúa tốt, trồng cà cà sai”.
Đây là một Tục lệ không biết có từ bao giờ và vẫn còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.