Đường Bưởi, thuộc quận Ba Đình và quận Cầu Giấy, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:58, 08/06/2017
Đường Bưởi dài 2.250m, rộng 6m. Từ ngã tư Cầu Giấy đi qua ngã ba Cống Vị đến cuối đường Hoàng Hoa Thám (chợ Bưởi).
Con đường này nguyên là thân của bức tường thành đắp bằng đất (tức lũy) của tòa thành bao bọc trọn vẹn kinh thành Thăng Long đời Lê mà một số nhà nghiên cứu gọi là tòa thành “vòng ngoài”. Tòa thành này nếu tính từ Bắc xuống thì phía Tây bắt đầu từ Nhật Tân, chạy ven hồ Tây qua chợ Bưởi, qua Cầu Giấy tới Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Trung Hiền (Chợ Mơ) ra sông Hồng ở Vĩnh Tuy. Còn bức tường phía Đông thì trùng với đê sông Hồng. Tòa thành này được đắp bắt đầu thời nhà Mạc (cuối thế kỷ XVI) sau Trịnh Doanh (giữa thế kỷ XVIII) có tu tạo lại.
Tên đường Bưởi được đặt tháng 10/1986.
Nay thuộc các phường Ngọc Khánh, Cống Vị, quận Ba Đình, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Bưởi, còn quen gọi là Kẻ Bưởi, là một khu vực gồm nhiều làng ở góc Tây – Nam hồ Tây và bên bờ bắc sông Tô Lịch như Nghĩa Đô, Bái Ân, Võng Thị, Trích Sài, Yên Thái của Thăng Long xưa.
Làng Nghĩa Đô gồm bốn làng: Tiên Thượng (Tân), Vạn Long (Dâu), Nghĩa Đô (Nghè) và An Phú (mới lập từ thế kỷ XVII nên không có tên nôm). Làng Yên Thái cũng có tới ba làng: làng Cả (hay Đoài), An Thọ (Thọ) và Đông Xã (Đông). Cho nên Kẻ Bưởi là tên chung của cả chục làng. Riêng chợ Bưởi thì nằm trên đất làng Cả - Yên Thái. Vì là những làng cổ nên mỗi làng đều có lịch sử rất phong phú.