Tục làm con mày làng Đa Sĩ, Hà Đông
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 10:07, 09/06/2017
Đem con đi mày nghĩa đen là cho nó đến ăn mày phúc đức của một gia đình song toàn, đề huề mà không cần phải giàu có sang trọng, cốt sao đứa con ấy hợp với tuổi của người mà nó sẽ làm con mày và người đó quả là phúc hậu, lương thiện (có nơi gọi là con nuôi).
Trước khi xin làm con mày, ông bà hoặc bố mẹ đứa trẻ đến có lời thỉnh cầu với gia chủ định gửi con và nếu được ưng thuận thì hẹn vào một ngày giờ nào đấy sẽ đem đứa t rẻ đến đặt ở ngã ba trong xóm ngõ. Người nhận đứa trẻ làm con mày sẽ giả vờ như đi đâu về hoặc từ nhà ra trông thấy, bắt gặp đứa trẻ thì nhặt lên rồi nói “Trời đất ơi! Ngài lại ban cho tôi một đứa trẻ, thật là phúc đức quá!” rồi ẵm nó về nhà. Cả nhà truyền tay ôm ẵm nâng niu đùm bọc nó. Bố mẹ đẻ nó đứng nấp kín ở nơi gần đó, sau khi đã thấy con mình được nhận thì lập tức về nhà sửa soạn mâm lễ xôi gà, cau trầu rượu rồi cả nhà đem lễ đến kính cáo với gia tiên và gia đình nhận nuôi xin cho đứa trẻ được ăn mày phúc đức và được làm con của gia đình. Những đứa đã biết đi hoặc lớn hơn thì đúng ngày giờ đã hẹn, bố mẹ đứa trẻ sẽ dẫn đến cùng với lễ nghi để làm thủ tục như trên.
Những đứa trẻ được làm con mày ở những nhà như thế quả thật chúng được sống trong tình cảm thân thương đùm bọc. Từ tấm bé, bắt đầu đi học, đi làm, lấy vợ lấy chồng, con mày đều được cả gia đình phúc đức ấy chia sẻ và yêu thương. Còn chính người con ấy lúc còn bé thì đối xử với gia đình người nhận con mày như ông bà bố mẹ đẻ ra họ, khi lớn lên họ ra ở riêng thì đi lại thân tình, với cách cư xử “ân nghĩa, sống Tết, chết giỗ”. Thậm chí người ấy đã mất thì con cháu vẫn giữ nề nếp ấy.
Tục này có ý nghĩa sâu xa trong tâm thức của người dân bởi vì con người luôn hướng đến điều phúc đức “Có Đức mặc sức mà hưởng” là vậy. Người ta tìm đến Phúc Đức để nương và để nhờ, được che chở cho đời mình và cho con cháu đời sau. Tục này bây giờ vẫn còn bởi ý nghĩa nhân văn cao cả đó.
(1) Làng Đa Sĩ, quận Hà Đông nay thuộc về Hà Nội.