Tục canh đồng ở làng Gạ - Phú Gia
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 10:44, 09/06/2017
Giữa đời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI), dân gian kể có sáu cụ văn võ song toàn đã dẫn dắt dân chúng phục hóa khai hoang, mở mang ruộng đồng bờ bãi. Các cụ dùng mưu trí “cõng” chuyển hai tảng đá từ vùng núi về để lát đường làm cầu cho dân làng có thể đi lại dễ dàng. Hai cầu đá là hai tảng đá to mài nhẵn. Mùa thu hoạch thuyền chở lúa đi lại ở đìa ngược, đìa xuôi dưới cầu đá tại cánh đồng Bản Trang và Ngoại Viên.
Đến thời nhà Mạc, triều đình ra nhiều thứ thuế, nhiều nhà nghèo nộp thuế không đủ. Quan lại cho lính về vây bắt trai đinh. Sáu cụ đã cho dân làng vào dùng võ gậy để chống lại quân triều đình. Các cụ đã hy sinhh vào ngày 26 tháng Sáu âm lịch. Dân làng lập miếu thờ bên ao đình. Trong miếu có bài vị với duệ hiệu là “Lục Tôn Ông hiệu thuần trí tự sự”. Sáu cây gậy sơn màu đỏ, đầu gậy chạm khắc hình rồng phần đuôi dưới sơn trắng đặt nằm trên giá đỡ.
Hàng năm vào vụ gặt, khoảng ngày mồng Một tháng Mười âm lịch làng có tục làm lễ canh đồng. Việc sắp lễ rất long trọng, hương án được bầy ở sân đình có thủ lợn, xôi nếp, hương hoa, oản quả, bát dập. Trai làng áo the khăn xếp rước sáu cụ (sáu chiếc gậy) ra miếu cây đa Cầu Chợ ở rìa đồng, tuần đinh ngủ ở cầu chợ để canh hoa màu, thóc lúa người dân không cần phải vất vả trong việc đi tuần khắp cánh đồng. Nhờ oai linh của sáu cụ nên suốt vụ gặt không xảy ra trộm cướp hỏa hoạn, đánh lộn. Xong vụ gặt lại rước sáu cụ trở vê miếu bên ao đình.