Đường Cao Lỗ, quận Đống Đa, Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:11, 09/06/2017

Đường Cao Lỗ dài 2.700m, rộng 15m. Từ ngã tư quốc lộ 3 (Bưu điện Đông Anh) đến ngã ba Cổng Trắng (đầu làng Dục Nội) xã Việt Hùng.
Đoạn từ ngã tư quốc lộ 3 (Bưu điện Đông Anh) đến ngã tư kế tiếp (Xí nghiệp Lương thực xay xát Đông Quan) dài 1.800m được đặt tên Cao Lỗ từ năm 2005. Đến tháng 6/2009 được điều chỉnh độ dài thêm 900m cho đoạn từ ngã ba của Xí nghiệp Lương thực xay xát Đông Quan, xã Uy Nỗ đến ngã ba Cổng Trắng thuộc địa phận xã Việt Hùng. Con đường này nằm trọn trên đất xã Uy Nỗ (một trong 23 xã thuộc huyện Đông Anh). Thị trấn Đông Anh ngày nay một nửa phần đất là của xã Uy Nỗ xưa. Xã Uy Nỗ vốn có các thôn Cường Nỗ, Đại Bi, Kính Nỗ, Oai Nỗ và Phúc Lộc. Cả xã thờ An Dương Vương ở đình Oai Nỗ. Còn thờ cả tướng hàng đầu của An Dương Vương là Cao Lỗ ở Đại Bi.

Đường Cao Lỗ là đường trục chính của huyện Đông Anh, đi qua bưu điện, UBND huyện Đông Anh, Tòa án, chợ Tó và nhiều cơ quan hành chính khác của huyện.

Cao Lỗ (?-179 tr.CN) là một danh tướng thời An Dương Vương, theo dã sử, ông họ Cao tên Lỗ, lại có tên là Thông, người ở bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh). Thời trẻ, giỏi võ nghệ, được người địa phương tôn là Đô Lỗ. Sau theo An Dương Vương đánh giặc, nhờ lập được nhiều công, ông được phong tước Hầu. An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được Rùa vàng giúp đỡ. Thành xây xong, Rùa vàng lại tặng vua chiếc móng. Vua bèn giao cho ông chiếc móng đó để làm nỏ thần. Truyền rằng, nỏ thần cực mạnh, bắn một phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt được hàng trăm tên giặc, do đó được gọi là Linh Quang Thần nỗ.

Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương dàn quân chiến đấu, dùng nỏ thần giết giặc. Quân Triệu Đà thua to, phải rút về nước. Biết ta có nỏ thần lợi hại, Triệu Đà tìm cách cho con sang làm rể An Dương Vương, để mong phá được nỏ thần. Ông và Nồi Hầu hết sức can ngăn An Dương Vương chớ mắc mưu giặc, nhưng vua không nghe.

TrọngThủy lấy Mỵ Châu rồi, vừa tìm cách phá nỏ thần, vừa tìm cách ly gián An Dương Vương với các tướng giỏi. An Dương Vương cả tin, đã đuổi ông về quê. Đau đớn vì sự đối xử đó, ông ra về, không quên dặn lại vua: “Giữ được nỏ này thì làm vua thiên hạ, không giữ được nỏ này thì mất thiên hạ”. Nhưng, An Dương Vương chủ quan đã để cho Trọng Thủy phá mất lẫy nỏ. Triệu Đà lại xuất quân xâm lược. An Dương Vương phải tự vẫn. Đất nước rơi vào tay quân xâm lược. Cao Lỗ đã mất trong cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù.

Hiện nay Cao Lỗ có đền thờ ở Cổ Loa, Ái Mộ (Gia Lâm). Còn Cao Tử - em ông có đền thờ ở thôn Hương Nghĩa, nay là phố Đào Duy Từ. Ba cha con ông Nồi có đền thờ ở thông Ngọc Chi và Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh).